Ký ức người thầy về cuộc thử nghiệm giáo dục 40 năm trước

Thầy Nguyễn Linh đã làm rất nhiều cách để trong vòng một năm các học sinh phải thông thạo tiếng Nga, vào được các trường đại học ở Liên Xô, Đông Âu. Ảnh: Phan Dương.
Thầy Nguyễn Linh đã làm rất nhiều cách để trong vòng một năm các học sinh phải thông thạo tiếng Nga, vào được các trường đại học ở Liên Xô, Đông Âu. Ảnh: Phan Dương.
Trong trí nhớ của những người thầy, học viên các khóa đào tạo nhân tài đều nổi trội. Có bài toán hóc búa thầy nghĩ vài ngày, không ngờ vừa đưa ra học sinh đã giải được. Họ chỉ phải học một năm tiếng Nga trong nước và vào thẳng các đại học ở Liên Xô, Đông Âu, không cần học thêm một năm dự bị.

Những học sinh của 10 khóa đào tạo nhân tài từ 1972 đến 1981 (ký hiệu là C1x6) đều ít nhiều nhớ về thầy Nguyễn Linh, giáo viên dạy tiếng Nga trong một năm học dự bị trước khi du học. Ở tuổi ngoài 80, thầy Linh vẫn minh mẫn, có thể nhớ từng mốc thời gian, từng học sinh yêu quý.

Năm 1972, thầy Linh là giáo viên chủ chốt của Khoa ngoại ngữ, ĐH Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự). Một hôm, ông được Hiệu trưởng Đặng Quốc Bảo gọi vào phòng, nói về một kế hoạch lớn: "Hiệp định Paris chắc chắn sẽ ký. Tổng cục Chính trị chưa có ý kiến, nhưng chúng ta cứ nghiên cứu tổ chức một lớp tập hợp học sinh ưu tú, để khi ký xong ta sẽ gửi đi nước ngoài đào tạo về xây dựng đất nước. Lớp này giao cho cậu Linh dạy".

"Mục đích là đào tạo học sinh để vào học thẳng các trường đại học ở Liên Xô và Đông Âu", thầy Linh nhấn mạnh. Thời đó thông thường học sinh du học sẽ dự bị một năm trong nước. Khi sang các nước sẽ học dự bị tiếp một năm nữa mới được phân vào ngành học và đôi khi sẽ không đúng mục đích ban đầu.

Sau này thầy Linh biết được cuộc thử nghiệm giáo dục do Bộ trưởng Đại học và Trung học chuyên nghiệp lúc bấy giờ là GS Tạ Quang Bửu phối hợp với ông Đặng Quốc Bảo thực hiện. Vậy là trong năm 1972, khóa đầu tiên được hình thành với khoảng 40 học viên. Từ các khóa sau, Bộ Đại học chọn 40 học sinh phổ thông cao điểm nhất toàn miền Bắc. Đại học Kỹ thuật Quân sự được chọn 100 người xuất sắc tiếp theo. Tất cả 140 học sinh vào học theo chế độ quân đội.

Thời điểm đó, Đại học Kỹ thuật Quân sự đang đóng tại Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Nhà trường đã xây một khu nhà riêng ngay cổng trường, cạnh khu nhà của chuyên gia. Những học sinh C1x6 được ăn uống theo chế độ "trung táo" (học sinh thường ăn bếp "đại táo", đông người và ít chất). Một tháng họ còn được tiêu chuẩn đường, sữa, xà bông và 5 đồng bạc.

Để học sinh tiếp thu tiếng Nga nhanh nhất, số giờ học được nâng từ 6 lên 12 giờ mỗi ngày. Thầy Nguyễn Linh được nhà trường hỗ trợ một máy ghi âm và một hệ thống loa. Cứ 21h30 mỗi ngày, sau khi học sinh đánh răng rửa mặt xong, thầy sẽ lên phòng phát thanh của trường bật lại các bài giảng cho học sinh nghe. Ông tự thu âm các loại băng đĩa cho học sinh.

Một cặp vợ chồng người Nga được mời về để dạy học sinh. Trường còn tổ chức các hoạt động văn hóa sử dụng tiếng Nga, cho học sinh đóng ông già tuyết, công chúa tuyết hay mời các thầy giáo ra chơi thể thao với học sinh... Chương trình học tiếng Nga là chính. Các môn Toán, Lý, Hóa chỉ học bổ trợ để học sinh đỡ bỡ ngỡ trong năm đầu ra nước ngoài.

Ký ức người thầy về cuộc thử nghiệm giáo dục 40 năm trước ảnh 1

Thầy Linh thứ ba từ phải sang chụp cùng những "vì sao của đất nước".  Ảnh: NVCC.

