Đó là trường hợp bé T. H.T (3 tuổi, ngụ tại Tây Ninh) được điều trị tại khoa Hồi sức Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM. Tháng 10, bệnh nhi bị sốt cao 2 ngày đến ngày thứ 3 thì co giật toàn thân. Gia đình chuyển bé đến bệnh viện địa phương trong tình trạng suy hô hấp, trụy tim mạch. Sau khi đặt nội khí quản, cháu được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Bệnh nhi may mắn qua được nguy kịch sau 3 tháng điều trị tích cực Ảnh: Vân Sơn |
Ngày 25/12, PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng khoa Hồi sức Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết, thời điểm nhập viện bệnh nhi đã hôn mê, suy hô hấp phải thở máy và sử dụng thuốc chống sốc, thuốc vận mạch, chống phù não kết hợp với kháng sinh.
Các xét nghiệm ban đầu cho thấy chỉ số bạch cầu máu của bệnh nhi tăng cao, tổn thương gan nặng. Tác nhân gây bệnh là Acinetobacter sp và Influenzae type B; trong đó cúm B là tác nhân gây suy hô hấp nặng, tổn thương phổi lan tỏa, còn Acinetobacter sp là vi khuẩn kháng rất nhiều loại kháng sinh.
PGS Nguyên cho biết: “Trong quá trình điều trị, diễn tiến bệnh ngày càng trở nặng, gia đình mất dần hy vọng đã nhiều lần gia đình xin về. Chúng tôi nhiều lần nghe thân nhân nói trong đau đớn “cháu nặng quá, xin bác sĩ cho cháu về” nhưng còn nước còn tát, ê kíp đã không buông tay mà nỗ lực cứu bệnh nhi”.
Bệnh nhi trải qua 40 ngày thở máy và 10 ngày lọc máu để đẩy lùi tình trạng tổn thương đa cơ quan, trong đó tổn thương phổi nặng. Để xử trí tình trạng nhiễm vi khuẩn đa kháng, các bác sĩ phải điều chỉnh từng chút một phương án sử dụng thuốc để chắt chiu cơ hội sống và áp dụng các biện pháp hỗ trợ thông khí, hạn chế dịch, lợi tiểu… giành lấy sự sống cho bé.
Sau nhiều tháng điều trị liên tục, may mắn đã mỉm cười khi tình trạng tổn thương phổi của bệnh nhi từng bước được cải thiện. Giải pháp dinh dưỡng nâng tổng trạng được thực hiện nghiêm ngặt đã giúp cơ thể nhỏ bé chiến thắng được vi khuẩn đa kháng thuốc, đẩy lùi cúm B.
Sau 90 ngày được điều trị tích cực, hệ thống hô hấp, chức năng gan, thận và tri giác của bệnh nhi bình phục khả quan. Bé đã cai được máy thở, dần trở lại với cuộc sống, sinh hoạt bình thường.
Tuy nhiên, theo PGS.BS Nguyên, tình trạng bệnh quá nặng và phải thở máy trong thời gian dài đã ảnh hưởng đến chức năng ngôn ngữ của bệnh nhi. Trước khi xuất viện, bé sẽ được học phục hồi dần ngôn ngữ, tập vận động kết hợp với khám tâm lý.
Cúm B do virus gây ra, rất dễ lây lan và có thể ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe của bệnh nhân trong những trường hợp diễn tiến nghiêm trọng. Cúm B chỉ lây truyền từ người sang người, có khả năng gây ra dịch bệnh theo mùa và được truyền trong suốt cả năm. Để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng cần tiêm vắc xin phòng cúm B và các loại cúm nói chung mỗi năm một lần.