Theo ông Mai Văn Trinh, công tác chấm thi không phải đến bây giờ mới tính toán mà ngay thi khi đặt cụm thi ở đâu đã tính toán rồi. Một số trường đã triển khai các bước của công tác chấm thi ngay từ chiều 2/7 để đúng quy định hạn chót nộp điểm thi lên Bộ là 20/7/2015, kịp thời gian xét tuyển đợt 1 vào 1/8/2015.
690 thí sinh bị đình chỉ thi
Theo Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 có 1.005.654 thí sinh đăng ký, trong đó: 28% thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp và 72% thí sinh sử dụng kết quả thi để xét ĐH, CĐ (so với các năm trước có gần 2 triệu hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ và 20% thí sinh không dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ). Điều đó khẳng định hiệu quả của công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong việc phân luồng học sinh, giảm chi chí do hồ sơ ảo.
Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 đã diễn ra trong các ngày từ 1 đến 4/7 với sự tham gia của hơn 1 triệu thí sinh tại 99 cụm thi (gồm 38 cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH chủ trì và 61 cụm thi tại tỉnh do Sở GD&ĐT chủ trì).
Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc ở các hai loại cụm thi. Hiện tượng gian lận trong thi cử đã được hạn chế, các trường vi phạm kỷ luật trường thi đều được các cụm thi kiên quyết xử lý theo đúng quy chế. Tính đến hết buổi thi thứ 7, tổng số thí sinh bị kỷ luật là 766, trong đó có 690 trường hợp bị đình chỉ.
Cũng trong cuộc họp báo, Ông Mai Văn Trinh cho rằng, theo quy chế của kỳ thi THPT quốc gia, nếu thí sinh vi phạm mức độ đình chỉ thi, sẽ không được thi các môn tiếp theo và không được xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ.
Đề có quá dễ để xét tuyển đại học?
Trước nhiều câu hỏi của phóng viên về mức độ đề thi năm nay so với đề tốt nghiệp năm ngoái thì khó hơn nhưng lại quá dễ so với đề thi đại học, cao đẳng, liệu sẽ gây khó cho các trường đại học trong vấn đề xét tuyển, ông Mai Văn Trinh cho rằng, đề thi năm nay không thể so sánh với đề thi tốt nghiệp và đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 vì mục đích của khác nhau và đặt trong những hệ quy chiếu khác nhau.
“Năm nay, đề thi mức độ kép. Chúng ta ghi nhận bước đầu của ban đề thi, nhưng khi có phổ điểm thì có kết quả để đánh giá rõ ràng hơn”- Ông Trinh nói.
Theo nhận định của Bộ GD&ĐT, với việc ra đề thi theo hướng mở, các câu hỏi nhằm phát huy khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp của học sinh vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, các vấn đề thời sự của đất nước; hạn chế ra các câu hỏi yêu cầu học sinh phải nhớ máy móc các con số, sự kiện, luyện thi tràn lan như những năm trước đây đã giảm rõ rệt và đề thi đã tạo tâm lý thoải mái, hứng thú, sáng tạo cho thí sinh khi làm bài.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, việc soạn thảo và sao in, vận chuyển đề thi đến các phòng thi được thực hiện tuyệt đối an toàn bí mật.
Theo đánh giá ban đầu của dư luận trong và ngoài ngành giáo dục, đề thi đã đáp ứng được yêu cầu đề ra của kỳ thi là có các câu hỏi ở mức độ cơ bản bảo đảm các thí sinh đủ điều kiện dự thi và ôn tập tốt sẽ làm được để đủ điều kiện tốt nghiệp THPT và các câu hỏi ở mức độ nâng cao để phân loại học sinh giúp cho việc tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ thuận lợi.