Kinh tế Việt Nam 2023: Vượt sóng gió, chờ cơ bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
TP - Năm 2023, nền kinh tế Việt Nam đã phải trải qua nhiều biến cố, thăng trầm. Theo đó, một bộ phận lớn doanh nghiệp rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn thậm chí phải xoay xở để tránh đứng trước nguy cơ phá sản. Rất nhiều chỉ số chung của nền kinh tế sụt giảm thê thảm. “Giải cứu” con thuyền kinh tế vượt qua cơn bão suy thoái trở thành yêu cầu cấp bách trong điều hành kinh tế đất nước!

Bão kinh tế nổi lên

Đại dịch COVID-19 đi qua để lại hệ luỵ nhất định cho nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Lạm phát thế giới không ngừng tăng, Ngân hàng Trung ương các nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh Nga - Ukraine khiến một bộ phận lớn người dân trên thế giới đều phải cắt giảm chi tiêu, doanh nghiệp khoanh vùng dừng lại các chiến lược mở rộng thị phần.

Tại Việt Nam, như một hiệu ứng “domino”, các hệ lụy liên thông với thế giới bắt đầu tác động ngay từ quý 1/2023 qua việc các đơn hàng xuất khẩu sụt giảm nghiêm trọng. Cao điểm có doanh nghiệp giảm 50- 70% đơn hàng, còn bình quân tùy thời điểm mức sụt giảm rơi vào từ 35-40%. Đi cùng, doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động việc làm, đặc biệt tại các khối gia công phụ trợ. Hàng vạn lao động mất việc, công nhân thất nghiệp về quê kéo theo cảnh nhà trọ bỏ hoang, chợ đầu mối, chợ dân sinh lập tức sức mua sụt giảm.

Từng có lúc, bảo hiểm xã hội chứng kiến cảnh người lao động ồ ạt xin rút bảo hiểm xã hội một lần. Con số hơn 500 ngàn người mất việc, thất nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 được xem là chưa nói hết. Thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng số lao động mất việc đã lên tới ngót cả triệu vì nhiều người trong số đó là lao động hợp đồng, thời vụ, chưa đóng bảo hiểm. Thậm chí, nhiều cá nhân, người lao động buộc phải rút bảo hiểm một lần từ bỏ sau lương hưu 10-15 năm đóng bảo hiểm chỉ vì một lí do đơn giản: họ cần một khoản vốn nhỏ để mưu sinh. Chị Hằng một lao động tại Đồng Nai đã chia sẻ: “Hai vợ chồng tôi quyết định rút tiền BHXH một lần để được món hơn 70 triệu đồng. Số tiền này, chúng tôi sẽ mang về quê (Nghệ An) làm vốn để mở một cửa hàng tạp hoá nhỏ, sống tại quê nhà”. (trích báo- PV).

Kinh tế Việt Nam 2023: Vượt sóng gió, chờ cơ bứt phá ảnh 1

Nền kinh tế khát vốn nhưng không hấp thụ được vốn

Kinh tế Việt Nam 2023: Vượt sóng gió, chờ cơ bứt phá ảnh 2

Thị trường tiền tệ đi qua một năm nhiều biến động khó khăn

6 tháng đầu năm 2023, bức tranh kinh tế đậm gam màu xám. Tăng trưởng GDP nửa đầu năm 2023 của cả nước chỉ đạt 3,72%, là mức tăng trưởng trong 6 tháng thấp thứ hai trong vòng một thập kỷ qua. Thị trường bảo hiểm sau những lùm xùm mất niềm tin, tăng trưởng âm tới 33%. Tín dụng ngân hàng cũng “đèn đỏ” xuống đáy thấp nhất 10 năm qua. Đơn hàng trong nước sụt giảm mạnh, xuất khẩu các ngành gia công phụ trợ gặp khó, tất cả như những con sóng bạc đầu thi nhau dội vào “con thuyền kinh tế Việt”.

Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam diễn ra ngày 28/9, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Nguyễn Văn Thân đơn cử: tính chung 6 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 100 nghìn doanh nghiệp, tức bình quân một tháng có 16,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 18,2% so với cùng kỳ. “Nhìn vào các con số trên có thể thấy, mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động nhiều hơn không đáng kể so với số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường, nhưng xu hướng phát triển của doanh nghiệp (tính theo số lượng) đang đảo chiều so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Thân nói.

