Phải phạt nặng lỗi chậm, hủy chuyến bay

Phải phạt nặng lỗi chậm, hủy chuyến bay
TP - “Hoãn, hủy chuyến bay do lỗi chủ quan thì phải phạt thật mạnh, chứ cứ để tình trạng một anh bay chậm, huỷ chuyến rồi làm dồn toa, khiến nhiều hãng bị ảnh hưởng theo là không được”, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nói.

Vietjet, Jetstar chậm, hủy chuyến hơn 30%

Ngày 16/8, Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra 3 tổng công ty thuộc ngành hàng không, gồm: Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines-VNA), Quản lý bay Việt Nam và Cảng Hàng không Việt Nam (ACV). Tại cuộc kiểm tra, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, việc hàng không giá rẻ bùng nổ, tăng nhanh khiến cho các sân bay quá tải. Điều này cũng kéo theo tình trạng hoãn, hủy, chậm chuyến bay. “Hoãn, hủy chuyến bay do lỗi chủ quan thì phải phạt thật mạnh, chứ nếu để một hãng bay chậm rồi làm dồn toa, khiến nhiều hãng chậm theo là không được”, ông Thiên nói.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng than: “Chúng ta delay (hoãn, chậm) nhiều lắm, delay vài tiếng là chuyện bình thường. Chuyến bay có lãnh đạo đi không delay đâu, nhưng người dân thì delay nhiều lắm”. Ông Dũng cũng chất vấn đại diện Bộ GTVT rằng, tại sao Vietjet chậm chuyến bay nhiều, ảnh hưởng đến tần suất của VNA nhưng sao Bộ GTVT không xử lý?

Giải trình vấn đề trên, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch ACV, cho biết, trong các nguyên nhân gây chậm, hủy chuyến bay, trên 60% là do máy bay về muộn. Trong hoạt động hàng không, vấn đề điều hành bay, phục vụ mặt đất và kết cấu hạ tầng là dịch vụ cung cấp chung và giống nhau đối với tất cả các hãng nhưng tỉ lệ chậm, hủy chuyến của mỗi hãng lại rất khác nhau.

Cụ thể, ông Thanh cho biết, tỉ lệ chậm, hủy chuyến của VNA là 11-13% nhưng của Vietjet và Jetstar lại rất cao, lên đến hơn 30%. Điều này chứng tỏ nguyên nhân chậm, hủy chuyến là do năng lực vận hành của các hãng mà trực tiếp là sắp xếp, tính toán kế hoạch khai thác máy bay. Nếu đặt kế hoạch khai thác máy bay dày quá, khi có ảnh hưởng là sẽ gây phản ứng chậm dây chuyền đến hàng loạt chuyến bay khác.

Phải phạt nặng lỗi chậm, hủy chuyến bay ảnh 1 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với các đơn vị hàng không.

Đừng đổ hết cho hạ tầng

Đề cập tần suất bay, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị hàng không báo cáo về nâng tần suất cất, hạ cánh. Nhiều sân bay quốc tế có tần suất cất, hạ cánh khoảng 2 phút/chuyến, thậm chí 1 phút/chuyến, trong khi tại các sân bay Việt Nam khoảng 5-7 phút/chuyến. “Tần suất này tương đối thấp, do quản trị, điều hành hay hạ tầng? Chúng ta hay nói đổ hết cho hạ tầng, không nói đến con người? Thủ tướng nói hãy hỏi lại các anh xem do hạ tầng hay con người? Liệu có thể nâng gấp đôi công suất gần 25 triệu khách mỗi năm của Tân Sơn Nhất không khi chúng ta chưa thể nâng cấp sân bay này và chưa xây dựng xong sân bay Long Thành?”, tổ trưởng Tổ công tác nêu vấn đề.

Giải trình về nội dung trên, ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty Quản lý bay (VATM) nói rằng, thông tin tần suất cất/ hạ cánh ở Tân Sơn Nhất 5-7 phút/chuyến như thông tin của các chuyên gia kinh tế cũng như cơ quan điều hành hiện nay đưa ra là không chính xác. VATM đang điều hành ở Tân Sơn Nhất đã 42 chuyến/giờ, tức là 1,5 phút/chuyến. Giờ cao điểm điều hành 48 chuyến/giờ; tại Nội Bài là 35 chuyến/giờ, tương ứng với gần 2 phút/chuyến. Mục tiêu không giảm ngay xuống 1 phút được mà sẽ tiến dần đến 1 phút.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, cần tính toán lại con số này xem đã chính xác chưa vì “cả nước nói” chứ không chỉ một vài người. Nếu cần thiết, phải có chính sách giãn giờ bay của các hãng hàng không, tránh tình trạng dồn vào giờ cao điểm. Đồng thời, các hãng phải nghiêm túc thực hiện quy định về bố trí máy bay dự phòng để giảm thiểu tác động dây chuyền khi chậm, hủy chuyến bay.

Về chủ trương xã hội hóa hạ tầng hàng không, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương- thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, cho rằng có lĩnh vực như quản lý bay, cảng hàng không vẫn độc quyền là nguyên nhân khiến lợi nhuận của ngành chưa cao. Cần đẩy mạnh cổ phần hoá, mở nhiều kênh cho các thành phần kinh tế khác tham gia như để tư nhân xây dựng sân bay.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Thiên gợi ý là tại sao không nghiên cứu chuyển sân bay Biên Hòa cho hàng không giá rẻ. “Nếu chuyển sân bay này cho tư nhân làm thì chúng ta vừa có thêm được một sân bay mới mà lại “giải cứu” được cho sân bay Tân Sơn Nhất, chứ đợi sân bay Long Thành thì còn rất lâu” ông Thiên nói.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu các đơn vị hàng không báo cáo, giải trình là tình trạng hủy, hoãn chuyến bay. “Trong 7 tháng qua, tỷ lệ đúng giờ của VNA có tăng mạnh so với năm trước, nhưng số chuyến bay bị hủy, hoãn của các hãng hàng không giá rẻ khác còn nhiều, do hạ tầng hay kỹ thuật, thiết bị”, ông Dũng nêu câu hỏi.

MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.