Vẫn chật vật sống với mức lương thấp
Chị Nguyễn Thị Hương (32 tuổi, quê ở Yên Thành, Nghệ An), cùng chồng và đứa con 8 tháng tuổi sống trong căn phòng trọ chỉ rộng khoảng 12m2, ở thôn Bâu, xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội). Căn phòng của chị Hương cũng như bao phòng khác của các công nhân cùng khu, tối giản đồ dùng, vừa tiết kiệm tiền vừa tiết kiệm không gian. Vật dụng giá trị nhất là chiếc xe máy cũ, tủ lạnh cũ, bếp ga và quạt điện.
Chị Hương làm công nhân Cty TNHH Nissei Electric Hà Nội (khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) đã được 5 năm, hiện mức lương của chị chỉ gần 4 triệu đồng/tháng (tương đương mức lương tối thiểu). Thêm tăng ca và một số khoản phụ cấp cũng được 5 triệu đồng/tháng. Chồng chị cũng là công nhân cùng khu công nghiệp, lương chồng chị cao hơn chị nhờ tăng ca nhiều hơn. Tổng thu nhập 2 vợ chồng chị Hương chỉ khoảng 12-13 triệu đồng/tháng. Phải tằn tiện lắm, anh chị mới trang trải đủ cuộc sống hằng ngày.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, đại diện NLĐ) cho biết, năm 2019 vẫn tiếp tục tăng lương tối thiểu vùng. Theo ông Chính, hiện tiền lương tối thiểu vẫn chưa đáp ứng đủ mức sống tối thiểu theo quy định của Bộ Luật Lao động, nên vẫn phải tăng. Tuy nhiên, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ chờ Đề án cải cách tiền lương được Trung ương thông qua tháng 5 tới, sau đó mới đưa ra họp bàn chuyện tăng lương cho năm sau.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI (kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, đại diện giới chủ sử dụng lao động) cũng cho hay, lương tối thiểu năm sau vẫn tăng.
Sửa đổi tiêu chí để giảm tranh luận
Theo Bộ luật lao động hiện hành, tiền lương tối thiểu phải bảo đảm “nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”. Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, việc xác định nhu cầu sống tối thiểu rất khó định lượng, vì mỗi người một nhu cầu khác nhau, vì vậy mỗi đơn vị khảo sát lại cho kết quả khác nhau.
Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất sửa đổi quy định hiện hành theo hướng thay vì đáp ứng “nhu cầu sống tối thiểu”, đổi thành “mức sống tối thiểu” và có các tiêu chí rõ ràng để xác định (như mức tiền lương phổ biến trên thị trường, chi phí sinh hoạt, khả năng chi trả của người sử dụng lao động, điều kiện kinh tế - xã hội, năng suất lao động…). “Đây là một đề xuất thay đổi chính sách và dự đoán sẽ có tác động lớn đến kinh tế và xã hội”, đơn vị đề xuất đánh giá.
Bộ LĐ-TB&XH tính toán, nếu thay đổi quy định theo đề xuất trên, chi phí trả lương sẽ tăng hơn 52% so với hiện nay. Trong đó doanh nghiệp phải trả thêm hơn 54.148 tỷ đồng/năm, Nhà nước phải chi thêm hơn 13.738 tỷ đồng/năm. “Tỷ lệ tăng trên rất lớn, sẽ tạo gánh nặng lớn cho doanh nghiệp và ngân sách Nhà nước”, đơn vị soạn thảo nhận định. Tuy vậy, Bộ LĐ-TB&XH vẫn nghiêng về lựa chọn phương án này, vì những yếu tố tính tiền lương rõ ràng và công bằng hơn với cả người lao động và người sử dụng lao động.
Ông Hoàng Quang Phòng nêu quan điểm, việc tăng lương sẽ khiến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam giảm đi, nhưng bù lại tiến trình hội nhập và cắt giảm thuế xuất – nhập khẩu của Việt Nam vẫn giúp môi trường đầu tư hấp dẫn. Cùng đó, người lao động cũng cần được trả công đủ sống để tái tạo sức lao động. Vị đại diện giới chủ sử dụng lao động thừa nhận, mức lương tối thiểu hiện mới đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sống tối thiểu. Nhưng phần còn lại, theo ông Phòng, nên xem là dư địa để người lao động và doanh nghiệp cùng phấn đấu, xem như khoản thưởng, thu nhập tăng thêm… “Tiền lương cần hài hòa lợi ích của cả người sử dụng và người lao động”, ông Phòng nói.
Khảo sát với 1.600 người lao động tại 60 công ty do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện năm 2015 cho kết quả: Có tới 20% lao động trả lời thu nhập không thể đủ sống; 31% phải chi tiêu rất đạm bạc và tiết kiệm.