Bộ Giao thông 'biến tấu' tiếng Việt để lảng tránh trách nhiệm?

TPO - Sau khi nghiên cứu và đưa ra cụm từ vô nghĩa với tiếng Việt là “trạm thu giá”, ngành giao thông tiếp tục gây chú ý với khả năng “biến tấu” tiếng Việt của mình khi chuyển từ “chậm, huỷ chuyến bay” sang “bay chưa đúng giờ”.

Cho rằng để theo xu hướng thế thế giới, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) đã sử dụng thuật ngữ “bay chưa đúng giờ” để thay cho cụm từ “chậm, huỷ chuyến bay” trong các báo cáo về tình hình khai thác các chuyến bay. 

Lãnh đạo Cục Hàng không lý giải, thay đổi trên nhằm hướng tới mục tiêu để các dịch vụ hậu cần kỹ thuật phục vụ hành khách tốt hơn, hướng tới các chuyến “bay đúng giờ” (on-time performance), cục không dùng cụm từ “chậm, huỷ chuyến” (delay, cancel) nữa.

Cục Hàng không lập luận, việc thay đổi cách gọi không làm thay đổi bản chất của vấn đề, chậm vẫn là chậm, huỷ vẫn là huỷ. Và việc dùng chậm, huỷ chuyến bay mãi sẽ cảm thấy u ám, việc này cũng phù hợp xu hướng thế giới.

Trong khi việc thay đổi “trạm thu phí” sang “trạm thu giá”, Bộ GTVT còn có chút căn cứ là theo Thông tư 46/2016, còn “bay chưa đúng giờ” không hề có quy định nào của Việt Nam đề cập tới. Vì theo Thông tư 27/2017 của Bộ GTVT vẫn dùng thuật ngữ là “chậm, huỷ chuyến”.

Nếu chiếu theo quy định, việc chậm, huỷ chuyến bay của các hãng có thể bị xử phạt, buộc bồi thường cho hành khách. Còn nếu nói “bay chưa đúng giờ”, thì không có chế tài nào xử lý, do các văn bản quy phạm pháp luật không hề có cụm từ này.

Một số chuyên gia cho rằng, việc thay đổi cách gọi việc chậm, huỷ chuyến bay trong các báo của Cục Hàng không không chỉ giảm u ám, còn có cả việc giảm trách nhiệm với hành khách.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, Cục Hàng không và các hãng hàng không nên nhìn thẳng vào sự thật, đúng bản chất vấn đề, thay vì “biến tấu” ngôn ngữ để lảng tránh trách nhiệm, giảm sự nghiêm trọng của vấn đề.

Trong khi đó, với trách nhiệm của cơ quan quản lý, trước tiên phải áp dụng đúng quy định của pháp luật, thay vì tìm cách để lảng tránh.

Theo thống kê của Cục Hàng không, hết quý I/2018, Jetstar Pacific có đến 1.898 chuyến bay chậm giờ (chiếm 21,1% số chuyến bay).

Vietjet Air có 4.844 chuyến chậm giờ (bằng 16,6% tổng chuyến bay). 

Vietnam Airlines có 3.183 chuyến bị chậm giờ (bằng 9,8% tổng số chuyến bay).

Về huỷ chuyến, Jetstar Pacific huỷ 60 chuyến, Vietnam Airlines huỷ 52 chuyến, Vietjet Air huỷ 28 chuyến.

MỚI - NÓNG
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
TP - Mùa giáng sinh rộn ràng khắp phố phường với những cây thông được trang hoàng rực rỡ, tuy nhìn vào “thực đơn” món ăn tinh thần vẫn loanh quanh những sản phẩm nhuốm màu năm tháng. Từ phim ảnh đến âm nhạc đều mang màu sắc hoài niệm.