Làm gì để tránh bẫy tình tuổi teen?

Làm gì để tránh bẫy tình tuổi teen?
TP - Trong trường hợp trẻ mang thai, mắc các bệnh tâm, sinh lý… nhất thiết phải có sự tham gia giải quyết của bố mẹ. Các bậc phụ huynh muốn giúp con mình, trước hết phải học, phải có kiến thức nhiều hơn.
Làm gì để tránh bẫy tình tuổi teen? ảnh 1
Ảnh mang tính minh họa

Những vấn đề xung quanh những khúc mắc đầu đời ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ mang tính chất “toàn cảnh” đã được bà Bùi Thị Hội, nguyên chuyên viên Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, chuyên gia cố vấn tâm lý giáo dục đường dây 18001567 trao đổi với Tiền phong.

Bà Hội cho biết: Khi trẻ gọi đến đường dây, hầu hết chúng đều hoảng sợ và chưa từng kể những vướng mắc, rắc rối của chúng cho bất kỳ ai, kể cả bố mẹ.

Cha mẹ phải là điểm tựa và niềm tin cho trẻ

Lý do chủ yếu nào khiến trẻ không dám tâm sự với bố mẹ và những người thân về những rắc rối chúng gặp phải, thưa bà? 

Trong con mắt của bố mẹ và gia đình, các em là niềm tự hào bởi học giỏi và ngoan ngoãn. Tuy nhiên, các em lại thiếu kỹ năng sống và khi gặp chuyện không hay, các em không dám nói với bố mẹ vì sợ…đổ vỡ hình ảnh, niềm tin, sự hy vọng.

Lý do lớn nhất là các em không muốn bố mẹ phải đau lòng. Ngoài ra, một số em lo sợ sự trừng phạt, đánh đập của cha mẹ.

Khi các em gọi điện xin tư vấn nghĩa là mong muốn có được những lời khuyên để tìm ra lối thoát. Tuy nhiên, để thực hiện được những lời khuyên và lối thoát đó, nhiều trường hợp nằm ngoài khả năng của trẻ và cần có sự hỗ trợ của gia đình, người thân. Vậy các chuyên gia sẽ làm như thế nào để kết nối?

Trong những trường hợp trẻ mang thai, mắc các bệnh tâm, sinh lý… nhất thiết phải có sự tham gia của bố mẹ mới giải quyết được. Bằng mọi phân tích, chúng tôi thuyết phục các em phải nói với bố mẹ vì họ là người đại diện về pháp lý và tình cảm thiết thân, gần gũi nhất giúp các em giải quyết hậu quả.

Nếu các em vẫn lo sợ, không thể tự nói ra, chúng tôi hỏi ý kiến các em và chuyên gia tư vấn sẽ nói thay các em. Tôi đã gặp trường hợp 1 nam học sinh lớp 12 có ý định nhảy sông tự vẫn khi bạn gái cùng lớp có bầu với em trong một lần đi picnic với cả lớp và nằng nặc đòi em trai này phải tổ chức đám cưới.

Cậu học sinh đó con một quan chức đứng đầu tỉnh, mẹ là giáo viên uy tín nên cậu chọn cái chết thay vì phải nói với bố mẹ. Cuối cùng, chúng tôi kết nối với gia đình của 2 em học sinh trên đưa em gái đi giải quyết hậu quả.

Sau thời gian gần gũi động viên, cả 2 em đã tốt nghiệp phổ thông và hiện đã trưởng thành. Một đám cưới kiểu me, xoài, cóc, ổi với một bà mẹ trẻ con đã không xảy ra.

Các chuyên gia trang bị những kỹ năng gì để trẻ tâm sự được những điều khó nói với gia đình? 

Trước hết, hứa với các em tuyệt đối giữ bí mật, rồi giải thích và an ủi để trẻ hiểu rằng, có chuyện xảy ra (rắc rối trong quan hệ với bạn khác giới, tâm sinh lý tuổi mới lớn, những chuyện xoay quanh tình yêu, quan hệ tình dục…) là hoàn toàn bình thường. Không có chuyện gì mới là có vấn đề.

Chúng tôi tiếp cho các em sự dũng cảm để nói ra với người thân, bởi chỉ có nói với những người thân thì rắc rối của các em mới được giải quyết. Chúng tôi truyền cho các em kỹ năng tâm sự với bố mẹ từ khâu mở đầu, kể chuyện như thế nào cho đến việc chọn thời điểm nào là thích hợp để bắt đầu câu chuyện…

Chúng tôi làm cho trẻ hiểu và cũng tin rằng: trước sự bối rối, nỗi đau khổ của con, không có cha, mẹ nào lại nỡ làm cho con khổ thêm.

Trong trường hợp gay cấn hơn, trẻ bị cưỡng bức, bị hành hạ, đe doạ…thì giúp đỡ các em như thế nào, thưa  bà?

Đối với các em này, đường dây kết nối một cách kịp thời với các cơ quan chức năng tại địa bàn các em cư trú. Sau đó, tố cáo hành vi phạm tội trước cơ quan pháp luật, đồng thời đưa ngay các em đến cơ sở y tế để khám, chữa trị và xin lời khuyên của bác sĩ.

Gia đình, thầy cô hãy tìm mọi cách đến với trẻ bị hại và an ủi, động viên, làm dịu đi sự căng thẳng về tinh thần cho các em, sau đó động viên trẻ tiếp tục đến trường lớp học tập.

Cẩn trọng, tránh bàn tán về việc đã xảy ra khi có mặt của trẻ bị hại. Đừng để trẻ em cảm thấy cô đơn, hãy chăm lo cẩn thận sức khỏe của trẻ bị xâm hại, lắng nghe nguyện vọng của trẻ.