Năm 1979 khi chiến tranh biên giới nổ ra, các khóa C1x6 về sau chuyển vào Sài Gòn. Thầy Linh cùng các giáo viên phải khăn gói đi theo. Do chuyển địa điểm mà nhiều giáo viên giảng dạy tiếng Nga xin nghỉ. Thầy Linh đã đi tìm khắp các khu công nghiệp, nông trường, mời được 4 kỹ sư người Nga về nói chuyện với học sinh mỗi tối. Về sau, ông còn mời vợ các cố vấn, chuyên gia người Nga, cho họ vào biên chế giảng dạy học sinh.

"Có cái gì tốt đẹp nhất thời đó chúng tôi đều dành hết cho các em. Và quả thực ngay trong năm 1973, khóa đầu tiên sang nước ngoài thành công vang dội. Các trường đại học, đại sứ quán báo về, gia đình học sinh thông tin lại cho nhà trường với niềm hân hoan vô bờ bến. Học sinh của chúng tôi nói tiếng Nga trôi chảy, được vào học thẳng các trường cử đi ban đầu, thành tích học nổi bật lắm", thầy Linh hồi tưởng.

Mấy chục năm trôi qua, người thầy năm xưa giờ đã thành ông lão và các lớp học trò cũng ngấp nghé tuổi già. Dù thế nhiều đêm khi đặt lưng ngủ, mỗi sáng thức dậy hay những khi tĩnh lặng, thầy Linh vẫn nhớ về thời gian được dạy những "vì sao của đất nước". Ông cho đó là quãng đời tươi đẹp, được dạy những con người ưu tú và được học lại nhiều điều từ họ. Ông mãi nhớ những Lê Nam Thắng, Võ Điện Biên, Nguyễn Hà Phan của khóa đầu tiên, cô học trò Thiều Hoa người Hà Nội xinh đẹp khi hóa thân vào vai công chúa tuyết, những học sinh xuất sắc như Hoàng Lê Minh, Diễm Hằng, Võ Chí Thành...

"Đã 40 năm trôi qua, đôi khi tôi được gặp lại học trò trong sự bất ngờ, sung sướng. Có lần tôi sang Nga, đang đi dạo ở quảng trường Mátxcơva thì có vài cậu học trò chạy đến tay bắt mặt mừng, đòi dẫn tới trường các em chơi nữa. Một lần đi máy bay, được một em cứu nguy trong tình huống tôi không biết xoay sở thế nào. Hôm rồi, cô em gái tôi rủ đi uống nước. Lúc bước lên xe mới biết có hai cậu học trò của mình ngồi sau. Hóa ra chúng làm ăn với em gái tôi, nghe nói đến thầy nên muốn tạo bất ngờ", ông kể.

Thầy Linh cho biết thêm, nhờ dạy các học sinh này mà về sau con đường sự nghiệp của ông thăng tiến hơn. Lúc nghỉ hưu ông là Hiệu phó Học viện Khoa học Quân sự.

Ký ức người thầy về cuộc thử nghiệm giáo dục 40 năm trước ảnh 2 Lần đầu tiên học sinh các khóa C1x6 tổ chức gặp mặt và tri ân những thầy cô đã dạy mình vào chiều 6/12, tại Học viện Kỹ thuật Quân sự. Ảnh: Quý Đoàn.
PGS Đặng Đức Kim luôn cảm thấy may mắn khi được giảng dạy những học sinh C1x6. Họ là những cô cậu học trò thi phổ thông cao điểm nhất, trong đó môn Toán bắt buộc phải từ 8 điểm trở lên.

Theo thầy Kim, học sinh C1x6 nổi trội hơn hẳn các lớp thông thường. Mỗi ngày ông đều phải soạn giáo trình, tìm những bài toán khó để thử thách học trò nhưng chưa lần nào làm khó được họ. Có những bài toán hóc búa ông nghĩ vài ngày mới được, không ngờ vừa đưa ra học sinh đã giải được. Nhiều khi cách giải còn ngắn gọn, hay hơn cả cách của thầy.

Thời đi dạy, ông đặc biệt ấn tượng với hai anh em sinh đôi Bùi Việt Hà và Bùi Đình Thuận. Hai học trò này giống nhau như đúc làm ông không thể phân biệt. Cuộc gặp mặt mới đây các khóa C1x6 được tổ chức tại Học viện Kỹ thuật Quân sự, cả hai anh em Việt Hà và Đình Thuận đều tham gia. Hai cậu học sinh nghịch ngợm năm xưa ra chào hỏi mà ông cũng không thể biết ai là anh, ai là em.

"Được dạy các em là một may mắn trong cuộc đời. Ở đó tôi bắt gặp được những tư tưởng lớn, trí tuệ lớn. Chính các em đã giúp tôi rất nhiều", người thầy dạy Toán vui tính phát biểu.

Theo Phan Dương

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG