Game online bủa vây sinh viên- Bài 2:

KTX, giảng đường thành 'đấu trường' game

Sinh viên mải mê chơi game trong giờ học tại một trường đại học nổi tiếng ở Hà Nội
Sinh viên mải mê chơi game trong giờ học tại một trường đại học nổi tiếng ở Hà Nội
TP - Không chỉ các quán internet, ngay cả nhiều giảng đường, ký túc xá (KTX) cũng biến thành tụ điểm chơi game. Nhiều sinh viên đâm chém, bắn giết loạn xạ trong thế giới ảo.

Ngủ ngày, cày đêm

Để tìm hiểu kỹ cuộc sống của sinh viên nam ở KTX, tôi nhờ Trung Đức, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), đăng ký với BQL KTX Mễ Trì cho ở lại qua đêm. Phòng Đức ở gồm 8 người, mỗi người một vùng quê khác nhau, nhưng có điểm chung là cùng mê game. “Lúc mới ra Hà Nội, em không chơi game. Nhưng vào phòng, thấy các bạn chơi vui nên theo, cả phòng thường tổ chức chơi cùng nhau những lúc rảnh”, Đức nói.

20 giờ, ở khu nam KTX Mễ Trì, âm thanh từ các trò game trên mạng bắt đầu vang lên, các sinh viên khác phải bịt tai để học. Đức cho biết, sinh viên chơi đủ thể loại game, nhiều nhất là game Liên minh huyền thoại.

Gần 2 giờ sáng, tại KTX trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, cuộc chiến giữa các game thủ vẫn chưa đến hồi kết. Phan Huy Tú (SN 1996, quê Nghệ An), sinh viên Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, đi dạo ở hành lang. Tú nói: “Sáng mai có bài kiểm tra, mình muốn ôn bài và đi ngủ sớm nhưng ồn quá. Mình đặt mục tiêu là năm nay săn học bổng mà học hành thế này thì khó lắm. Gia đình hộ nghèo nên được ở KTX, nhưng nếu ở phòng nhiều anh chơi game không học được mình sẽ xin bố, mẹ ra ngoài ở”.

“Giờ là sinh viên đi học nhàn hơn, bài tập chẳng phải làm, tới lớp làm gì thì làm đừng để ảnh hưởng tới người xung quanh là được. Ngoài những bạn chăm học, không ít bạn xem phim, ngủ trong lớp học, chơi game... ”.

            Lương Ngọc Bích - sinh viên ĐH Thăng Long

Xung quanh khu KTX Mễ Trì có hàng chục quán internet, thường xuyên mở thâu đêm suốt sáng. Tôi theo chân Bùi Lê Hà, quê Hòa Bình, sinh viên Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, một game thủ có tiếng cùng nhóm bạn trong khu KTX đến một quán internet trên đường Lương Thế Vinh. Dù đã muộn, nhưng vẫn có hàng chục sinh viên đang ngồi “cày” game miệt mài, trong bầu không khí đặc quánh vì khói thuốc lá.  Hơn 2 giờ sáng, ở quán internet,  nhiều game thủ đã bắt đầu thấm mệt, phải nạp năng lượng bằng mỳ tôm, bánh mỳ, xúc xích, xôi, nước ngọt...

Cơn buồn ngủ kéo đến, tôi chiếm một chỗ nằm rồi ngủ lúc nào không hay. 6 giờ sáng hôm sau, đang say giấc, Hà gọi dậy. Ông chủ quán nói: “80.000 đồng/người gồm tiền thuốc, nước, ăn đêm, tiền máy… Tổng cộng 5 người 300 nghìn đồng”. Hà đáp: “Anh cứ ghi sổ lại cho em. Cuối tháng lĩnh tiền, em đưa luôn thể”.  Liếc qua những con số trong cuốn sổ ghi nợ, riêng tiền nợ của Hà đã hơn 1 triệu đồng. Hai thành viên khác trong đoàn cũng ký nợ với số nợ hơn 700 nghìn đồng.

Giảng đường thành  “đấu trường”

Ơ Hà Nội, nhiều giảng đường ĐH, CĐ có wifi miễn phí để phục vụ sinh viên học tập. Laptop, máy tính bảng, điện thoại di động đã và đang dần thay thế vở và bút truyền thống.

Lương Ngọc Bích, sinh viên Trường ĐH Thăng Long cho biết, các bạn chơi game bằng máy tính ít, nhưng dùng điện thoại vào Facebook, Zalo, chơi game khá nhiều.

“Lớp học theo hệ thống tín chỉ, mỗi môn một lớp, toàn bạn mới nên cũng chẳng gắn bó thân thiết gì. Đi học để có mặt, khi nào sắp thi, dành vài buổi ngồi ở nhà ôn cấp tốc là xong”,  Bích nói.

Thạc sỹ Phan Kiền, giảng viên một trường đại học lớn ở Hà Nội nói rằng, hiện tượng sinh viên chơi game trong giờ học hiện khá phổ biến. Theo thầy Kiền, giảng viên phải tạo được sức hút với sinh viên bằng các phương pháp giảng dạy phù hợp để buộc sinh viên tập trung tư duy cho bài học thay vì chơi những trò chơi tốn thời gian, nhiều khi vô bổ. “Về giải pháp, nhà trường cần dùng mạng LAN nội bộ để kiểm tra, giám sát và ngăn chặn việc truy cập những thứ không cần cho bài học như game hoặc Facebook…”, thầy Kiền nói.   

______________

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.