Lãi suất cho vay USD khó giảm

Lãi suất cho vay ngoại tệ vẫn ở mức cao.
Lãi suất cho vay ngoại tệ vẫn ở mức cao.
Lãi tiền gửi bằng USD của cá nhân và doanh nghiệp hiện đều về 0%, song với mục tiêu chuyển quan hệ vay mượn sang mua bán ngoại tệ của nhà điều hành, lãi suất đầu ra vẫn khó giảm thời gian tới.

Theo khảo sát tại nhiều doanh nghiệp, lãi suất vay ngoại tệ những ngày qua không giảm tương ứng như huy động. Mặt bằng cho vay bằng USD vẫn dao động quanh 3,5-5,5% với kỳ hạn ngắn, và 4,5-6,5% cho vay trung và dài hạn.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM cho biết, hiện nay các doanh nghiệp trong hội chủ yếu vay ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu vốn lưu động với điều kiện có nguồn để trả nợ. Còn lại đa phần đã chuyển sang hoạt động mua bán nhằm hạn chế rủi ro biến động tỷ giá. "Nhóm đối tượng được vay cũng khá hạn chế, và lãi suất vẫn không mấy thay đổi so với trước khi huy động USD cá nhân về 0%", ông nói.

Lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên về xuất nhập khẩu hạt nhựa cho rằng, lãi suất vay ngoại tệ hiện nay tương đối cao và quá sức doanh nghiệp. Theo ông, mức cho vay bằng USD nên đưa về 2,5-3% mỗi năm, để giúp các công ty giảm chi phí tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh. Mức trên cũng đảm bảo cho ngân hàng có lãi sau khi trừ chi phí huy động vốn và dự trữ bắt buộc.

"Vay ngoại tệ là chấp nhận rủi ro tỷ giá, lãi suất vay phải hấp dẫn, đủ bù đắp rủi ro, thì bên vay mới chấp nhận", Tổng giám đốc một công ty may mặc tại quận Tân Bình chia sẻ.

Tuy nhiên, một chuyên gia kinh tế cho rằng, dù lãi suất tiền gửi USD về 0%, nhưng lãi suất cho vay USD sẽ khó có khả năng giảm vì Việt Nam vẫn phải bám sát lãi suất USD tại thị trường quốc tế. "Với tình hình thị trường tiền tệ thế giới đang diễn biến phức tạp và định hướng hạn chế cho vay ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước thì lãi suất cho vay khó giảm và tín dụng USD sẽ không tăng mạnh trong thời gian tới", ông đánh giá.

Điều này cũng được Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh chia sẻ. Theo đó, cơ quan này muốn duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ngoại tệ ổn định để tăng vị thế tiền đồng. Mặt bằng lãi suất cho vay USD trên địa bàn thành phố phổ biến ở mức 3-6,5% một năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn 3-4,5%, trung, dài hạn là 5-6,5%.

Theo ông Minh, động thái hạ lãi suất huy động USD với cá nhân xuống 0% vừa qua của Ngân hàng Nhà nước, cộng với cam kết ổn định tỷ giá trong thời gian tới là nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ (cũng là nhằm giảm bớt tỷ lệ tăng tiền gửi huy động USD) và là tiền đề để các ngân hàng thu hút nguồn vốn tiền gửi VND trong thời gian tới, phục vụ sản xuất kinh doanh.

Mặt khác, vị này cũng kỳ vọng dưới tác động của lãi suất tiền gửi USD về 0% mỗi năm thì lãi suất cho vay trung, dài hạn bằng tiền đồng sẽ giảm nhẹ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nhu cầu vốn tiền đồng được vay với lãi suất thấp hơn, giúp giảm chi phí tài chính và giảm giá thành sản phẩm trên thị trường.

Còn với ngoại tệ, hiện Ngân hàng Nhà nước đã thu hẹp đối tượng được vay, hạn chế các nhu cầu vay vốn để nhập khẩu hàng hóa và đến hết tháng 3/2016 sẽ chuyển quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán. Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết thêm, 11 tháng đầu năm 2015, tín dụng ngoại tệ giảm 15,05%, trong khi huy động vẫn tăng trên 20%.

Trong bối cảnh tín dụng ngoại tệ đang giảm mạnh, cho dù khách hàng rút USD để chuyển sang tiền gửi tiền đồng hay đầu tư vào các kênh khác thì thanh khoản đôla Mỹ trong những tháng tới vẫn được đảm bảo.

"Như vậy, việc giảm lãi suất tiền gửi USD về 0% làm giảm động cơ găm giữ đồng tiền này, giúp bình ổn mặt bằng lãi suất tiền đồng, hỗ trợ quá trình hồi phục của nền kinh tế", Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG