Trưng bày Sông Hồng cuộn sóng được thể hiện qua 2 nội dung: Trường kỳ kháng chiến và Ngày về lịch sử.
Tại không gian khai mạc trưng bày, các nhà lão thành cách mạng, các cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, Trại giam tù binh Phú Quốc, các cựu học sinh kháng chiến Hà Nội giai đoạn 1947-1954, nhân chứng tham gia tiếp quản thủ đô và đại diện gia đình các liệt sĩ... được xem về hoạt cảnh tái hiện hoạt động chào cờ của tù chính trị Nhà tù Hoả Lò.
Theo Ban quản lý di tích, hoạt cảnh tái hiện lại chốn ngục tù thiếu thốn, tù chính trị tìm đủ mọi cách để tạo thành những lá cờ Tổ quốc. Cờ được làm từ chiếc chăn chiên Nam Định màu đỏ do nhà tù cấp phát. Dù bị kẻ thù đàn áp, các chiến sĩ vẫn quyết tâm bảo vệ lá cờ thiêng liêng, bởi có lá cờ là nuôi thêm hy vọng, niềm tin, và lòng quyết tâm để đánh bại quân thù. Khoảnh khắc đứng dưới lá cờ Tổ quốc cũng là lúc các chiến sĩ được tiếp thêm niềm tin và sức mạnh trong chốn lao tù.
Hoạt cảnh ngắn diễn ra tại không gian trưng bày đã thêm một lần nữa gợi về ký ức gian khổ trong thời chiến của tù chính trị. Ảnh: Châu Linh. |
Hoạt cảnh tái hiện hoạt động chào cờ của tù chính trị Nhà tù Hoả Lò. Ảnh: Mạnh Quân. |
Không gian trưng bày Sông Hồng cuộn sóng có 3 điểm nhấn chính. Khu vực cổng trưng bày gợi nhớ hình ảnh những con sóng sông Hồng đang trào dâng mạnh mẽ như tinh thần bền bỉ, gan góc chiến đấu, quyết tâm giành lại độc lập, tự do của quân và dân Hà Nội.
Tiếp đến là hình ảnh nữ sinh kháng chiến Trường Nữ Trung học Trưng Vương (Hà Nội) tham gia diễu hành, rước cờ đề cao tinh thần chống ngoại xâm trong buổi lễ kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng tại đền thờ Hai Bà, năm 1953. Và, hình ảnh người tử tù đang cưa song sắt cống ngầm Nhà tù Hỏa Lò để tổ chức vượt ngục vào đêm Noel 24/12/1951.
Các nhà lão thành cách mạng xem hoạt cảnh về tù chính trị tại không gian trưng bày. Ảnh: Châu Linh. |
Nội dung trưng bày Trường kỳ kháng chiến kể về những năm 1947- 954, học sinh kháng chiến chung sức đồng lòng, làm dấy lên phong trào đấu tranh mạnh mẽ, sôi nổi với nhiều hình thức. Ảnh: Châu Linh. |
Tại không gian trưng bày, con gái của nhà báo Lê Văn Ba (từng công tác tại báo Tiền Phong) xúc động, cho biết bố của bà từng hoạt động trong tổ chức Thanh niên Hà Nội thời chống Pháp, bị giam hơn một năm ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội).
"Tôi rất xúc động khi nhìn thấy những kỷ vật của bố được trưng bày tại đây. Ông còn có những cuốn sách viết về nhà tù như Kể chuyện nhà tù Hỏa Lò, Thơ viết trong nhà tù Hỏa Lò...", con gái nhà báo Lê Văn Ba chia sẻ.
Con gái của nhà báo Lê Văn Ba - từng công tác tại báo Tiền Phong xúc động khi nhìn thấy kỷ vật của ông tại không gian trưng bày Sông Hồng cuộn sóng. Ảnh: Châu Linh. |
Nội dung trưng bày Trường kỳ kháng chiến nhắc nhớ những năm 1947-1954, những học sinh kháng chiến chung sức đồng lòng, làm dấy lên phong trào đấu tranh mạnh mẽ, sôi nổi với nhiều hình thức.
Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò chia sẻ tại triển lãm, sau ngày Toàn quốc kháng chiến, thực dân Pháp đã chiếm ngay Nhà tù Hỏa Lò, sử dụng để giam giữ các nhân sĩ yêu nước như Ngự tiền Văn phòng Phạm Khắc Hòe, kỹ sư Công chính Đào Trọng Kim, luật gia Vũ Văn Hiền, giáo sư Hoàng Xuân Hãn, bác sỹ Trần Văn Lai...
Chiếm được Hà Nội, nhưng thực dân Pháp không chiếm được lòng người. Người Hà Nội vẫn bí mật nuôi giấu cán bộ, góp tiền, góp sức ủng hộ kháng chiến, các chiến sĩ cách mạng vẫn kiên cường đấu tranh, tổ chức vượt ngục… khiến cho Hà Nội thời tạm chiếm luôn biến động, kẻ thù luôn nhức nhối và tìm mọi cách đàn áp.
Nhân chứng lịch sử nhớ lại những tấm gương anh dũng, quả cảm thời chiến. Ảnh: Châu Linh. |
Với nội dung trưng bày Ngày về lịch sử, thế hệ trẻ hôm nay được hình dung về thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã đánh dấu mốc son lịch sử, buộc địch phải ký hiệp định Genève và rút quân ra khỏi miền Bắc Việt Nam.
Thời khắc lịch sử sáng 10/10/1954, lệnh giới nghiêm vừa kết thúc, Ủy ban Quân chính Thành phố và các đơn vị quân đội chia làm nhiều cánh lớn, mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. Hai mươi vạn nhân dân Thủ đô náo nức đón mừng đoàn quân thắng trận trở về. Cờ đỏ sao vàng, băng rôn, khẩu hiệu giăng khắp đường phố.Cả Hà Nội hân hoan trong niềm vui giải phóng.