Công chức “một dạ hai vâng”
Nêu dư luận rất bức xúc người có năng lực không vào nhà nước hoặc vào rồi cũng sẽ ra đi, trong khi người yếu kém lại gia tăng, ĐB Đỗ Văn Đương nhấn mạnh: “Điều đó làm gia tăng con người hành chính “sáng cắp ô đi tối cắp về”.
“Vì sao số công chức tận tâm với công việc và sáng tạo trong công tác thì ngày càng ít, nhưng số công chức lười nhác, chỉ “một dạ hai vâng” nhưng lại ham muốn trở thành lãnh đạo ngày càng nhiều. Và đây có phải là nguyên nhân chính làm gia tăng bộ máy hành chính và cũng là nguyên nhân của tội phạm tham nhũng?” - ĐB Đương hỏi.
Thừa nhận câu hỏi của ĐB Đương là “khó”, Bộ trưởng Bình cho biết: Nguyên nhân tình trạng trên là do sử dụng cán bộ chưa đúng phẩm chất, trình độ; cơ chế thưởng phạt chưa nghiêm, chưa gắn với trách nhiệm người đứng đầu; tiền lương chậm cải thiện nên chưa tuyển dụng được người có năng lực. Vì vậy phải đổi mới cơ chế đánh giá theo nguyên tắc, cấp trên đánh giá cấp dưới, sử dụng người có tài năng làm được việc.
Bộ Nội vụ đang trình Thủ tướng đề án tuyển 1.000 sinh viên xuất sắc từ nay đến năm 2020, bổ sung thêm cán bộ có năng lực, phẩm chất vào nhà nước. Đồng thời, xây dựng nghị định và đề án tinh giảm biên chế thay thế Nghị định 132, có thể triển khai đầu năm 2015, trong đó có nhiều biện pháp mạnh.
“Chúng tôi rất hy vọng đề án này sẽ giải quyết tinh giảm biên chế, đáp ứng đạt yêu cầu của nhân dân. Cùng với giảm biên chế, về lâu dài, phải nghiên cứu chỉ tuyển dụng người có đủ tài năng, đủ phẩm chất vào bộ máy” - Ông Bình cho biết.
“Lạm phát cấp phó” mới có người đi họp (?)
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) chất vấn: “Cử tri nói rất nhiều về sự “lạm phát cấp phó” kéo dài ở tất cả các cấp, từ trung ương đến địa phương. Đó là một trong những nguyên nhân làm cho bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả, lãng phí mà lại không đúng quy định của Chính phủ về số lượng cấp phó. Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm của Bộ trưởng về chuyện này, giải pháp tới đây?”.
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội).
Bộ trưởng Bình lý giải, quy định hiện nay không phải cứng mà cơ động, một bộ có 4 thứ trưởng, nếu tăng thêm thì cơ quan có thẩm quyền quyết định. Bộ muốn tăng thêm phải có đề án báo cáo cơ quan có thẩm quyền, một kênh là Ban cán sự Đảng của Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Chính trị quyết định.
“Bộ Nội vụ nhiều lần đề nghị có cơ chế cứng, nhưng qua thảo luận, bỏ phiếu thì không quá bán. Bộ đề nghị số lượng ít, nhưng Ban cán sự đề nghị số lượng nhiều, nên chưa gặp nhau được. Tuy nhiên Bộ vẫn mong muốn quy định cứng, Bộ nào có bao nhiêu thứ trưởng thì quy định rõ, không còn phải bàn cãi” - Ông Bình cho hay và thừa nhận, bổ nhiệm nhiều cấp phó gây lãng phí ngân sách và không được đồng thuận của xã hội.
“Cử tri nói rất nhiều về sự lạm phát cấp phó kéo dài ở tất cả các cấp, từ trung ương đến địa phương. Đó là một trong những nguyên nhân làm cho bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả, lãng phí, không đúng quy định của Chính phủ...”
