Làm gì với điểm 10?

TP - Riêng tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa), số lượng thí sinh trên 29 điểm đến 30 điểm năm 2024 tăng hơn 54 lần so với 2023, mức điểm 28 tăng gấp 6 lần, mức điểm 27 tăng gấp 4 lần kì thi năm ngoái…

Đến nỗi mỗi môn 9,75 điểm mà vẫn trượt nguyện vọng đăng kí, nhất là vào các trường sư phạm, báo chí truyền thông! Những con số nhức nhối sau kì thi tốt nghiệp THPT mới đây.

Nguyên nhân thì nhiều. Nhưng có một sự thật, đó là các trường tốp đầu trước đó cơ bản đã tuyển sinh xong bằng đủ phương thức xét tuyển sớm “thời thượng” hơn, như thi đánh giá năng lực, tuyển sinh riêng, tuyển thẳng thí sinh đạt giải quốc gia, các thành tích quốc tế, chứng chỉ IELTS, SAT (bài kiểm tra theo chuẩn hóa của Mỹ),… Nghĩa là những slot ngon lành nhất đã có chủ. Chỉ còn rất ít chỉ tiêu dành cho kiểu tuyển sinh “truyền thống” là thi tốt nghiệp phổ thông.

Tôi từng nói đùa, là bỏ thi tốt nghiệp phổ thông đi, 9-10 điểm mà làm gì khi vẫn rớt ngành mình chọn. Nói là vậy, nhưng thực ra thật khó bỏ trong điều kiện xã hội hiện tại. Bởi hai chữ “phổ thông”. Phổ thông là dành cho đại trà, cho đa số. Đại đa số học sinh nước ta hiện nay làm gì đủ tiền để học thêm, để lấy các chứng chỉ quốc tế danh giá. Mà chỉ buông việc đồng áng, làm thêm mưu sinh giúp gia đình ra là cắm đầu vào cày sách giáo khoa và các bài tự luyện lượm trên mạng. Với hy vọng muôn năm cũ là thi đạt điểm thật cao để “kim bảng quải danh thì” (ghi tên bảng vàng).

Nhưng thời buổi này, điểm cao mà làm gì!

Điểm số chủ yếu chỉ có ý nghĩa đem lại sự tự tin, hứng khởi trong trường phổ thông và khi mới bước vào đời. Nhưng đó chỉ là một phần, và ngày càng trở nên ít giá trị trong những phần đời còn lại.

Cuộc đời sẽ không cho mỗi chúng ta những bài thi dạng phổ thông dành cho số đông, mà nhiều khi chỉ một và một cú sát hạch quyết định mang tính riêng/dị biệt mà thôi. Luôn phải tự hỏi, cái riêng dị ấy, và cái đích đến ấy của mình là gì, đi bằng con đường nào? Giờ các công ty, tòa soạn báo khi tuyển người hầu như đều gác sang một bên bảng điểm rực rỡ, mà trực tiếp chất vấn, sát hạch đủ kiểu để tìm ra tố chất, kỹ năng khác biệt và phù hợp với nhu cầu tuyển dụng.

Tôi vẫn nói với các sinh viên báo chí, rằng cho dù cha mẹ các em có làm quan chức cỡ nào, thì cũng không thể bố trí “thư kí riêng” để viết tin, bài thay cho mình cả đời. Nghề báo không phải “xin việc”. Mà chính tố chất, sự đặc biệt của các em qua những bài viết cộng tác các báo (chứ không phải chỉ là tấm bằng đỏ), sẽ khiến các tổng biên tập trịnh trọng đứng dậy mời các em vào tòa soạn.

Sẽ có người bảo, rằng có phải ai cũng thuộc về lớp người có tố chất, khả năng đặc biệt cả đâu? Thì hãy tự hỏi lại, có phải thành công đều là phải có quyền cao chức trọng, tài sản dư thừa, nghề nghiệp “danh giá” không? Hay là làm được tốt nhất chính công việc mà mình yêu thích nhất. Hạnh phúc luôn là thứ vô cùng và vô chừng, nhưng ít ra cũng có thể gọi đó là hạnh phúc.

Điểm 10 đương nhiên là rất tốt. Nhưng sẽ không ai đem thứ đó khắc lên bia mộ của mình.

MỚI - NÓNG