Khi trẻ đã lấy lại sự ổn định về tâm lý, điều tối kỵ là không được hắt hủi, nói bóng gió gây tổn thương thêm cho trẻ…

Yêu con, phải học làm cha mẹ!

Vẫn biết cha mẹ luôn thương con nhưng theo bà, nguyên nhân nào từ phía các phụ huynh khiến họ không thể là nơi để trẻ gửi gắm tâm sự?

Họ nhìn vấn đề quá to tát! Khi chuyện xảy ra với con, hầu hết trong số họ cho rằng, danh dự gia đình và bản thân họ bị trẻ xúc phạm. Tự họ suy sụp tâm lý thì làm sao có thể bình tĩnh giúp đỡ con.

Bà có lời khuyên nào đối với các bậc cha mẹ khi con cái họ bước vào tuổi trưởng thành?

Thật buồn cười và đáng trách khi trẻ hỏi về vấn đề giới tính, quan hệ tình dục thì câu cửa miệng của nhiều cha mẹ, đặc biệt là ở nông thôn là: “Ngày xưa có ai dạy tao mà tao vẫn lấy chồng, lấy vợ sinh ra chúng mày? Đừng có mà hư hỏng…”.

Những người trả lời câu đó là yếu về kỹ năng,  thiếu kiến thức để có thể dạy trẻ. Trong thời đại bùng nổ thông tin, trẻ được tự do tiếp cận thông tin một cách ồ ạt (chủ yếu qua internet và băng đĩa) xét về mặt tích cực, chúng sẽ hiểu biết nhiều vấn đề hơn cha mẹ.

Nhưng khi chúng chưa có kinh nghiệm và chưa được định hướng thì lại rất nguy hiểm và dễ gây ra những hậu quả khó lường. Vì thế, các bậc phụ huynh muốn giúp con mình, trước hết họ phải học, phải có kiến thức nhiều hơn mới có thể giải thích đúng những thắc mắc của con. Quan trọng hơn là phải đặt mình vào tình huống của con để cảm thông và chia sẻ.

Phải trị bệnh từ gốc

Thực tế, nhiều bậc phụ huynh muốn giúp đỡ con nhưng họ lại thiếu kiến thức, yếu kỹ năng như bà đã nói, và không nhiều trong số họ  có thể dễ dàng cập nhật thông tin. Với tư cách là chuyên gia tư vấn, bà đề xuất gì để giải quyết tình trạng này?

Công việc của chúng tôi (tư vấn qua đường dây) chỉ là việc giải quyết hậu quả việc đã rồi. Sau mỗi lần họp giao ban tại đường dây và trong các cuộc hội thảo về vấn đề này, giới chuyên môn đã nhiều lần kiến nghị, thậm chí còn soạn đơn đề nghị việc thành lập trung tâm Hỗ trợ kỹ năng làm cha mẹ.

Đây không phải là sáng kiến to tát gì bởi nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã tổ chức lớp học làm vợ, làm chồng cho những thanh niên trước khi kết hôn.

Sau đó, họ muốn sinh con hoặc trong thời gian nuôi con, họ theo các lớp học làm cha mẹ. Khi cha mẹ có đủ kiến thức, kỹ năng thì mới là điểm tựa, niềm tin vững chắc cho con. Ấy là trị bệnh từ gốc và chúng tôi luôn mong Nhà nước quan tâm và sớm xây dựng  trung tâm như thế.

Cám ơn bà!

Mời các bạn tham gia Diễn đàn tuổi teen:

Bạn đọc thân mến!

Sau khi Tiền phong đăng loạt bài Bẫy tình tuổi teen - Vị thành niên bị ép nếm “trái cấm” đã gây được sự chú ý của đông đảo bạn đọc; đặc biệt là bạn đọc tuổi mới lớn và các phụ huynh.

Loạt bài kể trên đã đặt ra vấn đề nóng hổi là, hiện nay giáo dục giới tính cho vị thành niên đang bị bỏ ngỏ ngay từ gia đình, nhà trường, xã hội... Tình trạng này đã đẩy không ít em tuổi mới lớn rơi vào những cảnh huống bi hài.

Diễn đàn tuổi teen sẽ là cầu nối giúp các em tuổi mới lớn tiếp cận dễ dàng hơn, nhanh hơn với bố mẹ, thầy cô, bạn bè và trung tâm tư vấn trong các tình huống bối rối, khó nói (tình yêu, tình dục, học hành và những mối quan hệ khác) để tìm phương án giải quyết tốt nhất, tránh để xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Diễn đàn sẽ đăng tải chuyện khó nói, những bối rối (cụ thể qua các câu chuyện, tình huống) của lứa tuổi mới lớn; qua đó, các chuyên gia, phụ huynh, giáo viên và những người có trách nhiệm liên quan có thể tham gia diễn đàn để trao đổi, thảo luận và tìm ra cách gỡ rối hiệu quả nhất.

Từ số báo tới, Tiền phong sẽ khởi đăng các bài viết trên diễn đàn này. Các bài viết tham gia diễn đàn được trả nhuận bút và trao thưởng cho các bài tham gia diễn đàn xuất sắc (các tình huống hay, cách gỡ rối hiệu quả) sau khi tổng kết diễn đàn.

Bài viết tham gia diễn đàn gửi về theo địa chỉ: diendantuoiteen@gmail.com 

hoặc

Báo Tiền phong 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội. Bài tham gia ghi rõ gửi Diễn đàn tuổi teen.

Rất mong các bạn nhiệt tình tham gia diễn đàn.

Sắp tới, chúng tôi sẽ tổng kết diễn đàn: “Yêu thời @ - Sau tuần trăng mật” và sẽ đăng tải chi tiết thông tin trên Tiền phong ra hằng ngày.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".