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội)
“Nguyên nhân là do sức ép công việc, họp hành nhiều. Có những đồng chí chủ trì họp rất khó tính, nếu không phân công thứ trưởng đi thì không cho tham dự. Do đặc thù của một số ngành cũng cần cán bộ để thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, chưa kể một số ngành đòi hỏi nhiều cấp phó do khối lượng quá nặng nề luôn cần cấp lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo giải quyết. Khi tôi về làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, có 6 thứ trưởng, sau này là 7, nhưng giờ làm gương chỉ còn 4, nhưng gương này không an toàn” - Ông Bình lý giải.
Cũng theo Bộ trưởng, có một điều chúng tôi không thể phủ nhận một số cơ quan có quá nhiều cấp phó, không thực sự xuất phát từ nhu cầu công việc, thậm chí do hậu quả của sự bổ nhiệm và vì một nguyên nhân nào đó.
Đối với phạm vi cấp tỉnh, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện có thiếu sót sẽ có kiến nghị, nếu không thực hiện thì báo cáo Thủ tướng để có hướng xử lý.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình.
Cấp phòng cũng có hàm
Trả lời câu hỏi của ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đề cập những năm gần đây xuất hiện chức danh “hàm” như hàm vụ trưởng. Bộ trưởng Nội vụ thừa nhận, dù không có quy định nào về “hàm”, nhưng thực tế, nhiều bộ ngành, cơ quan trung ương lại vận dụng cho hưởng “hàm” với chức danh lãnh đạo quản lý với công chức, viên chức.
“Nguyên nhân là do sức ép công việc, họp hành nhiều. Có những đồng chí chủ trì họp rất khó tính, nếu không phân công thứ trưởng đi thì không cho tham dự...”
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình
“Theo báo cáo, có hơn 300 công chức, viên chức đang được vận dụng hưởng hàm chức danh quản lý từ cấp phòng trở lên, 96 trường hợp hưởng hàm vụ trưởng; vụ phó là 150, hàm trưởng phòng là 76 người và phó phòng là 17” – Ông Bình cho hay và nhấn mạnh “Cấp phòng cũng có hàm!”. “Từ tháng 6/2014 Bộ đã lập tổ nghiên cứu do thứ trưởng làm tổ trưởng để đánh giá cụ thể. Cần tiếp tục nghiên cứu cả về lý luận, thực tiễn để đánh giá thực chất về hàm, vì cuộc sống thực tế đang diễn ra như vậy” - Ông Bình thông tin.
Người thiếu đức, tài giỏi “chạy” ngày càng nhiều?
Đề cập mặt trái thi cử, bổ nhiệm cán bộ, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội), Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) nêu để trúng tuyển phải chạy chọt hàng trăm triệu, hoặc phải có “tiền tệ, hậu duệ, đồ đệ” chứ không phải “trí tuệ”. Tâm lý đầu tư chạy công chức để thu hồi vốn sau khá phổ biến.
“Thực trạng là thế nhưng ít người chịu thừa nhận. Với chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ, Bộ trưởng có giải pháp gì để ngăn chặn, xử lý tình trạng trên; đảm bảo công bằng, minh bạch trong công tác cán bộ, tránh để người thiếu đức, kém tài nhưng giỏi chạy ngày càng nhiều trong các cơ quan công quyền? - ĐB Tính hỏi.
Bộ trưởng Nội vụ cho rằng chúng ta không thiếu các quy định để chống tiêu cực. Nhưng quan trọng, phải thường xuyên thanh kiểm tra, thực hiện nghiêm quy trình thi tuyển, xử lý nghiêm vi phạm, nếu có vi phạm phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu.
Theo Bộ trưởng Nội vụ, từ 2003 đến nay đã 9 lần tăng lương từ 210 ngàn lên 1,150 triệu đồng, tốc độ tăng nhanh hơn tăng giá, nhưng còn bất hợp lý. Một sinh viên đại học ra trường có thu nhập lương 3,6 triệu đồng, Bộ trưởng cũng chỉ hơn 14 triệu đồng/tháng.
Hồng Phúc
Chưa tới 1% cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ
Bộ trưởng Nội vụ báo cáo: Năm 2013 số cán bộ, công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là hơn 34,3%, hoàn thành tốt là 58,08%, hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế năng lực là 4,94%, không hoàn thành nhiệm vụ 0,46%. Có 23 bộ ngành, địa phương báo cáo không có công chức không hoàn thành nhiệm vụ.