Thủ tục làm khó dự án
Sáng 1/6, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương để chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai dự án đường bộ cao tốc. Hội nghị được tổ chức khi có 14 tỉnh thành đã được ủy quyền giữ vai trò chủ đầu tư một số dự án cao tốc lớn.
Tại hội nghị, các địa phương đồng loạt nêu hàng loạt vướng mắc liên quan tới thủ tục đầu tư dự án, như chuyển đổi đất rừng, đất lúa, giải phóng mặt bằng, cấp phép khai thác vật liệu xây dựng, điều chỉnh giá… Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn… đều khẳng định đã gỡ tối đa các quy định trong thẩm quyền của Chính phủ và cấp bộ; một số vướng mắc còn lại nằm ở luật nên phải chờ trình Quốc hội sửa luật.
Bộ GTVT tổ chức hội nghị lắng nghe các khó khăn và chia sẻ kinh nghiệm quản lý đầu tư cao tốc với các địa phương. (Ảnh: Phạm Thanh). |
Ông Trần Hữu Hải - Giám đốc Ban Quản lý dự án 6, Bộ GTVT - cho biết, việc thu hồi, đền bù tài sản trên đất để làm mỏ cung cấp đất san lấp dự án rất khó khăn, nhiều chủ đất không đồng thuận, hoặc đòi giá đền bù quá cao. Do đó, để thuận lợi cho cấp phép khai thác mỏ đất, nên sử dụng đất của nhà nước đang giao đơn vị nhà nước quản lý, như nông, lâm trường, khi địa phương đồng ý sẽ giải quyết thủ tục rất nhanh.
Ông Hải cũng nếu vướng mắc liên quan tới chuyển mục đích sử dụng đổi đất rừng để làm cao tốc (khi phần đất chuyển đổi tính theo tọa độ, nên khó triển khai sớm, phải chờ thiết kế kỹ thuật mới có chính xác mốc giới và xin chuyển đổi). Khi thực hiện dự án nếu có sai lệch phải làm hồ sơ điều chỉnh, rất mất thời gian, nên quy định này nên điều chỉnh với dự án giao thông.
Đại diện UBND tỉnh Hòa Bình đề xuất, nên gộp chung hồ sơ xin chuyển đổi đất rừng và đất lúa vào cùng một bộ, thay vì chủ đầu tư phải làm thành 2 bộ hồ sơ riêng như quy định hiện hành. Vì việc tách 2 hồ sơ làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, kéo dài thời gian triển khai dự án.
Trong khi đại diện UBND TPHCM cho biết, dự án đường vành đai 3 TPHCM sẽ khởi công trước 30/6 tới. Vị đại diện này đề xuất, với dự án lớn, địa phương chưa có kinh nghiệm có thể cho phép thực hiện loại hợp đồng trọn gói, tổng thầu (chìa khoá trao tay) để giảm áp lực cho cơ quan quản lý nhà nước, phát huy được năng lực triển khai dự án của nhà thầu lớn, tổng công ty mạnh.
Còn tâm lý đùn đẩy
Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai các dự án cao tốc, đặc biệt cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, các địa phương được giao chủ đầu tư cao tốc cần lập ban chỉ đạo để tập trung điều hành dự án, kịp thời xử lý vướng mắc phát sinh. Cùng đó, các địa phương nên xây dựng kế hoạch chi tiết, giao trách nhiệm rõ ràng cho từng đơn vị, cá nhân.
“Đâu đó vẫn còn sự đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nên lãnh đạo địa phương phải chấn chỉnh lại, nếu không sẽ thành rào cản cho dự án. Lúc khó khăn, với công việc phức tạp không nản chí, phải có quyết tâm lớn mới làm được. Lãnh đạo các đơn vị phải thường xuyên kiểm tra hiện trường để nắm bắt thực tế, khó khăn và rào cản để tháo gỡ hoặc đề xuất cấp thẩm quyền tháo gỡ. Cái này rất quan trọng trong thời điểm hiện nay, vì tác động tư tưởng, trách nhiệm cán bộ”, ông Thọ nói và cho biết, những người được giao nhiệm vụ thực hiện các dự án cao tốc phải xem là vinh dự, từ đó mới có quyết tâm, tư duy đổi mới trong cách làm.
Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 trên tuyến Bắc - Nam đưa vào khai thác dịp 30/4 vừa qua. |
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng nhìn nhận thủ tục đầu tư, cấp phép khai thác mỏ đã dần thay đổi, cải cách, dù chưa triệt để, những vướng mắc còn lại chủ yếu liên quan luật, cần thời gian để sửa đổi. Trong các vướng mắc còn tồn tại, lớn nhất vẫn về cấp phép khai thác mỏ vật liệu, khi đất, cát là tài nguyên quốc gia, nhưng khi làm dự án quốc gia lại phải đi “lụy” các chủ mỏ; công trình nhà nước nhưng làm thủ tục hành chính nhà nước mất tới cả năm…
Ông Thọ đồng thuận với đề xuất nên tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng triển khai trước khi triển khai các thủ tục đầu tư, xây dựng.
Về các sai sót khi triển khai dự án, ông Thọ cho biết, rút kinh nghiệm từ triển khai các dự án giao thông vừa qua, sau khi có ý kiến của thanh tra, kiểm toán, cơ quan điều tra… Bộ GTVT đã đúc kết và làm thành sổ tay để các đơn vị tham khảo, không lặp lại các sai sót đó.
Ông Lê Quyết Tiến - Cục trưởng Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT - cho biết, tới nay, cả nước đã đưa vào khai thác 1.729 km đường cao tốc. Qua 20 năm triển khai đầu tư xây dựng đường cao tốc đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, một số quy định pháp luật còn bất cập, thủ tục đầu tư kéo dài, hướng dẫn của các bộ ngành còn cách hiểu khác nhau; giải phóng mặt bằng chậm. Vướng mắc trong thủ tục cấp phép khai thác mỏ vật liệu xây dựng thông thường (đất, cát, đá); tình trạng tăng giá, ép giá, đẩy giá vật liệu khi các công trình triển khai đồng loạt.
Từ thực tế và kinh nghiệm trên, ông Tiến đề xuất một số giải pháp để đảm bảo hiệu quả đầu tư cao tốc thời gian tới, như: Có cơ chế đặc thù, như chỉ định thầu, cho phép triển khai sớm và đồng thời một số công việc; giao mỏ vật liệu cho các nhà thầu thi công với thủ tục rút gọn; phân cấp cho địa phương làm chủ đầu tư dự án; tăng cường phối hợp tháo gỡ khó khăn giữa các bộ ngành, địa phương; kịp thời nhắc nhở, cắt chuyển khối lượng, chấm dứt hợp đồng với nhà thầu vi phạm hợp đồng và tiến độ…
Một số dự án cao tốc đã và đang chuẩn bị khởi công xây dựng, gồm: 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2); cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; vành đai 3 TPHCM, vành đai 4 Hà Nội. Các dự án cao tốc này có tổng chiều dài khoảng 1.300km, tổng vốn đầu tư gần 400.000 tỷ đồng.
Bộ GTVT và các địa phương đang hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư một số dự án cao tốc khác.