Đây là số tiền mà doanh nghiệp vay để trả 3 kỳ cho khoản nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh trước đó với tổng số tiền là 1,92 triệu euro và 2,9 triệu USD. Các khoản nợ gốc này đến hạn vào năm 2015, 2016 và Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và đô thị (HUD) - khi đó là cổ đông lớn nhất của dự án đã không trả nợ đúng hạn. Đến tháng 4 vừa qua, Xi măng Sông Thao mới trả các khoản lãi quá hạn và lãi phạt chậm trả, còn nợ gốc vẫn chưa trả.
Là đơn vị nhận chuyển giao đại diện sở hữu phần vốn nhà nước tại Xi măng Sông Thao từ tay HUD theo chỉ đạo của Chính phủ, Vicem vừa đề xuất tái cơ cấu lại khoản nợ nói trên. Tổng công ty muốn được trả nợ gốc khoản vay trong 3 kỳ, từ nay đến hết năm 2018. Với những đề xuất trên, bộ này kiến nghị Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Xi măng Sông Thao và Vicem về phương án trả nợ khoản vay Quỹ tích lũy. Theo Bộ Tài chính, đây là phương án hợp lý để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh công ty đã ổn định sản xuất nhưng vẫn lỗ lũy kế. “Vicem có đủ khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ Quỹ tích lũy trong trường hợp Xi măng Sông Thao không trả được nợ”, Bộ Tài chính nhận định.
Tuy nhiên, khoản vay của dự án này đang có một vướng mắc liên quan đến phần tài sản thế chấp. Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng đã cùng kiểm tra thực địa dự án cho thấy, để thu xếp vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh, từ năm 2010, doanh nghiệp đã sử dụng một phần tài sản dự án hình thành từ các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ để thế chấp cho khoản vay tại 2 ngân hàng trong nước. Tuy nhiên, Xi măng Sông Thao cho biết, đã có phương án giải chấp tài sản nói trên, sau đó ký lại hợp đồng thế chấp tài sản với Bộ Tài chính.
Dự án xi măng Sông Thao (trước là dự án xi măng Hùng Vương) được đầu tư trên cơ sở phê duyệt của Chính phủ vào năm 2004. HUD là cổ đông chính của dự án đã được Bộ Tài chính cấp bảo lãnh Chính phủ cho 3 khoản vay từ Ngân hàng BNP- Paribas để cho vay lại nhằm thực hiện dự án.
Xi măng Sông Thao có vốn điều lệ 639 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2010 đến 2014 luôn thua lỗ. Lỗ lũy kế đến cuối năm 2014 là 486 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu chỉ còn 153 tỷ đồng. Năm 2015, công ty đã bắt đầu kinh doanh có lãi, bù một phần lỗ lũy kế nhưng vẫn rất khó khăn và mất cân đối do lỗ lũy kế đến cuối năm 2016 vẫn là 430 tỷ đồng.