Lã Văn Cường - ôm đàn làm... giám đốc Lăng Ông

Lã Văn Cường - ôm đàn làm... giám đốc Lăng Ông
TP - Ở Sài Gòn, giới văn nghệ không ai lạ gì một Lã Văn Cường tài hoa. Tác giả của những “Vườn yêu”, “Ôi có đôi khi”, “Tìm bóng”... Nhưng ít người biết Cường tự học nhạc chỉ với một cây đàn guitar, tự mày mò sáng tác ca khúc và những câu chuyện kỳ khôi của gã nhạc sĩ này.
Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng
Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng.

Lăng Ông - một thời hội tụ văn nghệ

Cường cầm tinh con Ngựa sinh năm 1954, xuất thân trong một gia đình giàu có ở Tam Kỳ, Quảng Nam. Tôi biết Cường khi hắn còn Giám đốc Di tích lăng ông bà Chiểu [quận Bình Thạnh, Tp HCM] thông qua Bùi Chí Vinh và Đoàn Vị Thượng vì hai ông này đều là “lính” của Cường, nói là lính tráng cho vui chứ thực ra họ là bạn bè nhau - đang thời buổi khốn khó áo cơm nên Cường lôi anh em về làm cho vui, mấy ông này chuyên tổ chức những chương trình triển lãm văn nghệ - văn gừng - thường khi xong việc người ta thấy hai ông xọc tay túi quần đi vòng vòng quanh Lăng đọc thơ với bạn bè và nhậu nhẹt tưng bừng.

Ngoài ra người ta còn thấy cố nhà văn Sơn Nam cũng đầu quân cho Lã Văn Cường trong vai trò “thủ từ” chăm nom việc cúng bái cho điện thờ chính của Lăng Ông – hằng năm vào những dịp kỉ niệm tưởng nhớ cúng bái Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt người ta thường thấy Sơn Nam đàng hoàng áo dài khăn đóng chỉnh tề thành kính dâng hương cho Đức Thánh. Những lúc này, tôi thường thấy Cường chạy tới chạy lui đúng như là một ông Giám đốc vì dưới trướng của hắn lúc đó - tôi nghĩ, có rất nhiều quân được tuyển từ… đông đảo anh em bạn bè đang thất nghiệp.

Để có việc cho anh em làm Cường đã nghĩ ra đủ thứ mà mới nghe không ai có thể tin được. Hoặc cũng có thể Cường không phải là người nghiêm trang nên dễ bề bị lỡm. Ví như thời ấy ngay trong Lăng lại có một trường đá gà mà hình như có đá ăn tiền? Rồi hắn còn cho xây một Nhà hát... Bội, nhưng cái nhà hát bội này chỉ hát được vài suất vì không có khách. Bí quá, Cường bèn lệnh đàn em mua máy về cho chiếu phim dịch vụ.

Có lần tôi được Bùi Chí Vinh chiêu đãi cho xem phim hành động Mỹ mà trong rạp chỉ hai khách xem là tôi và Vinh. Nên nhớ lúc ấy khoảng năm 90 – 92, việc chiếu phim kiểu này cực kỳ khó khăn. Muốn xem phim này phải có thẻ xem “nội bộ” nhưng hình như Cường đã nhờ vả thuê phim ở đâu đó chẳng biết có phép tắc gì không? Có lúc tôi thắc mắc, hắn chỉ cười cười khoe hai cái má lúm đồng tiền. Hồi đó khách thập phương tới cúng bái ở Lăng Ông nhiều vô kể nên kèm theo đó là lực lượng thầy bói bán nhang cũng theo đó mà phát triển kiếm ăn.

Không hiểu có sự kết hợp nào hợp lý giữa mấy ông thầy bói láo lếu này với một ông nhạc sĩ? Nhưng dường như cũng có mối liên hệ giữa mấy lời phán truyền như pháo “Tình duyên lận đận, Gia đạo cát tường”… với vài cái “thùng công đức cúng dường” của Lăng – nguồn thu để nuôi quân của Lã Văn Cường. Thời ấy khó khăn đủ kiểu đủ vành, chúng tôi đều đói kém và chỉ biết nhờ có ông bạn nhạc sỹ đang được làm Giám đốc một nơi thờ cúng đã tạo ra công ăn việc làm cho anh em trong một khoảng thời gian dài vui vẻ không kém phần thơ mộng...

