Kỷ niệm về lá thư gửi từ chiến trường cách đây 38 năm

Kỷ niệm về lá thư gửi từ chiến trường cách đây 38 năm
TP - Đến ngày 20/11, ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi chợt nhớ đến một kỷ niệm 38 năm về trước, một kỷ niệm đã để lại dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời cô giáo dạy Văn của tôi.
Kỷ niệm về lá thư gửi từ chiến trường cách đây 38 năm ảnh 1
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm hồi ở chiến trường

Hồi ấy tôi đang dạy ở trường cấp III Cổ Loa – Đông Anh – Hà Nội, một trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ, tôi nhận được thư của anh nguyễn Khoa Điềm(1) - người anh con cậu ruột của tôi - (Cậu Hải Triều ba anh là anh ruột của mẹ tôi) một lá thư còn nóng hổi hơi ấm của chiến trường.

Anh và tôi vốn cùng học khoa Văn đại học Sư phạm Hà Nội, anh học trước tôi 2 khóa. Hồi đó anh vẫn thường hướng dẫn tôi đọc các loại sách và động viên tôi cố học giỏi để vững vàng trên bục giảng sau này. Anh từng nói với tôi, anh ao ước có ngày sẽ đứng trước các em say sưa giảng những câu Kiều của Nguyễn Du. Vậy mà giờ đây điều đó đã trở nên thật xa xôi.

Anh viết trong thư làm tôi vô cùng xúc động: “Thế là anh có 7 năm ở chiến trường. Sắp  đến ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo lại càng nhớ mình vốn cũng có ngày vui ấy và mình đã xa nó đi trong 7 năm qua - nhà trường như một lời hẹn thủy chung và thấm thía - Chiến tranh chỉ làm nó sáng thêm từ hai phía kỷ niệm và tương lai”.

Tôi nghĩ không chỉ anh Nguyễn Khoa Điềm mà còn bao người khác đã phải tạm gác ước mơ của mình để lên đường ra trận: đó là Lê Mã Lương, Lê Anh Xuân, Phạm Tiến Duật...

Tôi đem lá thư ra đọc chung trong tổ Văn và mỗi người chúng tôi hồi đó đều nghĩ rằng mình phải làm việc bằng hai bằng ba để lấp đầy những khoảng trống mà các anh chị ra đi để lại.

Hồi ấy tôi mới 28 tuổi, chồng đi xa, một mình nuôi con còn nhỏ mà vừa đảm nhận công tác bí thư đoàn trường, tổ trưởng chuyên môn, dạy và chủ nhiệm lớp cuối cấp.

Với tinh thần của một đảng viên trẻ, tôi đã làm việc sôi nổi hăng say. Trận địa pháo cao xạ lại rất gần trường nên đêm ngày luôn bị đánh phá. Bây giờ nghĩ lại khó có thể hình dung nổi chúng tôi đã sống và làm việc như thế.

Đọc lá thư anh, tôi cảm nhận được cái gian khổ khốc liệt của chiến trường. Anh viết rất vui, rất lạc quan về những thiếu thốn mà mình và đồng đội đang trải qua:

“Có chuyện nhỏ: Nhớ ngày ăn rau rừng thay cơm... ăn xong, mắc võng nằm, chợt nhớ câu thơ Nguyễn Công Trứ: Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch/người quân tử ăn chẳng cầu no..., thử vỗ bụng mình. Thì ra no rau vỗ bụng kêu “bình bịch thật”.

Kỷ niệm về lá thư gửi từ chiến trường cách đây 38 năm ảnh 2
Cô giáo Diệu Dương những năm 70

Vừa buồn cười, vừa thấm thía với cái nghèo của người xưa, vừa hiểu cuộc chiến đấu hiện tại, nghĩ ngợi, lòng ấm sáng thêm lên”. “Anh không có nhiều thì giờ, sách vở, dầu đèn để đọc đâu. Nên đọc được cái gì thì quý cái ấy, đọc đến đâu thấm đến đó. Việc sáng tác cũng chật vật. Đi công tác và sản xuất chiếm nhiều thì giờ. Sản xuất để tự nuôi sống, đó không phải là chuyện đùa. Đó là không nói đến thằng địch và bom đạn của nó”.

Thường xuyên phải ăn rau thay cơm, vừa cầm súng, vừa cầm cuốc sản xuất để tự nuôi sống mình. Đó là nhiệm vụ nặng nề không kém gì chiến đấu và sáng tác. Thật gian nan vất vả.

