Những người trẻ truyền cảm hứng

Kỳ tích của ‘người không phổi’

Vận động viên Nguyễn Thị Oanh (giữa) luyện tập cùng đồng đội hướng đến mục tiêu tranh tài tại Olympic Tokyo 2020 Ảnh: Như Ý
Vận động viên Nguyễn Thị Oanh (giữa) luyện tập cùng đồng đội hướng đến mục tiêu tranh tài tại Olympic Tokyo 2020 Ảnh: Như Ý
TP - “Bé hạt tiêu”, “người không phổi”... là những biệt danh người hâm mộ dành cho Nguyễn Thị Oanh khi đoạt ba huy chương vàng Seagames 30, phá kỷ lục Seagames. Với nhiều người hâm mộ, cô còn là một “tượng đài” về tinh thần thép và tình yêu điền kinh mãnh liệt.

8 tháng mất ngủ

Ba nội dung Nguyễn Thị Oanh tranh tài tại Seagames 30 thuộc loại vắt sức, cộng với cách sắp xếp thi đấu khắc nghiệt của Ban tổ chức càng tăng phần khốc liệt, thách thức giới hạn cơ thể. Người lạc quan nhất cũng khó tin sáng chạy 5.000m, chiều lại 3.000 vượt chướng ngại vật đều thắng giòn giã. Nhất là khi Oanh phải trải qua hơn hai giờ đồng hồ kiểm tra chất kích thích (doping) khiến thời gian nghỉ ngơi hồi phục thêm eo hẹp.

Oanh bước vào nội dung thi buổi chiều với cơ bắp căng cứng và những lo lắng về thể lực. Nhưng tất cả đều gác lại sau vạch xuất phát. Niềm tin và khát khao chiến thắng đã thành lực đẩy để cô sải đều bước chạy, bật nhảy qua rào và hố nước an toàn chính xác, dần bỏ xa đối thủ. Hình ảnh cô cán đích đầu tiên, nằm vật trên đường chạy, khó nhọc thở đã lấy nước mắt người hâm mộ.

“Trên đường đua huấn luyện viên hay gia đình không thể kéo mình về đích nhanh hơn, ngoài bản thân phải nỗ lực vượt qua sự mệt mỏi và mọi khó khăn. Tôi đã tự nhủ đây là nội dung cuối cùng không được nản, mình mệt mỏi bao nhiêu thì đối thủ cũng mệt mỏi bấy nhiêu. Cố gắng vượt qua chính mình là vượt qua được đối thủ”, Oanh chia sẻ.

Ít ai biết suốt thời gian dài từ tháng 4/2019, Oanh phải chiến đấu với chứng mất ngủ triền miên và tâm lý lo lắng về sức khỏe, áp lực thành tích. Đỉnh điểm ba ngày mất ngủ trắng buộc cô gồng mình mới có thể hoàn thành giáo án chuyên môn. Đến Philippines đua tài Seagames 30, tình trạng mất ngủ vẫn tiếp diễn, thậm chí xấu hơn.

“Tôi nghĩ thường trải qua giai đoạn càng áp lực lớn thì càng mất ngủ. Có những lúc tinh thần giảm sút, tôi đã tự động viên rằng cả thời gian dài gồng mình nỗ lực tập luyện, tại sao đến giải đấu không cố gắng thêm một lần nữa? Tại sao không hết mình để kết thúc giải không phải lăn tăn điều gì?...”, Oanh nói.

Vượt qua bạo bệnh

Nguyễn Thị Oanh từng chống chọi với bệnh viêm cầu thận và bắt đầu lại từ số 0 với điền kinh. Cuối năm 2014, sau Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ VII, cô nhận thấy cơ thể mệt mỏi, tăng cân đột ngột. Nhập viện điều trị, cô ngã quỵ với kết quả xét nghiệm và khuyến cáo “không được vận động, đi bộ cũng phải rất hạn chế” của bác sĩ.

Từ một vận động viên tập luyện cường độ cao, bắt đầu gặt hái thành quả, Oanh phải “nằm bất động” nghỉ tập hoàn toàn và đối diện với nguy cơ giã từ đường chạy. Bị teo cơ, loãng xương và sưng phù khắp người khiến ngoại hình xấu xí, cô “tự cách ly với thế giới” và trầm cảm. May mắn cho Oanh là bên mình còn có gia đình, bạn bè và thầy cô, những người đã khích lệ cô trở lại với tình yêu điền kinh. Đây chính là điều đã giúp Oanh mạnh mẽ chiến đấu với bệnh tật.

