Công nhân được mua nhà ở xã hội

Dự án nhà ở cho công nhân ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Ảnh: Nguyễn Tú
Dự án nhà ở cho công nhân ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Ảnh: Nguyễn Tú
TP - UBND thành phố Hà Nội vừa chấp thuận đề xuất của Sở Xây dựng nhằm mở rộng quyền thuê, mua nhà ở xã hội của công nhân. Đây được xem là quy định kịp thời đáp ứng mong mỏi của hàng vạn công nhân đang rất khó khăn về nhà ở…

Ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, từ nhiều năm qua, nhu cầu về nhà ở của công nhân tại các khu, cụm công nghiệp đang hết sức cấp bách.

Trong khi đó, khả năng đáp ứng từ ngân sách nhà nước chỉ giải quyết được một phần rất nhỏ, cơ chế huy động vốn từ các nguồn lực khác gặp rất nhiều vướng mắc.

Hàng vạn công nhân phải đi thuê trọ nhà ở trong các thôn xóm ngoại thành gần khu công nghiệp với chất lượng rất thấp, không đảm bảo an toàn và sức khỏe, các tiện ích cho sinh hoạt. Khổ nhất là những công nhân sau khi lập gia đình, có chồng, có con thì không được ở trong các khu nhà tập trung mà phải đi thuê bên ngoài, đồng lương eo hẹp. 

Bên cạnh đó, những quy định cũ về thuê nhà công nhân đã không còn phù hợp (chỉ cho công nhân độc thân thuê), sản xuất kinh doanh cắt giảm cũng đã dẫn đến tình trạng “thừa” nhà công nhân tại một số dự án.

Điển hình như dự án nhà công nhân tại khu công nghiệp Phú Nghĩa huyện Chương Mỹ mới hoàn thành 1/10 tòa nhà và tỷ lệ lấp đầy mới đạt 85% công suất. Dự án nhà ở công nhân tại Kim Chung huyện Đông Anh hiện có 6 tòa nhà trống với 2.700 chỗ ở cũng đang “thừa”.

Một nguyên nhân khác đang tác động xấu đến phát triển nhà cho công nhân đó là hiện nay đang xảy ra mất cân đối cung cầu về vốn đầu tư cho quỹ nhà công nhân. Nguồn vốn đầu tư dài hạn xây nhà cho công nhân thuê chưa biết khi nào mới tìm được lời giải. Nhiều dự án đang phải tạm dừng vì thiếu vốn.

Nới lỏng điều kiện

Thực tế là việc dành và bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp, công nhân trong khu công nghiệp gặp khó khăn. Hầu hết các dự án phát triển nhà ở, dự án khu đô thị trên địa bàn tỉnh Hà Tây (cũ) và huyện Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc trước đây (phần sáp nhập vào Hà Nội) đã không bố trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội, trong đó có nhà thu nhập thấp, nhà công nhân.

Bộ Xây dựng cũng chưa hướng dẫn tiêu chí cụ thể để xác định nhu cầu sử dụng đất, nhu cầu nhà ở công nhân trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư (giai đoạn chuẩn bị dự án khu, cụm công nghiệp).

Việc đánh giá nhu cầu nhà ở công nhân với từng khu công nghiệp, từng dự án chưa có sự phối hợp tốt giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp. Do vậy nhiều chỉ tiêu về phát triển nhà ở công nhân nhiều khả năng không đạt yêu cầu đề ra.

Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, với việc điều chỉnh quy định về điều kiện thuê, mua nhà ở xã hội cho công nhân theo Nghị định 188/2013 và Thông tư 08 (có hiệu lực từ 8/7/2014) sẽ có tác động mạnh đến việc phát triển quỹ nhà này.

Quy định hộ gia đình công nhân được thuê, mua nhà ở xã hội đã mở ra cơ hội mới được cải thiện về nhà ở với hàng vạn người lao động trong các khu, cụm công nghiệp. Những quy định ràng buộc điều kiện về hộ khẩu cũng phải điều chỉnh.

Chỉ cần hộ khẩu tạm trú dài hạn, hộ gia đình công nhân cũng có quyền mua, thuê nhà ở trong các dự án phát triển nhà. Riêng với quỹ nhà được đầu tư từ ngân sách thì công nhân được thuê và chỉ mua với quỹ nhà đầu tư ngoài ngân sách. Những quy định về tín dụng của gói 30.000 tỷ đồng cũng sẽ phải điều chỉnh.

“Đây là cơ hội cả với công nhân và cũng là cơ hội cả với các nhà đầu tư xây dựng nhà xã hội cho thuê, mua. Dự kiến đến 2015 các chính sách này sẽ được hoàn thiện và áp dụng trong thực tế”, ông Vũ Ngọc Đạm nói.

Quy định hộ gia đình công nhân được thuê, mua nhà ở xã hội đã mở ra cơ hội mới được cải thiện về nhà ở với hàng vạn người lao động trong các khu, cụm công nghiệp.

MỚI - NÓNG