Làm người tử tế

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tôi đi ngang qua đường Nguyễn Thị Nhờ ở quận 7, TPHCM trong buổi chiều đầu tuần của tháng Chạp thấy khu trọ của ông Mười Hương xập xình tiếng nhạc. Thì ra, năm nay ông tổ chức tất niên sớm cho công nhân sống trong dãy trọ mà ông làm chủ.

Mấy mươi năm xây phòng trọ cho thuê, ông Mười Hương được bao thế hệ sống trong khu trọ 20 phòng ông xây đặt cho cái tên “ông chủ hào phóng”. Hào phóng ở chỗ, hễ ai gặp khó khăn thì ông Mười đều ra tay giúp đỡ, chăm lo như chính người thân của mình, không phân biệt. Tết đến xuân về, nhiều người về quê, ông đều tặng quà, người ở lại được ông lì xì từ 300-500 nghìn đồng. Ai cũng vui vì sự ấm áp nơi đất khách quê người.

Hàng chục nghìn chủ trọ ở TPHCM hầu như đều có chung một sự tử tế như vậy đối với người dưng khi đến thuê trọ. Ở trọ mà như ở trong chính nhà mình, riết rồi không ai muốn rời đi, cứ gắn bó. Tôi nhớ khi TPHCM bùng dịch Covid-19, một người quen của tôi từ Huế vào làm công nhân thuê trọ trên đường Bùi Văn Ba, quận 7 kể suốt 3 tháng chủ trọ không lấy một đồng tiền phòng, lại còn bao ăn uống. Hay câu chuyện của bà Nguyễn Thị Tuyết Thương, chủ dãy trọ 30 phòng trên đường Nam Hoà, TP Thủ Đức, được công nhân, lao động thuê trọ gọi với cái tên “bà Tiên” giữa đời thường. Những ngày này, bà đi mua nhu yếu phẩm về, rồi ngồi gói ghém cẩn thận thành các phần quà để tặng cho công nhân về quê ăn Tết. Ai ở lại bà chăm lo chu đáo những ngày ăn Tết xa quê. Năm nào cũng thế, bà đều đặn chăm lo cho những người ở trọ nơi đây, điều mà bà nói là không phải giữ chân họ ở với mình mà xuất phát từ cái nghĩa, cái tình và cái tâm của người Sài Gòn. Vì vậy, bà nói rằng, việc nhường cơm sẻ áo với người khó khăn là chuyện bình thường. Với bà, bất cứ ai đến đây mưu sinh cũng là người thân, mà đã là người thân thì không phân biệt.

Thời điểm dịch Covid-19 năm 2021, chúng tôi đi qua nhiều quận huyện để tặng quà, bắt gặp nhiều tờ giấy với thông báo “giảm 50% tiền trọ” cho công nhân, người lao động khó khăn. Không chỉ giảm tiền, nhiều chủ trọ còn cho người thuê nợ hoặc cho trả góp. Họ còn đi mua gạo và mì tôm tặng cho người thuê trọ. Ai cũng tâm niệm “một miếng khi đói bằng một gói khi no” nên cứ lan tỏa tình người ấy đến với những chủ trọ khác. Từ đợt dịch cho đến hôm nay, nhiều chủ trọ mà tôi biết vẫn giữ sự tử tế ấy đối với người thuê, những người thất nghiệp hay công ty giảm giờ làm vì thiếu đơn hàng… bằng cách giảm giá tiền phòng.

Hãy “làm người tử tế” nói thì dễ nhưng không phải ai cũng làm được. Có những nơi, hết dịch bệnh công nhân đi làm là chủ nhà trọ bắt đầu tăng giá thuê, cũng có nơi chủ và khách thuê trọ sòng phẳng từ tiền phòng, tiền điện tiền nước bất kể khó khăn. Nhưng đó chỉ là số ít. Hầu như các chủ trọ ở TPHCM đều lấy sự tử tế làm đầu, họ nói “mình sống được là nhờ công nhân nên đối xử với người ở như bát nước đầy”. Trong cuộc sống vất vả mưu sinh giữa Sài thành bộn bề, tấp nập vẫn còn khá nhiều những người tử tế như thế…

MỚI - NÓNG
3 người tử vong trên sông Pô Kô, có 2 cán bộ huyện
3 người tử vong trên sông Pô Kô, có 2 cán bộ huyện
TPO - Thấy chị T (công chức Phòng TN&MT huyện Đức Cơ) trượt chân rơi xuống sông Pô Cô, trung tá N.V.V (Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Đức Cơ) và anh L.K.L (trú tại TP.Pleiku, Gia Lai) lao xuống cứu nhưng không được, cả ba người bị dòng nước chảy xiết cuốn tử vong.