Vụ cổ phần hóa cảng Quy Nhơn: Đang xử lý cán bộ liên quan

Bộ GTVT sẽ xử lý cán bộ liên quan tới cổ phần hóa cảng Quy Nhơn Ảnh: Vinamarine
Bộ GTVT sẽ xử lý cán bộ liên quan tới cổ phần hóa cảng Quy Nhơn Ảnh: Vinamarine
TP - Đây là khẳng định của Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông tại buổi họp báo quý 3/2018 do Bộ GTVT tổ chức ngày 28/9 khi trả lời phóng viên liên quan tới các sai phạm trong cổ phần hóa doanh nghiệp thuộc Bộ này. 

Giải pháp cho BOT: Tuyên truyền?

Trả lời câu hỏi báo chí về xử lý các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ về cổ phần hóa cảng Quy Nhơn (Bình Định), Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Bộ đã nhận được kết luận thanh tra, trên cơ sở đó Bộ trưởng đã có văn bản chỉ đạo các cá nhân, đơn vị liên quan triển khai thực hiện. “Cơ quan Bộ sẽ kiểm điểm, xử lý nghiêm các kiến nghị của thanh tra liên quan tới sai phạm của cá nhân, đơn vị liên quan”, ông Đông khẳng định. Đồng thời, cho biết Bộ đã giao Vinalines đàm phán với nhà đầu tư để mua lại 75% vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn.

Liên quan tới xử lý dự án BOT Cai Lậy, lãnh đạo Bộ GTVT cho hay, sau khi có ý kiến của Thủ tướng, Bộ GTVT đã làm việc với tỉnh Tiền Giang (UBND tỉnh, Tỉnh ủy, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh) và lấy ý kiến các bộ ngành về phương án xử lý. Hiện Bộ tập trung nghiên cứu 2 phương án (1 và 2), gồm giảm 50% mức phí, hoặc đặt 2 trạm độc lập trên Quốc lộ 1 và tuyến tránh để thu phí cho từng dự án. Trên cơ sở lấy ý kiến các bộ ngành và địa phương, Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ nghiên cứu cụ thể từng phương án, trong đó nghiêng về phương án lập 2 trạm thu phí trên từng tuyến để thu hồi vốn cho từng dự án.

Với các phát sinh tại BOT đường bộ khác, theo ông Đông , đây là vấn đề rất dài, các phát sinh, bất cập của hình thức BOT đã được đánh giá và chỉ rõ. “Để giải quyết triệt để vấn đề BOT chỉ có cách dùng ngân sách mua lại dự án, nhưng điều này hiện bất khả thi do ngân sách đang khó khăn”, ông Đông nói. Theo đó, Bộ GTVT chỉ còn cách: Rà soát và đẩy nhanh quyết toán các dự án, công khai mức đầu tư, mức phí, thời gian thu phí, đẩy nhanh thu phí tự động, giảm phí, phối hợp các cơ quan đơn vị, tăng cường tuyên truyền để tạo đồng thuận.

Tăng tuổi thọ máy bay theo đề xuất của doanh nghiệp

Mới đây, Bộ GTVT đã xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 92/2016 về điều kiện kinh doanh vận tải hàng không. Theo đó, Bộ này đề xuất nâng tuổi thọ tàu bay thuê để khai thác tại Việt Nam từ 20 năm lên 25 năm với vận tải hành khách; và từ 25 năm lên 30 năm với vận tải hàng hóa (tính từ khi xuất xưởng tới thời điểm kết thúc hợp đồng thuê).

Lý giải về đề xuất trên, Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc cho biết, khi xây dựng dự thảo đã lấy ý kiến các doanh nghiệp hàng không, trong đó có một số doanh nghiệp kiến nghị nâng tuổi thọ tàu bay thuê. Theo các doanh nghiệp hàng không, quy định tuổi thọ tàu bay của Việt Nam quá khắt khe, cao hơn các nước trong khu vực và bình quân chung của thế giới, nên sức cạnh tranh giảm. “Sau khi nghiên cứu, tham khảo ý kiến đơn vị liên quan, chuyên gia, chúng tôi đề xuất nâng tuổi thọ tàu bay lên mức trên”, ông Ngọc nói. Cũng theo ông Ngọc, thông số an toàn của tàu bay ngoài tuổi khai thác, vấn đề bảo dưỡng, bảo trì mới mang yếu tố quyết định. 

Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Hàng không bổ sung thêm, trước đây quy định tuổi thọ tàu bay thấp vì lo ngại về năng lực kiểm định và kiểm soát chất lượng của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện điều kiện cơ sở hạ tầng, năng lực quản lý của Việt Nam đã phát triển và hoàn thiện hơn, đủ khả năng kiểm soát chất lượng và an toàn tàu bay, nên đề xuất nâng tuổi thọ tàu bay thuê thêm 5 năm. Đồng thời, việc nâng tuổi thọ tàu bay cũng tăng thêm các đối tác cung cấp, tạo lợi thế cho doanh nghiệp khi đàm phán thuê tàu bay.

Liên quan tới sửa chữa mặt cầu Thăng Long (Hà Nội) Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, ngày 17/9 vừa qua, đoàn chuyên gia Nga đã sang trực tiếp khảo sát mặt cầu đề xuất giải pháp sửa chữa để đưa ra đánh giá và đề xuất giải pháp, từ đó mới đánh giá để lựa chọn phương án tin cậy nhất, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Thời gian sửa chữa phụ thuộc vào phương án lựa chọn, còn nguồn vốn sẽ lấy từ Quỹ bảo trì đường bộ trung ương.

Về vụ “quỹ đen” tại Cục Đường thủy nội địa, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, Bộ đã chỉ đạo cá nhân, đơn vị liên quan kiểm điểm trách nhiệm. Đồng thời, bộ giao Vụ Quản lý cán bộ trực tiếp xử lý trách nhiệm những người liên quan. Ngoài ra, hồ sơ vụ việc đã được chuyển sang cơ quan điều tra,..

Về cổ phần hóa Bệnh viện GTVT, và kiến nghị của nhà đầu tư trả lại toàn bộ cổ phần đã mua, ông Đông cho hay, vấn đề này đã được Thủ tướng giao Bộ GTVT thực hiện. Theo đó, sẽ không cổ phần hóa các bệnh viện công lập, và việc nhà đầu tư đề xuất trả lại cổ phần đã mua cũng trùng với quan điểm trên. Về nguồn kinh phí và mức giá mua lại, ông Đông cho biết, sẽ đánh giá lại giá trị phần vốn nhà đầu tư hoàn trả, thực hiện theo quy định và lấy ý kiến các bộ ngành liên quan trước khi thực hiện.

MỚI - NÓNG