Cho đến một ngày trời đất nổi giận, mưa gió đùng đùng - bỗng dưng cây cổ thụ trăm tuổi trụ trên đầu lăng mộ của Đức Tả Quân bị sét đánh trốc gốc nằm vật trước sân lăng. Có phải “điềm báo” đen tối xui xẻo? Chỉ biết, sau đó Lã Văn Cường thôi giữ chức Giám đốc, anh em nghỉ việc li tán khắp nơi. Cường lại trở về với cuộc sống áo cơm bình thường để “ôm đàn tới giữa đời và hát”.

Tôi cũng không hiểu sao, mấy năm làm Giám đốc tôi luôn thấy Cường rất bảnh, với anh em rất rộng rãi chứng tỏ có tiền, nhưng nay thì thôi Giám đốc một cái là lại trở về nghèo xơ xác.

Lã Văn Cường - ôm đàn làm... giám đốc Lăng Ông ảnh 2
 

Đào hoa, tài hoa mà mệt quá

Nhưng rồi, thủa ấy Lã Văn Cường bắt đầu nổi tiếng trong thị trường ca nhạc với những ca khúc “hot” như “Ôi có đôi khi”, “Vườn yêu”, “Tìm bóng”... được hàng loạt các ca sĩ tên tuổi như Hồng Nhung, Bằng Kiều, Tuấn Ngọc thể hiện. Thời đó đi tới đâu cũng nghe HN hát ra rả “Có khi nào người buồn tới vườn yêu, lối đi về ngày xưa hoa cỏ mọc...”.

Lã Văn Cường từng nằm trong Tổng Đội Lực lượng TNXP TP. HCM, từng là Bí thư chi đoàn, Giám đốc một Nông trường, là một trong những văn nghệ sĩ ưu tú của TP cùng thời với Nguyễn Nhật Ánh, Đỗ Trung Quân, Vũ Hoàng, Nguyễn Văn Hiên, Nguyễn Đức Trung…

Đã từng có mặt trong tuyến đầu khói lửa những ngày nào ở biên giới Tây Nam, và dĩ nhiên không thể không nhắc đến cái chức “Giám đốc liều mạng” như đã viết trong bài. 

Nổi tiếng Cường lại có tiền, cuộc chơi của chúng tôi cũng theo những giai điệu đó mà vi vút. Đi tới đâu Cường cũng ăn chơi mút mùa hương cũ, nghĩa là quán chưa đóng cửa chưa về. Các em hay gọi Lã Văn Cường là anh “Sáu Bảnh” vì có bao nhiêu tiền là hắn tiêu hết.

Giờ thì Lã Văn Cường vẫn còn mê mải với nghề ca hát chỉ khác một điều, bây giờ cơm áo nhiều hơn thơ mộng. Mới rồi phôn hỏi hắn vài chi tiết cho bài viết, tôi chỉ còn nghe tiếng hắn than: “Vợ đang bị bịnh, tao phải ở nhà chăm sóc bả, mệt quá mầy ơi!”. Nghe hắn nói tôi chỉ biết thở dài cho cuộc sống thăm thẳm, với người bạn tôi đúng là “đào hoa, tài hoa mà mệt quá”.

Với tôi, âm nhạc của Lã Văn Cường đọng lại là những bản tình ca đậm mùi hiện sinh, ở đó là những hồi ức buồn về những mối tình phố chợ rong rêu đã qua như trong lời các ca khúc của Cường “tình yêu đi vì thiếu áo cơm” khi mà “ôi có đôi khi thèm như gió đi hoang – sống kiếp lang thang dạo quanh khắp phố phường – Ôi có đôi khi lặng nghe những cơn mưa... muốn sống cô đơn cùng chăn ấm trong phòng - Chỉ thấy mái hiên mình ta đứng co ro… và lặng khóc một mình”.

