Kỳ lạ bệnh viện xin… xuống hạng

Khoa khám bệnh Bệnh viện YDCT vắng bóng bệnh nhân sau khi được lên hạng. Ảnh: Đức Minh.
Khoa khám bệnh Bệnh viện YDCT vắng bóng bệnh nhân sau khi được lên hạng. Ảnh: Đức Minh.
TP - Hai bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh của Đồng Nai là Bệnh viện Da liễu và Y dược cổ truyền vừa mới thăng hạng chưa được một năm nhưng nay lại xin “xuống hạng”.

Khổ vì “lên đời”

Bên trong khang trang, cơ sở thiết bị đầy đủ nhưng mấy tháng nay Bệnh viện Da liễu Đồng Nai mỗi ngày chỉ tiếp nhận chục người tới khám. Con số này, theo lãnh đạo bệnh viện là quá èo uột dù nơi đây đã lên hạng bệnh viện tuyến tỉnh và tương đương. 

Lý do theo bệnh viện là sau khi thực hiện Thông tư 40 ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế “về quy định đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), có hiệu lực thi hành từ 1/1/2016” bệnh viện này không còn được tiếp nhận khám chữa bệnh bảo hiểm ban đầu.

Bác sĩ Lê Thị Thái Hà, giám đốc Bệnh viện Da liễu Đồng Nai cho biết sau gần nửa năm thực hiện quy định chuyển từ bệnh viện hạng 3, tương đương tuyến huyện thành bệnh viện tuyến tỉnh, nơi đây không còn được khám BHYT trái tuyến. Vì vậy, bệnh nhân không còn đến khám ban đầu tại đây.

 Bà Hà dẫn chứng: “Từ đầu năm 2016 đến nay, số lượng bệnh nhân điều trị ngoại trú chỉ bằng 17% so với cùng kỳ năm trước. Còn công suất khám chữa bệnh nơi đây chỉ đạt 5,6%”. Trong khi bác sĩ Phạm Văn Hà- Phó Giám đốc bệnh viện than thở: “Sau khi thực hiện Thông tư 40 số bệnh nhân khám BHYT tại đây giảm gần 90%. Trước đây, mỗi tuần bệnh viện tiếp nhận 1.000 bệnh nhân đến khám nay chỉ còn 50 người/tuần”.

Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai cũng vắng như chùa bà đanh sau hơn nửa năm “lên đời” từ bệnh viện hạng 3, tương đương cấp huyện. Lãnh đạo bệnh viện này nói số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh giảm 50% do nơi đây không được tiếp nhận khám bệnh BHYT ban đầu như lúc còn hạng 3. Theo bệnh viện này từ con số 1.625 thẻ đăng ký khám BHYT nay chỉ còn một nửa.

 Chị Nguyễn Thị Th., giáo viên ở thành phố Biên Hòa cho biết, chị đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa Biên Hòa, nhưng với căn bệnh nhiễm sắc tố da từ trước nên đã điều trị tại Bệnh viện Da liễu. Tuy nhiên, theo chị Th. hiện nay BHYT không chi trả cho khám trái tuyến tại đây nên không còn lựa chọn nào khác buộc phải tự chi trả tiền để điều trị bệnh khi đến khám.

Theo bác sĩ Thái Hà hầu hết bệnh nhân đến chữa bệnh trứng cá, nấm…tại đây đều phải điều trị dài ngày, mỗi toa thuốc tốn từ 300-400 ngàn/đợt/10 ngày nếu không được BHYT thanh toán. Với đội ngũ công nhân, lao động nghèo số tiền chữa trị này không phải nhỏ, từ khi có quy định không cho khám trái tuyến, rất nhiều người đã bỏ dở việc điều trị tại bệnh viện. “Nếu Thông tư 40 không được điều chỉnh chúng tôi e các chuyên khoa của bệnh viện phải đóng cửa”- bác sĩ Hà lo lắng.

Xin… xuống hạng

Trước khi hai bệnh viện này được Bộ Y tế cho phép lên hạng tương đương tuyến tỉnh, Đồng Nai đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhằm xây dựng, nâng cấp bệnh viện khang trang. Với địa bàn có hơn 3 triệu dân, trong đó rất đông công nhân lao động, hai cơ sở y tế này đã đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh chuyên sâu cho người dân. Tuy nhiên, giờ đây không chỉ lãnh đạo mà hàng trăm y bác sĩ nơi đây mong muốn được xuống hạng để… thu hút bệnh nhân.

Theo Sở Y tế Đồng Nai, kể từ ngày 1/6/2016, người bệnh muốn đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Da liễu và Bệnh viện Y dược cổ truyền phải có giấy chuyển tuyến của nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu. Trong khi đó các cơ sở đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu rất ít khi chuyển bệnh nhân mà giữ lại để điều trị. Vì vậy quyền lợi của người tham gia BHYT bị ảnh hưởng khi không được khám chữa bệnh ở các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Quang Trung, Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết việc xếp loại Bệnh viện Da liễu và Bệnh viện Y dược cổ truyền từ hạng 3 tuyến huyện theo Thông tư 37/2014 của Bộ Y tế lên bệnh viện tuyến tỉnh theo Thông tư 40 hiện không dựa vào bất cứ cơ sở khoa học nào, mà có vẻ hoàn toàn phụ thuộc vào sự chủ quan.

“Các bệnh viện chuyên khoa công lập hạng 3 thì được xếp vào tuyến tỉnh và tương đương, trong khi các bệnh viện chuyên khoa, Y học cổ truyền tư nhân hạng 3 lại xếp vào tuyến huyện cũng là điều chưa hợp lý trong thông tư này”- ông Trung nhìn nhận trong một văn bản gửi Bộ Y tế.

Điều mà cả lãnh đạo các bệnh viện trên cũng như Sở Y tế Đồng  Nai lo lắng hơn nữa là đến tháng 7/2016 khi thực hiện thu giá dịch vụ kỹ thuật gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương thì hai bệnh viện trên sẽ khó duy trì hoạt động.

Ảm đạm là tình cảnh chung

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Khảm- Vụ phó Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho biết, việc người bệnh đi khám ngoại trú ở các bệnh viện chuyên khoa giảm sút không chỉ ở hai bệnh viện của Đồng Nai mà xảy ra ở các tỉnh khác. Lý do theo ông Khảm, không phải vì Thông tư 40 mà sự phân bổ của thẻ BHYT ban đầu. “Khi đăng ký khám BHYT, người dân phải đăng ký ở các bệnh viện đa khoa để thụ hưởng quyền lợi, rất ít người đăng ký bảo hiểm chỉ riêng ở bệnh viện chuyên khoa Da liễu, Y học cổ truyền hay phục hồi chức năng nên lượng bệnh nhân giảm là tất yếu”.

MỚI - NÓNG