Lá chắn

Lá chắn
TP - Đầu tháng 2, khi biết tin người anh là lãnh đạo của hệ thống tiêm chủng VNVC, bắt tay với hãng dược AstraZeneca phân phối 30 triệu liều vắc-xin phòng COVD-19 về nước, tôi nhắn tin chúc mừng. “Sẽ ưu tiên tiêm cho em”, anh ấy nhắn khiến tôi mừng rơn. Tuy vậy, nghĩ lại, thấy hàng triệu nhân viên y tế đang có nguy cơ phơi nhiễm và người lớn tuổi với cơ số bệnh nền là những người cần ưu tiên hơn.

Thực tế, để có được con số 30 triệu liều vắc-xin về nước không phải là điều dễ dàng trong giai đoạn “dầu sôi lửa bỏng” như hiện nay, khi mà các nước trên thế giới tranh giành để có được nguồn vắc-xin khan hiếm này. Thế nhưng, thông tin ấy cũng là tín hiệu rất tích cực. Đáng mừng hơn, cuối tháng 2 này, sẽ có hơn 200 nghìn liều vắc-xin AstraZeneca có mặt tại Việt Nam. Ngoài ra, cũng sẽ có hơn 4,8 triệu liều vắc-xin của COVAX facility theo cơ chế được thiết lập nhằm đảm bảo các quốc gia được tiếp cận công bằng với vắc-xin phòng COVID-19. Như vậy, đầu tháng 3/2021 này, chúng ta sẽ có khoảng 5 triệu liều vắc-xin để tiêm mũi thứ nhất cho khoảng 5 triệu người.

Dù Bộ Y tế khẳng định đã đàm phán với COVAX và đơn vị này cam kết cung cấp 30 triệu liều vắc-xin bên cạnh 30 triệu liều khác từ Công ty AstraZeneca do VNVC phân phối trong năm 2021 nhưng chừng đó vẫn chưa đủ cho nhu cầu 150 triệu liều cho Việt Nam. Thực tế, so với các nước, việc nỗ lực của Chính phủ và Bộ Y tế để có con số ấy cũng là thành công ngoài mong đợi. Trong 190 nước tham gia vào cơ chế COVAX, Việt Nam là một trong các quốc gia nằm trong danh sách được tài trợ vắc-xin giai đoạn đầu tiên và là một trong những nước Đông Nam Á tiếp cận tốt nhất nguồn vắc-xin này”, lãnh đạo Bộ Y tế thông tin như để củng cố thêm cuộc chạy đua và nỗ lực đàm phán không ngừng nghỉ, để người dân có được “lá chắn” trước đại dịch này.

Thông tin tích cực trên được nhiều người ví như tia nắng giữa mùa đông giá buốt. Tuy nhiên, vấn đề được bàn luận, thậm chí tranh cãi lúc này chính là ai được ưu tiên tiêm trước? Đó là một quyết định khó khăn, dù Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch sử dụng vắc-xin và cơ chế phân phối những liều ban đầu.

Câu chuyện này không chỉ ở Việt Nam, ngay cả nhiều nước phát triển trên thế giới, nếu đưa ra một câu hỏi khảo sát thì không phải câu trả lời, hay quyết định nào cũng làm hài lòng tất cả mọi người.

Theo đại diện đơn vị nhập khẩu vắc-xin, nhóm nguy cơ cao như y bác sĩ, cán bộ chiến sĩ ở tuyến đầu chống COVID… sẽ là những người được xếp ưu tiên đầu tiên. Vì lẽ đó mà những ngày qua, VNVC đã ra thông báo ngừng tiếp nhận đăng ký từ khách hàng tại hệ thống tiêm chủng này. Bởi dù làm dịch vụ, đơn vị này cũng hiểu rõ rằng, trong hơn 200 nghìn liều vắc-xin về lần này, những người ở tuyến đầu, người bệnh nền… chắc chắn họ được ưu tiên trước!

Mới đây, câu chuyện về Cục Hàng không Việt Nam đề nghị ưu tiên cho các nhóm nhân viên của họ được tiêm đợt 1 này song vận tải hàng không hay các phương tiện khác về cơ bản không mấy khác nhau, vì thế đây không phải là nhóm đối tượng cần được ưu tiên một khi vắc-xin còn quá khan hiếm.

Vắc-xin được xem là “lá chắn” chống lại COVID thời điểm này. Nhưng khi vắc-xin còn chưa hiện diện, “lá chắn” hữu hiệu vẫn là nỗ lực không ngừng của Chính phủ và ngành Y tế và mọi người dân trong phòng chống COVID-19. Mỗi cá nhân, tổ chức vẫn cần nâng cao ý thức trong phòng chống dịch từ những điều đơn giản nhất.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.