Sau nửa năm điều trị và được các bác sĩ cho phép, Oanh trở lại tập luyện “nhưng không ngờ những buổi đầu tiên lại kinh khủng đến thế”. Chỉ chạy mấy trăm mét, cô đã thở dốc, mồ hôi như tắm, phải ngừng tập. Không bỏ cuộc, cô xin giáo án của huấn luyện viên rồi kiên trì thực hiện, điều chỉnh nâng dần cự ly từ 400m lên 800m, rồi 1.000m, 6.000m.

Tháng 7/2015, Oanh trở lại đường đua và giành được Huy chương Vàng nội dung tiếp sức 4x800m tại giải điền kinh quốc tế TPHCM mở rộng. Đối với Oanh, tấm huy chương vàng này hơn cả liều doping, đã tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để tiếp tục theo đuổi môn điền kinh.

Kỳ tích của ‘người không phổi’ ảnh 1

VĐV Nguyễn Thị Oanh giành 3 HCV, 
phá một kỷ lục tại SEA Games 30 và là VĐV tiêu biểu nhất của thể thao Việt Nam năm 2019Ảnh: Như Ý

Cô gái của điền kinh

Nguyễn Thị Oanh xuất thân trong gia đình thuần nông có 8 anh chị em tại thôn Nhuần (xã Mỹ Hà, Lạng Giang, Bắc Giang). Hồi nhỏ Oanh gầy gò, đen nhẻm nhưng đã rất yêu thích những tiết học thể dục, thường chạy bộ theo chị gái 1-2km đường làng. Những năm học THCS, cô được các giáo viên phát hiện khả năng và khuyến khích tham gia các giải việt dã của huyện, tỉnh.

Oanh tâm sự: “Hồi nhỏ tôi đã cảm nhận được sự vất vả của bố mẹ, nhưng không nghĩ việc theo đuổi thể thao để giúp gia đình khá giả hơn, đơn giản là thấy thích. Bố mẹ lúc đầu chưa hẳn đồng ý, muốn con gái theo học văn hóa, sau có công việc phù hợp với bản thân cho nhẹ nhàng”.

Năm 2012, Oanh được triệu tập lên đội tuyển trẻ quốc gia và được HLV Trần Văn Sỹ dẫn dắt. Những bài tập cường độ cao khắc nghiệt khiến cô nhiều lần chỉ muốn bỏ cuộc. Cộng với thể hình thấp bé nhẹ cân càng khiến Oanh do dự. “Về sau tôi không nhìn vào hạn chế thể hình nữa mà tập trung luyện tập phát triển những điểm mạnh vốn có, nâng cao kỹ thuật. Không phải vì mình nhỏ bé mà không có các thế mạnh như các vận động viên cao to khác”, Oanh nói.

Giờ Oanh đã rất tự tin khẳng định mình sinh ra là dành cho điền kinh. Olympic Tokyo 2020 và những đỉnh cao mới sẽ làm mục tiêu để cô tiếp tục nỗ lực luyện tập. Khát khao đóng góp những thành tích đỉnh cao và màu cờ sắc áo, cô vẫn chưa sẵn sàng có người yêu.

(còn nữa)

Trước kỳ tích tại Seagames 30 (giành 3 huy chương vàng ở những cự ly chạy khó), Nguyễn Thị Oanh (SN 1995) đã là nguồn cảm hứng về nỗ lực phi thường cho nhiều bạn trẻ. Năm 2018, cô đoạt Huy chương Đồng tại Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật với thành tích 9 phút 83 giây; đồng thời trở thành nữ vận động viên Việt Nam hoàn thành cự ly này dưới 10 phút tại sân chơi ASIAD, phá sâu kỷ lục quốc gia đến 19 giây 15 tồn tại từ năm 2000. Oanh mới tốt nghiệp Đại học Thể dục Thể thao. Cô là một trong 20 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2019.

“Tôi luôn nghĩ đến màu cờ sắc áo, nghĩ đến những khó khăn mình đã phải trải qua trong suốt quá trình chuẩn bị. Những điều đó thôi thúc tôi phải cố gắng, chiến đấu và chiến thắng chính bản thân mình. Tôi đã thi đấu với tất cả những gì bản thân mình có và có thể là hơn thế nữa”. Vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh

MỚI - NÓNG