Kết quả nghiên cứu trong ấn phẩm Đánh giá kinh tế Việt Nam 2018 của các chuyên gia thuộc trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng ngay sau khi giá xăng dầu tăng khoảng 0,18%. Ngoài ra, giá xăng dầu tăng khiến chi phí trung gian của nền kinh tế tăng 0,39%, tỷ lệ chi phí trung gian trên giá trị sản xuất tăng lên 0,1 điểm phần trăm. Từ đó dẫn đến chỉ số giá bán cho người mua tăng 0,25%.
Ảnh hưởng trực tiếp của giá xăng đến tiêu dùng cuối cùng của dân cư khiến CPI của 3 tháng sau ước tính sẽ tăng 0,22%. CPI tăng ở chu kỳ sản xuất sau thông qua quá trình sản xuất là 0,25%. Như vậy, ở ngay chu kỳ sản xuất tiếp theo, CPI có thể tăng 0,47%.
Kết quả tính toán trong nghiên cứu cũng cho thấy, có những nhóm ngành bị ảnh hưởng mạnh và ngay lập tức. Cũng có những nhóm ngành ít bị ảnh hưởng ngay từ đầu, nhưng lại chịu ảnh hưởng nhiều ở những vòng sau.
5 nhóm ngành chịu tác động trực tiếp và mạnh từ việc tăng giá xăng gồm: Dịch vụ vận chuyển, lưu trữ và bưu chính; Dịch vụ lưu trú và ăn uống; Thủy sản; Dịch vụ khí đốt, cấp thoát nước, xử lý nước thải và chất thải và Dịch vụ vận tải, kho bãi.
5 nhóm ngành chịu tác động từ vòng sau gồm: Sản phẩm kim loại; Sản xuất thực phẩm đồ uống và thuốc lá; Sản phẩm hóa chất, cao su, nhựa, thuốc, hóa và dược liệu, khoáng phi kim loại; Sản xuất xe có động cơ, rơ mooc và khai khoáng. Đây là những nhóm ngành sử dụng sản phẩm đầu vào từ ngành khác nhiều, nên tác động của việc tăng giá sẽ có độ trễ.