Tranh cãi nóng bỏng về 'ứng xử' với Uber, Grab

Grab Việt Nam cho biết “hết sức quan ngại” với những phát biểu của Bộ trưởng Giao thông về xe công nghệ
Grab Việt Nam cho biết “hết sức quan ngại” với những phát biểu của Bộ trưởng Giao thông về xe công nghệ
TPO - Hiệp hội taxi ba miền gửi văn bản 'tố' Uber, Grab và Bộ Giáo thông Vận tải (GTVT) có nhiều sai sót. Trong khi đó, đại diện Grab Việt Nam lại bày tỏ sự quan ngại trước quan điểm định danh Grab là công ty taxi. Về phần mình, Bộ GTVT cũng đã lên tiếng.

Như Tiền Phong đã phản ánh, trong cuộc họp về quản lý vận tải cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ này đang tiếp thu nghiêm túc các ý kiến góp ý của các bộ ngành, địa phương và Hiệp hội vận tải sau khi kết thúc 2 năm thí điểm xe Uber, Grab tại Việt Nam.

Cho biết quan điểm về quản lý xe công nghệ Uber, Grab, ông Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT sẽ xem Uber, Grab như taxi và các hoạt động của xe Uber, Grab phải được quản như xe kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ. Thậm chí, ông Thể còn cho biết, nếu Uber, Grab không đáp ứng được điều kiện với xe kinh doanh dưới 9 chỗ thì “mời rời khỏi Việt Nam”. 

Sau khi lãnh đạo Bộ GTVT cho biết quan điểm trên, dư luận những ngày qua đánh giá, đây một bước ngoặt về quan điểm quản lý của người đứng đầu ngành GTVT trên cả nước khi đề cập đến xe Uber, Grab.

Cho rằng Uber, Grab trực tiếp thu tiền nhưng không tuân thủ nhiều quy định và chịu mọi rủi ro, cùng với đó Bộ GTVT đã không kiểm soát được sự gia tăng của phương tiện, hiệp hội taxi ba miền vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ.

Văn bản số 01 do Chủ tịch các hiệp hội taxi Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng ký nêu rõ, sau khi kết thúc 2 năm thí điểm, vừa qua Bộ GTVT vẫn tiếp tục đề xuất cho Uber, Grab thí điểm tiếp là một bước lùi trong quản lý. Theo các hiệp hội này, nếu tiếp tục cho thí điểm xe Uber, Grab như lâu nay "sẽ làm rối loạn thêm hoạt động vận tải hành khách tại nhiều địa phương".

Trong văn bản này, Hiệp hội taxi 3 miền đề nghị không kéo dài thí điểm và có quy định thay thế Quyết định 24 (thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng).

Trao đổi với PV Tiền Phong vào chiều 12/3, đại diện Bộ GTVT cho rằng, Bộ này đang xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86, trong dự thảo này có nội dung quản lý chặt xe Uber, Grab như các ý kiến Bộ trưởng đã nêu.

“Do vậy, sau khi ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 86 sẽ dừng áp dụng Quyết định 24, đồng thời cũng kết thúc thời gian thí điểm xe công nghệ Uber, Grab”, đại diện Bộ GTVT nhấn mạnh.

Grab “hết sức quan ngại”

Phản hồi về các phát biểu của lãnh đạo Bộ GTVT về xe công nghệ trong đó có Grab những ngày qua, đại diện Grab Việt Nam vừa gửi đến đại diện báo Tiền Phong văn bản của ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam. Ông Jerry Lim cho rằng, Grap hết sức quan ngại về phát biểu mà Bộ trưởng Bộ GTVT đã đưa ra vừa qua.

“Chúng tôi hiểu rằng việc xác định loại hình kinh doanh cho các dịch vụ kết nối xe hợp đồng điện tử là một quyết định quan trọng và cần thiết”, ông Jerry Lim đánh giá.

Cho biết quan điểm về xem Uber, Grab như taxi, ông Jerry Lim cho rằng, định danh Grab là công ty taxi không chỉ phủ nhận nỗ lực của Grab trong việc thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số, mà còn là một bước lùi trong quá trình kiến tạo, xây dựng một quốc gia khởi nghiệp trong kỷ nguyên 4.0.

Theo đại diện Grab Việt Nam, các đối tác tài xế chọn sử dụng nền tảng kết nối của Grab vì sự tự do và linh hoạt, dù đó là lái xe toàn thời gian hay chỉ lái vào những lúc nhàn rỗi. Các tài xế muốn sử dụng xe cá nhân của mình tham gia cung cấp dịch vụ vận tải thông qua ứng dụng Grab còn có cơ hội tăng thêm thu nhập. “Đối tác tài xế chắc chắn không bao giờ muốn quay lại cảnh phải mua lốt của hãng taxi, bị bó buộc về thời gian, bị khoán doanh thu và bị ép chia doanh số với hãng như đã từng phải chịu trước đây”, ông Jerry Lim liên hệ với thực tế.

MỚI - NÓNG