Dù gian khổ hiểm nguy rình rập tôi vẫn thấy cháy lên trên những câu chữ của lá thư anh là niềm khát vọng chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Hãy tạm gác ước mơ đứng trên bục giảng lại. Đánh Mỹ là nhiệm vụ cấp bách “Chưa trở lại nhà trường: anh cứ thấy những ngày đi này là cần thiết biết bao cho cái công việc mà anh đã có thể bắt tay từ 7 năm trước”.

Sẵn sàng hiến dâng tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp giải phóng quê hương. 7 năm khó khăn hiểm nguy là vậy nhưng với anh mới chỉ là bắt đầu, anh sẵn sàng chịu đựng hơn nữa:

“Sức khỏe của anh không được tốt lắm. Nhưng cũng chưa bao giờ anh thấy thiết tha với sự nghiệp này, quyết tâm hiến hết sức mình đời mình cho quê hương giải phóng như hôm nay. Với anh mọi cái đang bắt đầu và anh phấn khởi bước tiếp”.

Anh trao đổi với tôi về vai trò của môn văn nói chung và văn học cổ nói riêng. Vâng chính văn học đã giúp anh và bao người khác dám lên đường với tất cả niềm tự hào mà không hề băn khoăn trăn trở:

“Anh đã nghĩ có lẽ việc học văn hôm qua đang cần thiết ở chỗ nó đang làm mình quý cuộc sống như hôm nay, tự hào là một người Việt Nam yêu nước, đầy lòng nhân ái, sẵn sàng sống chết bằng cái hào khí được người xưa truyền lại. Giảng dạy văn học xưa mà không tỏa sáng nó cho những vấn đề hôm nay thì khó bắt những người đang mải mê chiến đấu và sản xuất chấp nhận nó lâu dài”. “Nên cố gắng bám sát với thực tế văn học hiện đại. Nó nâng cao năng khiếu thẩm mỹ của mình. Từ đó nhìn lại văn học cổ cũng sâu hơn”.

Từ chiến trường Trị Thiên ác liệt, anh hỏi tôi về trận lụt năm 1971 - chính trận lụt lớn làm nhiều đoạn đê bị vỡ trong đó có đoạn đê Gia Lâm nơi tôi công tác. Trường tôi ngập trong biển nước, cả vùng Cổ Loa chạy lên trú ở đền thờ An Dương Vương.

Anh có vẻ băn khoăn nên dặn tôi: “Viết thư cho anh hãy kể đến trận lụt ấy và Ichi(2) cùng nhà trường em đã sống và làm việc ra sao? Đã khai giảng thế nào? Đúng là miền Nam lại lo cho miền Bắc cũng như hằng ngày miền Bắc lo cho miền Nam vậy.

Kỷ niệm về lá thư gửi từ chiến trường cách đây 38 năm ảnh 3

Kết thúc lá thư là niềm ước mơ tha thiết: “Anh mơ có một ngày đất nước yên vui lại có dịp đi dọc sông Hồng, hai bờ đê sông Hồng làm một bài thơ dài về sức sống gian truân mà hùng vĩ của dân tộc, hạt phù sa đỏ máu ngàn đời...”. Sau này anh nói với tôi chính thời gian đó anh bắt tay viết bản “Trường ca mặt đường khát vọng” trong đó có chương “Đất nước” mà giờ đây các em học sinh lớp 12 đang học.

Nhân dịp kỷ niệm 20/11/2009, tôi nghĩ rằng lá thư nhỏ của một nhà thơ, một đảng viên trẻ gửi từ chiến trường ác liệt ra sẽ góp phần giúp các bạn hôm nay có dịp hiểu thêm cuộc sống và những suy nghĩ của thế hệ đi trước, từ đó tự biết mình phải làm gì.

Các bạn giáo viên thân mến! Tôi nghĩ rằng chúng ta hãy gieo vào trong lòng thế hệ học sinh hôm nay hạt giống của tình yêu - lòng nhân hậu và đức hy sinh cao cả. Đó là sứ mệnh cao quý của các giáo viên dạy văn nói riêng và các thầy cô giáo nói chung.

Chú thích:

(1) Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, tác giả bản “Trường ca mặt đường khát vọng”, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị BCH T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương.

(2) Ichi, tên gọi thân mật ở nhà của Diệu Dương

Nhà giáo ưu tú
Nguyễn Đắc Diệu Dương

MỚI - NÓNG
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
TP - “Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Dự kiến tháng 7/2026, nơi in dấu chân chị Trâm sẽ kết nối hệ thống cao tốc Bắc-Nam.