Cho đến nay vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây ra ung thư dạ dày nhưng các nhà khoa học nhận thấy có một số yếu tố nguy cơ liên quan đến căn bệnh này. Để giảm nguy cơ mắc bệnh, cần chủ động phòng ngừa bệnh như tuân thủ chế độ ăn khoa học...
Chế độ ăn không khoa học là nguy cơ cao dẫn đến ung thư dạ dày, trong đó thức ăn chứa nhiều muối nitrat như thịt muối, cá muối nhằm mục đích bảo quản và sử dụng lâu dài và cả các loại dưa cải muối. Thói quen ăn thực phẩm chiên xào, thịt cá đã chế biến kết hợp bia rượu, nhưng lại ít ăn rau tươi, trái cây, sữa hay thiếu cung cấp nguồn sinh tố (sinh tố A chẳng hạn), sẽ dẫn đến nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Lạm dụng rượu có thể gây ung thư, nếu nghiện rượu liên quan đến ung thư vùng miệng, họng, thanh quản, thực quản và dạ dày, gan. Càng uống nhiều rượu thì nguy cơ mắc bệnh càng cao và ngược lại.
Theo các nhà nghiên cứu hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn 1,5-1,6 lần ở nam giới. Nguy cơ này sẽ giảm đi sau ngưng hút thuốc 10 năm. Có 18% bệnh nhân ung thư dạ dày có liên quan đến hút thuốc lá. Người ta thấy những bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá kết hợp với việc ăn những thực phẩm như: thịt cá muối, xông khói, thực phẩm không được bảo quản tốt, nguồn nước không đảm bảo vệ sinh... sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Ung thư dạ dày còn do viêm dạ dày mạn tính vì nhiễm vi trùng Helicobacter pylori, đây là một loại vi trùng sống thường trú trong dạ dày. Trẻ nhỏ và người lớn có thu nhập thấp dễ bị ung thư dạ dày hơn so với những người có thu nhập cao hơn. Các nhà nghiên cứu tin rằng điều này có thể là do sự lây lan của H. pylori trong điều kiện sống chật chội, kém vệ sinh, thực phẩm ôi thiu... Ngoài ra, ung thư dạ dày còn liên quan đến yếu tố di truyền.
Phơi nhiễm môi trường cũng là một yếu tố gây ung thư dạ dày. Một số chất gây ô nhiễm tại nơi làm việc, bao gồm bụi than đá, amiăng và niken, làm tăng nguy cơ. Điều đặc biệt, ô nhiễm môi trường do hóa chất, quá trình tiếp xúc dài trong không khí, nước uống, thực phẩm và nơi làm việc có thể đóng góp vào việc gây ung thư. Những ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe phụ thuộc vào liều lượng, nồng độ của hợp chất hóa học và thời gian phơi nhiễm với hóa chất.
Để giảm nguy cơ ung thư dạ dày ngoài hạn chế các yếu tố có nguy cơ cao thì cần vận động, ít nhất 30 phút trong phần lớn các ngày trong tuần. Khi làm việc, tiếp xúc với thuốc trừ sâu, hóa chất cần mang đồ bảo hộ lao động, tuân theo chỉ dẫn và các quy định an toàn.
Ung thư dạ dày là bệnh thường gặp của cả hai giới, bệnh thường gặp ở người trên 40 tuổi, chủ yếu là ở độ tuổi từ 50-70 tuổi, gặp ở nam nhiều hơn nữ. Có khoảng 80% bệnh nhân được chẩn đoán lại ở vào giai đoạn muộn và ngay khi được phát hiện sớm thì cũng có đến 30% bệnh nhân sẽ bị tái phát sau khi điều trị triệt để. Do vậy, việc phòng tránh các yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư dạ dày là vô cùng cần thiết. |