Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, 60% câu hỏi cơ bản nhằm đảm bảo thí sinh đạt mức điểm đủ để xét tốt nghiệp, 40% câu hỏi nâng dần độ khó để tuyển sinh ĐH, CĐ.
Tương tự năm 2015, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng thông tin, đề thi năm nay chủ yếu vẫn là kiến thức nằm trong chương trình THPT, đa phần nằm ở kiến thức lớp 12. Học sinh chỉ cần năm vững kiến thức ở sách giáo khoa có thể làm tốt đề thi.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, đề thi được ra theo hướng mở, những câu hỏi nhằm phát huy khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp của học sinh nhằm giải quyết các vấn đề của thực tiễn, các vấn đề thời sự của đất nước, hạn chế các câu hỏi, yêu cầu học sinh phải học thuộc, ghi nhớ một cách máy móc các con số và sự kiện.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, đề thi năm 2015 chưa thể hiện được điều này, đặc biệt là đề thi các môn Tự nhiên.
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch hội đồng Trường Lương Thế Vinh cho rằng, ông nghiên cứu khá kỹ đề thi môn Toán năm 2015 không thấy có sự khác biệt so với những năm trước. Cũng theo ông Cương, đề thi với 40% câu hỏi nâng cao, 60% câu hỏi cơ bản sẽ khó đảm bảo tính khách quan, công bằng giữa các thí sinh thi nhằm xét tuyển ĐH,CĐ và thí sinh thi chỉ nhằm mục đích tốt nghiệp.
Ông Cương ví dụ: “Một thí sinh A đạt 7 điểm nhưng trong đó 6 điểm ở phần cơ bản, 1 điểm ở phần nâng cao trong khi đó thí sinh B cũng đạt 7 điểm nhưng đạt 4 điểm ở phần nâng cao, 3 điểm ở phần cơ bản. Vậy năng lực của hai thí sinh này có như nhau không? Rõ ràng, để xét tuyển đại học, thí sinh B có năng lực hơn. Với cấu trúc đề thi, cách ra đề thi vẫn như cũ cho thấy thí sinh không được đảm bảo sự công bằng rồi”, ông Cương nói.