Chuyên “phá” mật khẩu của mẹ
Sinh năm 1989, Lê Quang Hiếu thuộc thế hệ lãnh đạo trẻ tài năng ở Viettel. Anh hiện là Phó giám đốc Trung tâm Vận hành khai thác toàn cầu của Tổng công ty Mạng lưới Viettel (VTNet) và kiêm nhiệm vai trò kiến trúc sư công nghệ thông tin (CNTT) với nhiệm vụ tham mưu hoạch định chính sách phát triển cho lãnh đạo VTNet và tập đoàn.
Con đường đến với lĩnh vực điện toán đám mây của Hiếu bắt đầu từ những năm học cấp 2, với việc yêu thích lắp ráp robot và “phá” mật khẩu máy tính. “Bố tôi từng là quân nhân nên rất coi trọng tính kỷ luật. Mẹ thì ngược lại, luôn khuyến khích con trai tiếp cận với những cái mới vì bà làm việc cho một số tổ chức phi chính phủ, tư tưởng “thoáng” hơn. Tôi được bố mua cho nhiều mô hình robot để tháo lắp, kèm theo yêu cầu không được nản chí, bỏ cuộc giữa chừng. Còn mẹ thì mua cho một chiếc máy tính để bàn nhưng luôn cài mật khẩu ở cả phần cứng lẫn phần mềm với cấp độ mỗi ngày một khó vì sợ con trai mải chơi sẽ xao nhãng học tập. Chính điều này lại kích thích tôi háo hức chinh phục những “cái bẫy” mà mẹ lập ra”, Hiếu chia sẻ.
Để “phá” mật khẩu do mẹ cài đặt, cậu học sinh cấp 2 mua sách tin học về đọc và bị cuốn hút bởi những kiến thức vô tận về không gian mạng. Sợ bị mẹ phát hiện khi sử dụng máy tính bị nóng, Hiếu nghĩ ra “sáng kiến” dùng đá trong tủ lạnh và quạt cây để… làm mát, trước khi mẹ đi làm về.
Quyết tâm thi vào Đại học Bách khoa để theo đuổi đam mê robocon nhưng cuối cùng Hiếu nhận thấy mình có khả năng nhiều hơn trong lĩnh vực lập trình. Hiếu lân la học hỏi, tìm hiểu từ hai người chú họ cũng học về CNTT. Được những người chú truyền cảm hứng, Hiếu tự học, mày mò ngày đêm. Kết quả những năm học đại học, Hiếu đoạt giải Nhất Olympic Tin học quốc gia và là sinh viên xuất sắc ngành CNTT.
Muốn làm điều gì đó cho Tổ quốc
Sau khi ra trường, Hiếu về đầu quân cho Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel, khi đó mới được thành lập, với nhiệm vụ nghiên cứu cả mảng quân sự và dân sự, trong đó có lĩnh vực điện toán đám mây (dân sự). Ít lâu sau, mảng dân sự của Viện phải nhường chỗ cho mảng quân sự do yêu cầu của Quân đội. Để tiếp tục nuôi dưỡng đam mê, Hiếu và hai người khác (một người ở Tập đoàn VNPT, người còn lại làm việc cho Ericsson Hungary) đứng ra thành lập OpenStack Việt Nam vào tháng 2/2013. Hiếu còn tham gia sáng lập và đại diện cộng đồng OPNFV tại Việt Nam với OPNFV Foundation - Tổ chức ảo hóa mạng viễn thông thế giới.
Lê Quang Hiếu cho biết, số lượng thành viên hiện tại của OpenStack Việt Nam là hơn 5.000 người. Đây cũng là một trong những cộng đồng đầu tiên trên tổng số hơn 130 cộng đồng điện toán đám mây mã nguồn mở được công nhận chính thức trên toàn thế giới. Anh còn là một trong những kỹ sư tham gia đóng góp thiết kế và mã nguồn mở về điện toán đám mây của thế giới với các tên tuổi công nghệ lớn như: IBM, HPE, Ericsson, Nokia.
Sau 3 năm gắn bó với Viettel, Hiếu nhận lời về làm việc cho Fujitsu Việt Nam vào năm 2016, quản lý 10 nhân viên trong lĩnh vực điện toán đám mây. Có cơ hội được tham gia nhiều hội thảo do cộng đồng mã nguồn mở thế giới tổ chức, Hiếu nhận thấy hình ảnh của Nhật Bản và nhiều nước luôn sáng rực trên bản đồ đánh giá sự đóng góp, trong khi Việt Nam thì ngược lại. Chính điều này khiến anh hạ quyết tâm “tái hợp” với Viettel, dù mức đãi ngộ của Fujitsu rất cao và nhiều công ty, tập đoàn lớn trên thế giới đã “trải thảm” khi biết anh từ bỏ Fujitsu.
Quay lại làm việc cho Viettel trong vai trò kỹ sư CNTT vào tháng 2/2018, một năm sau, cũng vào tháng 2, anh được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Trung tâm Vận hành khai thác toàn cầu của VTNet. “Thời gian ở Fujitsu cho tôi có cơ hội học hỏi trong một môi trường đa quốc gia và mang tính toàn cầu, không phụ thuộc vào không gian địa lý. Tuy nhiên, những đóng góp của tôi ở đây lại được tính điểm cho Nhật Bản chứ không phải Việt Nam. Chính sự tự tôn dân tộc khiến tôi nghĩ mình phải làm điều gì đó cho Tổ quốc”, Hiếu chia sẻ.
Không sợ cái mới, cái khó
Nói về những dự định đang ấp ủ, Hiếu cho biết tại Viettel, điện toán đám mây đã triển khai từ năm 2014, nhưng 4 năm sau mới được đẩy mạnh nhằm tối ưu hóa việc vận hành khai thác. Một số nhà mạng khác ở Việt Nam đã triển khai điện toán đám mây trước đó nhưng đều đi mua của đối tác và chưa tự làm chủ công nghệ.
Được lãnh đạo tin tưởng và giao quyền quyết định, Hiếu và những hạt nhân trẻ đã thực hiện nhiệm vụ chiến lược của Viettel là xây dựng kiến trúc công nghệ và nền tảng phục vụ chiến lược Điện toán đám mây cho hạ tầng CNTT và Viễn thông lộ trình 2019-2021. Hiện đội ngũ kỹ sư phát triển và vận hành của Viettel đã có vị trí trong cộng đồng lập trình viên thế giới. Viettel đứng top 50 doanh nghiệp trên thế giới và số 1 Đông Nam Á đóng góp mã nguồn, thiết kế vào giải pháp điện toán đám mây nguồn mở. “Quy mô hạ tầng của VTNet về điện toán đám mây nguồn mở đang cho những kết quả rất tốt, đặc biệt đây là sản phẩm của trí tuệ người Việt chúng ta”, Hiếu nói.
Hiếu tự nhận mình có ưu điểm không sợ cái mới, cái khó và luôn tìm cách vượt qua, còn nhược điểm là “cực đoan” trong việc đề ra và hoàn thành bằng được mục tiêu. Hiếu cho biết với phương châm hoạt động phi lợi nhuận, OpenStack Việt Nam do anh đồng sáng lập nhắm tới 3 mục tiêu phát triển: Hỗ trợ miễn phí cho doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực kinh doanh, quản lý; Hỗ trợ kiến thức, năng lực cho những sinh viên giỏi để sau này trở thành hạt giống xây dựng công nghệ điện toán đám mây cho các doanh nghiệp; Kết nối các cộng đồng ở Việt Nam, khu vực và thế giới.
(còn nữa)
“Tôi cho rằng, để có được thành công thì bản thân phải biết mình đang đứng ở đâu, có điểm mạnh và điểm yếu gì. Việc xác định mục tiêu đúng đắn và tìm được môi trường phù hợp là chìa khóa dẫn tới thành công”. LÊ QUANG HIẾU, Phó giám đốc Trung tâm Vận hành khai thác toàn cầu