Kỷ luật và thể chế

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hơn hai ngày qua, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Rất nhiều vấn đề nóng đang trực tiếp tác động lớn đến cơ chế, chính sách quản lý, điều hành kinh tế xã hội cũng như đời sống dân sinh đã được các ĐBQH đặt ra với các thành viên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Một trong những con số nhức nhối được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu ra, đó là từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2022, có hơn 20.300 đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật, là kỷ lục "lớn nhất từ trước đến nay". Riêng cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị xử lý 56 người, nhiều người phải ra tòa. Nếu tính đến thời điểm này, con số trên chắc hẳn còn tăng thêm đáng kể.

Đơn cử chỉ mấy ngày trước, Trung ương ra quyết định thi hành kỷ luật hàng loạt cán bộ chủ chốt trong hệ thống bảo vệ pháp luật của tỉnh An Giang hai nhiệm kỳ từ 2015 đến nay. Rồi những lãnh đạo chủ chốt nhiều địa phương mới đây cũng lần lượt được "gọi tên".

Các vụ án kinh tế liên quan đến các doanh nghiệp đình đám cũng đang liên tục được "bóc gỡ". Luật pháp đang cho thấy chưa khi nào có sự mạnh tay, quyết liệt đến thế, nhằm làm trong sạch, minh bạch mọi "tảng băng chìm" khuất tất của những cá nhân, chủ thể lâu nay vốn khuynh loát nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, thể chế chính sách...

Như Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn ĐBQH chiều qua (5/11), đã khẳng định "Chúng ta không thể không quyết liệt xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực". Đó không chỉ nhằm "phát triển lành mạnh, bền vững các loại thị trường, minh bạch nền hành chính, nền kinh tế, mà còn để bảo vệ các nhà đầu tư, các định chế tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp chân chính hoạt động an toàn, bền vững".

Từ thực tế trên, không chỉ xử lý kỷ luật, bắt giam, mà vấn đề cải cách thể chế rõ ràng đang ngày càng bức thiết. Trả lời chất vấn của ĐBQH, Thủ tướng nhấn mạnh cải cách thể chế đang là một trong ba đột phá chiến lược, trong đó lấy người dân làm trung tâm, chủ thể. Mỗi tháng Chính phủ đều tổ chức phiên họp chuyên đề bàn về cải cách thể chế, xây dựng pháp luật. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã xem xét gần 70 luật và đang trình Quốc hội hơn 10 dự án luật.

Tại phiên chất vấn, nhiều Bộ trưởng đã thẳng thắn nhận trách nhiệm về những tồn tại trong lĩnh vực mình phụ trách. Tồn tại, bất cập là không thể tránh khỏi. Khi những chồng chéo, vướng mắc đang là một thực tế, đáng nói hơn là mang tính liên Bộ, liên ngành.

Kỷ luật, bắt giam, xét xử giảm xuống mà mọi lĩnh vực hoạt động thông suốt, phản ứng chính sách linh hoạt nhưng không đột ngột, giải quyết nhanh gọn, hiệu quả những vấn đề nóng xã hội, dân sinh đặt ra, là điều chúng ta hướng tới và hy vọng. Cho thấy dấu hiệu của một bộ máy thể chế hoạt động đúng hướng và hiệu quả. Để những phiên chất vấn nghị trường càng về sau sẽ không hoặc ít lặp lại những câu hỏi nóng vốn cứ "đến hẹn lại lên".

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
TPO - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ vừa có chỉ đạo tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố. Trong đó, yêu cầu kịp thời thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...