Cũng đúng thôi vì Lã Văn Cường là một tay rong ca ngoại hạng. Khi ai cũng có mái nhà, ai cũng có một chỗ ngồi hay liên minh gì đó trong xã hội để dễ bề kiếm sống, thì Cường lại vứt bỏ hết. Hắn chỉ có “một ba lô với một cây đàn” chỉ vậy thôi, hắn đã ôm đàn tới giữa đời và hát. Cường cũng là một tay chơi lãng mạn nhất mà tôi biết và những ca khúc của hắn không bao giờ thiếu vắng bóng dáng những người phụ nữ mà hắn đã yêu đã đi qua đời hắn. Người nào cũng có vị trí đắc địa trong chuỗi âm thanh buồn phiền của hắn.

Và có người đi theo hắn để lang thang cơm hàng cháo chợ ở nhà thuê cho đến mãi tận bây giờ. Suốt cuộc đời hắn mà tôi biết được - những hợp đồng hoành tráng chưa bao giờ được kí, những sô diễn lớn không bao giờ được tổ chức. Dường như Cường chỉ làm được những việc nho nhỏ vừa đủ để nhậu đủ để sống qua ngày, đủ để “tái mặt” khi mà vợ con hàng ngày kêu réo.

Và cũng giống như nhiều người bạn khác hiện thời, bây giờ lúc nào cũng thấy hắn “bận rộn”, lúc nào cũng nghe hắn bảo rằng “đang bận họp bàn cho một sô diễn nào đó”, nhưng dường như chẳng lúc nào đủ giàu.

* * *

Vui thì vui thật nhưng cũng có lúc cũng phải dừng lại khi tiệc đã tàn, sô diễn hết, tiền bạc đã cạn khô, “tình yêu cũng đi vì thiếu áo cơm” như câu ca mà Cường đã hát. Tôi lại thấy bạn mình lủi thủi một mình một bóng “tìm ai trong bóng tôi, tôi tìm lại... bóng em”.

Những lúc ấy tôi mới thấy rõ hơn một Lã Văn Cường - nhạc sĩ tài hoa mà tôi đã từng biết đã từng rong chơi trong những tháng ngày phiêu lãng. Thì Cường ơi, tôi biết bạn sẽ không bao giờ nguôi ngoai để có được một mái nhà. Tôi biết bạn sẽ không bao giờ là một ông bầu, một nhà tổ chức biễu diễn thành công dù bạn đã nhiều lần thử sức. Tôi vẫn nghĩ bạn vẫn chơi với những bài rong ca trong những tháng ngày mê mải.

Rong ca giữa đời

Một đêm nọ hai thằng đi lang thang hết quán nầy đến quán khác, đến khuya thì tấp vào một địa chỉ xa lạ lúc ấy chỉ còn hai người con gái xinh đẹp đang chuẩn bị ra về - thấy chúng tôi hai em đành ngồi nán lại tiếp hai ông “khách đâu bỗng ở biên đình sang chơi”.

Bỗng Cường với tay nâng phím đàn và hát, thú thực khi nghe chính hắn hát nhạc của hắn tôi mới hiểu vì sao Cường lại có sức quyến rũ đến như vậy. Hai cô gái ấy có hai cái tên cũng lạ là Vân và Kiều – khi nghe hắn đàn hát hai cô như bị hớp hồn, đúng như ông bà xưa đã cảnh báo: Con gái chớ có mà nghe thơ nhạc vì “Nhạc là bùa mê, Thơ là... thuốc lú”.

Kết quả trận thơ nhạc ấy là hai thằng tôi phải đưa hai nàng về nhà vì đã hai giờ sáng. Hai thằng hai chiếc xe honda cà khổ nổ đùng đùng trong khuya vắng chạy thẳng tới bến phà – Nhà của hai nàng ở phía bên kia sông – cuộc đưa tiễn trên bến đò bàng bạc khói sương kể cũng lãng mạn đáo để. Sau này tôi tức cảnh làm vài câu thơ “khoát áo ta cười vang bến khuya – cớ sao nước mắt vẫn tuôn tràn – mười năm nhóm lửa hơ tình lạnh – từ người như một nhát dao đâm...”.

Nguyễn Tấn Cứ
nguyentancu01@yahoo.com

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG