Lo lắng
Thủ tướng vừa ban hành Quyết định 17/2022, phân cấp vai trò làm chủ đầu tư thực hiện một dự án đầu tư cao tốc thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các dự án cao tốc phân cấp chủ đầu tư gồm: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Cao Lãnh - An Hữu; Tuyên Quang - Hà Giang; Hòa Bình - Mộc Châu; Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng. Mỗi dự án cao tốc được chia thành nhiều dự án thành phần theo địa giới hành chính cấp tỉnh và phân cấp cho UBND cấp tỉnh làm chủ đầu tư đoạn qua địa bàn của tỉnh. Chỉ một số đoạn giáp ranh giữa 2 địa phương với công trình cầu, hầm phức tạp được giao cho Bộ GTVT làm chủ đầu tư.
UBND 14 tỉnh, thành phố được phân cấp làm chủ đầu tư 8 dự án cao tốc đầu tư công sử dụng vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Ảnh minh họa: Phạm Thanh |
Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh được phân cấp, bố trí vốn ngân sách địa phương tham gia vào dự án theo cam kết, phần vốn tăng thêm nếu vượt tổng mức đầu tư dự kiến để hoàn thành dự án; bảo đảm năng lực quản lý dự án hoặc thuê tư vấn quản lý dự án; chịu trách nhiệm toàn diện triển khai dự án đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả...
Bộ KH&ĐT đánh giá, việc phân cấp nêu trên sẽ tạo sự chủ động, huy động hiệu quả các nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, thuận lợi trong triển khai dự án. Do địa phương kiểm soát mỏ vật liệu và cấp phép khai thác, quản lý giá ngăn đầu cơ, trục lợi, giảm chi phí phát sinh; địa phương cũng chủ động trong giải phóng mặt bằng, cắt giảm thủ tục... Nhờ đó, các dự án cao tốc sẽ triển khai nhanh trong giai đoạn 2022-2023.
Dù vậy, bộ này cũng nhìn nhận, hầu hết các địa phương được phân cấp làm chủ đầu tư đều chưa có kinh nghiệm trong quản lý đầu tư đường cao tốc. Có 11 địa phương tự đánh giá ban quản lý dự án của mình đủ năng lực, kinh nghiệm và cam kết thực hiện dự án đúng tiến độ, chất lượng. Riêng Đắk Lắk, An Giang và Hậu Giang thống nhất làm chủ đầu tư, cam kết sẽ kiện toàn năng lực các ban quản lý dự án, hoặc thuê đơn vị tư vấn quản lý dự án, đảm bảo triển khai dự án theo yêu cầu.
Địa phương nên thuê đơn vị chuyên nghiệp
PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông (VARSI) cho hay, ủng hộ việc Chính phủ phân cấp cho các địa phương thực hiện vai trò chủ đầu tư dự án giao thông trọng điểm. Theo ông Chủng, Với dự án BOT, nhà đầu tư thực hiện trọn gói các công việc và chịu trách nhiệm, nhà nước chỉ giám sát. Trong khi với dự án đầu tư công, chủ đầu tư phải thực hiện toàn bộ thủ tục, giám sát, nghiệm thu, chất lượng, tiến độ và hiệu quả dự án.
“Với các dự án giao thông trọng điểm, có tính chất phức tạp như dự án làm đường cao tốc đòi hỏi chủ đầu tư phải có chuyên môn về pháp luật, kỹ thuật, kinh nghiệm”, ông Chủng nói đồng thời cho biết, sau khi phân cấp vai trò chủ đầu tư về địa phương, các bộ, ngành vẫn phải đồng hành, hỗ trợ thêm. Bên cạnh đó, chuyên gia này đề xuất các địa phương nếu không đảm bảo năng lực để tự quản lý có thể thuê các đơn vị, công ty chuyên nghiệp về tư vấn quản lý dự án. Việc thuê đơn vị chuyên về quản lý dự án thay cho các ban quản lý dự án nhà nước là cách làm chuyên nghiệp, hiệu quả, tiết kiệm được nhiều nước phát triển trên thế giới áp dụng.
Quyết định 17/2022 của Thủ tướng phân cấp vai trò chủ đầu tư 8 dự án đường cao tốc đầu tư công về UBND 14 tỉnh thành. Trong đó tiêu biểu như: Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (tổng mức đầu tư hơn 21,9 nghìn tỷ đồng), chia làm 3 dự án thành phần, phân cấp cho UBND tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hòa làm chủ đầu tư 2 đoạn, Bộ GTVT làm chủ đầu tư đoạn nối 2 tỉnh.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (tổng mức đầu tư hơn 44,6 nghìn tỷ đồng), chia làm 4 dự án thành phần, phân cấp vai trò chủ đầu tư cho UBND các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng.