Nếu nhìn vào quy mô, mức độ bề thế, sự xa hoa của các tòa ngang dãy dọc thì không thể không nghĩ tới khái niệm “cung vua, phủ chúa”.
Thực tế nhiều nước đã cho thấy, ở đâu có những biệt phủ, ở đó lấp ló những quan chức tham nhũng. Cốc Tuấn Sơn, cựu phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần của quân đội Trung Quốc trước khi bị bắt vì tội tham nhũng đã chẳng ngại ngần xây cho gia đình mình một biệt phủ giống hệt Tử Cấm thành thu nhỏ, nguy nga giữa những ngôi nhà và những con phố nhỏ ở thành phố Bộc Dương, tỉnh Hà Nam. Trần Lương Vũ, bí thư Thượng Hải, trước khi bị bắt và kết án, cũng đã có thời gian dài hưởng lạc trong tòa biệt phủ được xây trên diện tích 26ha vốn là đất nông nghiệp. Người dân Trung Quốc gọi biệt phủ của bí thư Trần là “Di Hòa Viên của thế kỷ 21”. Báo chí Trung Quốc nói bí thư làng Bành Độ, huyện Mã Kiều, ngoại ô Thượng Hải, nơi xây biệt phủ của họ Trần, thậm chí còn tự mình đi làm giấy tờ để hợp thức hóa đất cho cấp trên để đổi lấy quan hệ về sau.
Những chuyện như thế không khác những gì đang diễn ra ở xứ ta là mấy. Các biệt phủ “được” lên mặt báo thời gian gần đây đều có liên quan trực tiếp đến các quan chức, từ cấp thấp tới cấp cao, từ quan chức đầu tỉnh tới quan chức thanh tra, công an…
Và vì mức độ xa hoa và đồ sộ của các biệt phủ không thể qua nổi tai mắt của người dân, có thể nói các quan chức sở hữu biệt phủ không hề e ngại dư luận khi cho xây chúng. Những công trình tiền nhiều tấn đó cho thấy đối với một số quan chức, sự tức giận của người dân không có mấy tác động đến não trạng của họ. Bởi đối với họ, bảo bối “quan hệ” và “tiền tệ”có sức mạnh vạn năng, có thể hóa giải mọi vấn đề, kể cả luật pháp...
Nhưng như người xưa đã nói, “nhân tham tài chi tử, điểu tham thực chi vong”. Con chim con thú tham mồi dễ dính bẫy cò ke, người tham lam vô độ sẽ có ngày trả giá. Kết cục cuộc đời của Cốc Tuấn Sơn, Trần Lương Vũ là những bản án tù dài dằng dặc và căn buồng giam lạnh lẽo. Đích đến cuối cùng của quan tham luôn là những “biệt phủ” như thế.