Từ phát hiện này, các nhà khoa học đã thu hoạch được nhiều thông tin về loài ngựa cổ đại - có tên khoa học là Eurohippus messelensism với 4 ngón trên mỗi bàn chân trước và 3 ngón trên mỗi bàn chân sau. Mặc dù có khác biệt lớn về kích thước cũng như hình dáng, song quá trình sinh sản của ngựa cổ đại rất giống với loài ngựa ngày nay.
“Hầu hết các xương của bào thai ngựa vẫn còn nguyên ở vị trí ban đầu, chỉ có hộp sọ là bị vỡ,” tiến sỹ Jens Lorenz Franzen thuộc Viện nghiên cứu Senckenberg, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
Phân tích tia X về mẫu vật cho thấy, ngựa cổ đại sở hữu cấu trúc dây chằng rộng, kết nối tử cung với xương sống, giúp hỗ trợ cho con non đang phát triển trong bụng mẹ. Kích thước, cùng bộ răng sữa đã phát triển hoàn thiện chỉ ra rằng bào thai đã phát triển đầy đủ để có thể chào đời.
Những hóa thạch được bảo quản ở trạng thái rất tốt, nhờ lớp đá phiến dầu ở Grube Messel, nơi được biết đến với những mẫu hóa thạch hết sức phức tạp.
Lớp đá phiến dầu được hình thành dưới đáy hồ Messel, bảo vệ những gì còn sót lại của động vật có vú, chim và các loài động vật khác đã từng sinh sống gần khu vực Darmstadt, Đức ngày nay từ 47 triệu năm về trước.