Những nghi ngờ về dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc

Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã giảm từ mức 3,99 nghìn tỷ USD cuối tháng 6/2014 xuống còn 3,65 nghìn tỷ USD cuối tháng 7/2015.
Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã giảm từ mức 3,99 nghìn tỷ USD cuối tháng 6/2014 xuống còn 3,65 nghìn tỷ USD cuối tháng 7/2015.
Thông tin về việc Trung Quốc đang bán ồ ạt trái phiếu kho bạc Mỹ đã khiến các nhà đầu tư trên thế giới hoài nghi về tình hình tài chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc- Ngân hàng Trung ương của nước này - ngày 25/8 đã hạ lãi suất và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại. Ngay sau động thái này, trang web của tờ "Nhân dân Nhật báo"- cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - đã giải thích về việc Bắc Kinh nới lỏng chính sách tiền tệ. 

Theo báo này, do việc giảm vốn dành cho hoạt động mua ngoại tệ và tình trạng thoái vốn ra nước ngoài sau khi đồng nhân dân tệ (NDT) mất giá trong thời gian qua, quyết định hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ giúp cải thiện khả năng thanh toán tiền mặt và nới lỏng sức ép đối với lãi suất. Báo này thừa nhận tình trạng đồng NDT mất giá ngày 11/8 đã làm tăng hoạt động thoái vốn ra khỏi Trung Quốc khiến cho thị trường tài chính trong nước gặp khó khăn hơn khi huy động vốn. 


Theo ước tính của Societe Generale ngày 27/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã bán ít nhất 106 tỷ USD tài sản dự trữ trong vòng hai tuần, bao gồm cả trái phiếu Chính phủ Mỹ. Một điều đáng ngạc nhiên là tổng mức sở hữu trái phiếu của Trung Quốc không giảm nhiều, nước này vẫn là quốc gia sở hữu trái phiếu Chính phủ Mỹ nhiều nhất, xếp trên Nhật Bản. Lời giải đáp cho bí mật này là sự giảm sút lượng tài sản của Trung Quốc tại Bỉ và Thuỵ Sĩ. Trung Quốc đã bán gần hết các trái phiếu ủy thác tại Euroclear, một tổ chức thanh toán quốc tế đặt tại Bỉ cũng như nhiều tổ chức tài chính khác.

Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã giảm từ mức 3,99 nghìn tỷ USD cuối tháng 6/2014 xuống còn 3,65 nghìn tỷ USD cuối tháng 7/2015. Sự giảm sút là này là điều mà Chính phủ Trung Quốc không mong đợi vì Bắc Kinh xem dự trữ ngoại tệ là một biểu tượng cho uy tín của quốc gia. Bắc Kinh đang hy vọng sẽ gỡ thể diện bằng cách duy trì tài sản trái phiếu.

Trung Quốc hiện vẫn đang là quốc gia có dự trữ ngoại tệ lớn nhất, vậy tại sao tình trạng thoái vốn ra nước ngoài lại được bàn thảo trên truyền thông nước này? Câu trả lời nằm trong hoạt động sắp xếp tài sản dự trữ nói trên. Theo số liệu của Bộ Tài chính Mỹ, tài sản trái phiếu của Trung Quốc là 1,82 nghìn tỷ USD, tức là khoảng 45% tổng dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc (kể cả khi đạt mức kỷ lục vào cuối tháng 6/2014). Nếu tính cả trái phiếu gửi tại Euroclear và các tổ chức tài chính khác thì tổng tài sản trái phiếu cũng chỉ chiếm một nửa tổng dự trữ ngoại tệ. 

Trung Quốc dành một khoản trong số tiền trên đầu tư vào một số loại trái phiếu euro Nhật Bản và một số cổ phiếu của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Tuy nhiên, giới đầu tư chứng khoán đang tỏ ra nghi ngờ vì không biết Trung Quốc sẽ làm thế nào để quản lý khoản dự trữ ngoại tệ ít nhất là 1 nghìn tỷ USD. 

Một điều khó hiểu là mặc dù dự trữ ngoại tệ đạt 3,65 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 7/2015, song các tài sản ngoại tệ Ngân hàng Trung ương nắm giữ lại ở mức 27,4 nghìn tỷ NDT, tương đương 4,31 nghìn tỷ USD. Như vậy, có vẻ như số tiền mà Ngân hàng Trung ương nắm giữ lại cao hơn cả mức dự trữ ngoại tệ của nước này, dù sự chênh lệch này là do sự biến động giá trị của đồng NDT. 

Các nhà đầu tư ngày càng lo ngại rằng dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc có thể đã được chuyển cho các quỹ đầu tư nhà nước hoặc các cơ quan tài chính khác vì những mục đích bí mật. Dự trữ ngoại tệ cũng đã được dùng để đầu tư cho Quỹ Con đường Tơ lụa hoặc Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á, hai thể chế tài chính do Trung Quốc lãnh đạo. Trung Quốc khá nôn nóng đầu tư phát triển tài nguyên tại châu Á và Mỹ Latinh trong nhiều năm qua, và đây cũng có thể là nguyên nhân làm giảm nguồn tiền mặt của nước này. Tình trạng sụt giá tiêu dùng trên toàn cầu đang đe dọa đến khả năng sinh lợi của các dự án tại châu Phi và Mỹ Latinh nói trên. Một khoản đầu tư lớn chắc chắn đã bị lãng phí. Điều này đặt ra câu hỏi liệu con số dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc và tài sản được định giá bằng ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương có phải là chuyện dối trá.

Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu bắt đầu từ những cố gắng của Hy Lạp nhằm che giấu thâm hụt tài chính của mình. Hiện nay, những nghi ngờ về dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính. Các nhà phân tích thị trường tài chính sẽ theo dõi chặt chẽ để xem liệu Trung Quốc có tiếp tục bán tháo trái phiếu Mỹ hay không.

Theo Theo Báo Tin Tức
MỚI - NÓNG