Làm nhà cho “quan” nên tính lại

TP - Ngày 24/10, thảo luận dự án Luật Nhà ở, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần cân nhắc quy định chặt chẽ hơn đối với nhà ở công vụ, quỹ phát triển nhà ở...
Làm nhà cho “quan” nên tính lại ảnh 1

Các tòa nhà chung cư đã hoàn thiện và chưa hoàn thiện tại khu vực Nam Từ Liêm - Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu

ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng, nếu mở rộng đối tượng nhà ở công vụ quá lớn như dự thảo luật, trong điều kiện ngân sách khó khăn, chúng ta khó lòng kham nổi. Quan điểm rất hay, rất nhân văn, nhưng như thế này thì Nhà nước phải đứng ra lo hết, từ cán bộ cao cấp ở Hà Nội đến giáo viên đều thuộc đối tượng ở nhà công vụ, chúng ta có lo nổi không?

“Hôm qua thảo luận về Luật Bảo hiểm xã hội, chúng ta cũng muốn lo hết, bây giờ nhà ở cũng lo hết, từ quan tới dân, rồi nhà cho người nghèo. Phải tính toán lại các đối tượng nhà công vụ. Nên cân nhắc việc phát triển nhà ở công vụ, phát triển nhà cho dân thì tốt, còn cho quan thì nên tính toán lại”, ĐB Nam phát biểu.

Theo ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình), phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch và phải giám sát đối với nhà công vụ. Việc đầu tư, sử dụng ngân sách làm nhà công vụ ở Trung ương phải có ý kiến của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ở địa phương phải có ý kiến của Hội đồng nhân dân.

Cần thu hẹp đối tượng sử dụng nhà công vụ, ở Trung ương chỉ bố trí cho cán bộ từ cấp bộ trưởng và tương đương trở lên. Đối tượng cụ thể do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Ở địa phương, chỉ xây dựng nhà công vụ khi chưa có nhà ở thương mại.

“Nếu địa phương có nhà ở thương mại thì Nhà nước cần căn cứ vào ngân sách để hỗ trợ, tạo điều kiện cho cán bộ có chỗ ở. Cần có quy định chặt chẽ, hạn chế thất thoát ngân sách, đất đai, quản lý nhà ở công vụ và tăng thẩm quyền phân cấp cho địa phương”, ông Sinh nói.

ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) đề nghị, chế độ nhà công vụ cần phải ưu tiên dành cho đội ngũ cán bộ đi công tác đến vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn nhằm đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, chứ không phải là những cán bộ luân chuyển đến nơi thuận lợi. Cùng đó, phải quy định rõ chủ thể quản lý nhà công vụ là ai, không thể đến khi có đồng chí về hưu không chịu trả nhà.

“Cần quy định rõ mô hình quản lý nhà công vụ, trên cơ sở đó, khi có hợp đồng thuê nhà công vụ vi phạm thì khởi kiện ra tòa theo luật dân sự, sẽ thuận tiện hơn”, ông Hà kiến nghị.

Nhà ở không phải “cháo”

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, cần quy định chặt về việc xác lập quyền sở hữu khi mua bán nhà ở, nhưng dường như chúng ta còn quan điểm “tiền trao cháo múc”. Nhà ở, bất động sản không phải cháo, quyền sở hữu chỉ được xác lập về pháp lý khi đăng ký với Nhà nước và đã nộp phí trước bạ.

“Đến người mua xe máy cũng phải nộp phí, đăng ký mới được coi là xe chính chủ, huống gì tài sản là nhà ở. Nếu nguyên tắc này bị phá bỏ sẽ gây rối loạn pháp luật”, ông Lịch cảnh báo.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nói rằng, theo dự thảo, thời điểm chuyển quyền sở hữu là từ khi người mua nhận bàn giao nhà là không hợp lý. Hiện có tình trạng nhiều người mua nhà trả hết tiền rồi, nhưng không sang tên đổi chủ được do mảnh đất đã sang tên đổi chủ nhiều lần. Có nhiều trường hợp, khi giá nhà thay đổi, họ lại quay ra kiện tụng, khiến tòa án cũng lúng túng trong giải quyết.

Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), Luật Nhà ở cần thống nhất tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt: Chức năng nhà ở là phục vụ việc ở, tái sản xuất sức lao động, trong đó có người già và trẻ em. Tình trạng nhiều nhà ở hiện nay sử dụng vào mục đích kinh doanh, trong đó có cả kinh doanh vật liệu dễ cháy nổ, gây tiếng ồn, ảnh hưởng người khác, cần được chấn chỉnh.

Cho người nước ngoài mua nhà: Cần chống đầu cơ, rửa tiền

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Phan Trung Lý, cho biết, nhiều đại biểu thống nhất với quy định của dự thảo luật về việc mở rộng đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Tuy nhiên, cần quy định chặt chẽ hơn về thời gian cư trú tại Việt Nam cũng như các điều kiện hạn chế cụ thể khác để tránh đầu cơ, gây lũng loạn thị trường bất động sản và đảm bảo an ninh - quốc phòng.

ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) nói rằng, đó sẽ là giải pháp quan trọng để “xuất khẩu tại chỗ” các dự án nhà ở thương mại cao cấp, hút nguồn ngoại tệ cũng như thúc đẩy phát triển thị trường.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị, luật cần “cởi trói” hơn nữa. Cụ thể, sau khi người nước ngoài sở hữu hợp pháp nhà tại Việt Nam, không nên hạn chế quyền cho thuê lại, tránh tạo tâm lý bất bình đẳng giữa người nước ngoài và công dân Việt Nam.

“Chúng ta không cho họ quyền xây dựng dự án thì nên cho họ quyền xây dựng nhà riêng lẻ, miễn là không vi phạm khu vực cấm người nước ngoài”, ĐB Nghĩa đề xuất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, việc cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam trong dự thảo luật đã được quy định chặt chẽ. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể về số lượng căn hộ được mua bán chung cư trong trường hợp một khu vực dân cư có nhiều tòa nhà chung cư; quy định chặt chẽ phương thức thanh toán để phòng, chống việc đầu cơ, rửa tiền…

Sẽ khống chế lợi nhuận nhà ở xã hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, với nhà ở xã hội, mức giá được xác định chặt chẽ, mức lợi nhuận được khống chế. Dự thảo luật quy định việc phát triển nhà ở xã hội phải có sự tham gia của toàn xã hội, của cộng đồng.

Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có ý nghĩa nhân văn, do vậy Nhà nước phải giữ vai trò quan trọng trong việc tạo ra các cơ chế, chính sách, điều kiện hỗ trợ, nhằm thực hiện tốt hơn yêu cầu bảo đảm quyền có chỗ ở của người dân.

Chuyên gia Đặng Hùng Võ: Phải tính trên tầm nhìn dài hạn

Làm nhà cho “quan” nên tính lại ảnh 2

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho rằng, quy định trong dự thảo Luật Nhà ở lần này với việc mở điều kiện cho người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam phải tính trên tầm nhìn dài hạn, còn trong ngắn hạn, đừng đặt quá nhiều hy vọng giải cứu thị trường.

Có thể những quy định này sẽ làm cho thị trường tốt hơn, nhưng đừng kỳ vọng người nước ngoài sẽ nhảy ngay vào ôm hết đống bất động sản tồn đọng hiện nay.

Theo ông Võ, để hoá giải những lo lắng, ý kiến về việc vừa mở rộng cửa cho người nước ngoài mua nhà, vừa bảo đảm được an ninh và chủ quyền quốc gia, chúng ta phải dùng giải pháp khác để quản lý dân cư, đặc biệt là quản lý dân cư nước ngoài.

Nhiều nước không cho phép tồn tại những khu dân cư có tỷ lệ người nước ngoài quá lớn. Có nước quy định, đối với chung cư, chỉ được bán cho người nước ngoài theo một tỷ lệ nhất định.

Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm: Quy định chặt trong việc quản lý nhà công vụ

Làm nhà cho “quan” nên tính lại ảnh 3

TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng, Luật Nhà ở không nên bao quát mọi thứ liên quan nhà ở, mà cần phân định rành mạch phạm vi điều chỉnh theo hướng đổi mới tư duy, quan điểm bám sát thực tế.

Theo ông Liêm, cần phải thay đổi những bất cập như quy định xóa bao cấp về nhà ở, thực hiện theo thị trường, nhưng vẫn đồng thời đề cập vấn đề nhà ở xã hội. Với loại hình nhà ở xã hội, chắc chắn không thể thả nổi theo cơ chế thị trường. Ông Liêm nhấn mạnh, việc xây dựng nhà ở xã hội cần phải tìm hiểu rõ nhu cầu thị trường, chứ không thể theo phong trào.

Đề cập vấn đề nhà ở công vụ, ông Liêm cho rằng, cần đưa ra các biện pháp quản lý chặt để hạn chế trường hợp chây ì không trả nhà sau khi đã về nghỉ hưu. “Chúng ta cũng chưa thấy ai cưỡng chế nhà công vụ bao giờ, vì người ở nhà công vụ chủ yếu là cán bộ có chức sắc nên luật phải đưa ra được các quy định chặt chẽ trong vấn đề này”, ông Liêm nói.  

Tú Anh

MỚI - NÓNG