“Cục nợ” bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp ghìm chân

Từ cuối năm 2022, cả xã hội đã chứng kiến tiếng kêu than vì khát vốn của hàng trăm doanh nghiệp bất động sản. Nhưng sang đến quý 1 năm 2023, cơn khát tiền mới ngấm mạnh. Không chỉ ngưng trệ không hoạt động, bất động sản rơi vào hoảng loạn và… tê liệt. Hàng ngàn dự án bất động sản trên cả nước án binh bất động, những đại công trường của các thành phố trong mơ, khu nghỉ dưỡng bậc nhất, thiên đường đầu tư trở nên ngột ngạt bởi bầu không khí thiếu tiền (giống như một cơ thể thiếu ô xy). Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Hiệp hội bất động sản TPHCM, các doanh nghiệp bất động sản hàng đầu về xây khu đô thị, nghỉ dưỡng từ Bắc chí Nam, tất cả đều lên tiếng khẩn đề nghị Chính phủ hỗ trợ gấp về chính sách, cơ chế và đặc biệt về dòng vốn.

Kinh tế Việt Nam 2023: Vượt sóng gió, chờ cơ bứt phá ảnh 3

Kinh tế Việt Nam 2023 gặp phải không ít sóng gió đến từ thị trường BĐS, chứng khoán và TPDN

Van tín dụng ngân hàng từ cuối 2022 đã ngắt với lí do hệ số vay nợ của các DN bất động sản đã lên quá cao, tổng số trái phiếu doanh nghiệp các đơn vị này phát hành cũng lên tới hàng trăm ngàn tỷ, vượt tầm kiểm soát, nợ xấu ngân hàng có nguy cơ “dềnh” lên. Liên tiếp Chính phủ phải triệu tập các cuộc họp khẩn với Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thành lập các đoàn thị sát vào tận phía Nam, xuống các dự án khảo sát làm việc với doanh nghiệp để tiến hành các biện pháp giải cứu. Trên thị trường, nhà đầu tư bất động sản khóc ròng khi ngân hàng đột ngột ngắt vốn vay khiến nhiều người rơi vào tình cảnh khốn đốn vì xoay xở tiền đóng (Lí do bởi các chủ đầu tư không có tiền trả lãi thậm chí, không còn tiền trả lương người lao động, duy trì doanh nghiệp).

Những con số thông báo cắt giảm cùng lúc từ 1-2 ngàn nhân sự của các tập đoàn bất động sản khiến người ta không khỏi… rùng mình. Bởi đứng đằng sau đó là số phận của hàng chục ngàn con người, hàng ngàn gia đình Việt. Dẫu vậy, tất cả từ cơ quan quản lý, chủ đầu tư tới doanh nghiệp đều thừa nhận: giá bất động sản quá cao, ảo và chênh quá mức so với giá trị thực. “Để cứu người và cứu mình, chỉ còn một cách duy nhất: bất động sản buộc phải giảm giá thật nhanh, thật mạnh” - các chuyên gia khi đó kết luận.

Ai cũng biết hệ lụy phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cao đến từ thời kỳ cả nước đang sống trong cuộc vật lộn chống chọi với đại dịch COVID-19 năm 2020 - 2021. Khi ấy, đứt gãy chuỗi cung ứng, đứt gãy đơn hàng, tiền trong ngân hàng dư thừa, cộng với lãi suất huy động cho vay chạm đáy, khiến nhiều cá nhân, tổ chức đã “nảy lòng” tham tìm cách kiếm tiền, kiếm vốn thông qua kênh phát hành trái phiếu. Sự lỏng lẻo trong quản lý, trong điều tiết con số TPDN phát hành chính đã giúp các doanh nghiệp khi đó tranh thủ phát hành hàng ngàn, chục ngàn tỷ trái phiếu để huy động vốn. Trên thị trường, nhà đầu tư hoặc bầy đàn, hoặc nhìn thấy lợi nhuận cao nên ham thế là từ chứng khoán đến bất động sản, TPDN cứ có tiền là nhảy vào đầu tư, đầu cơ mạnh. Thời điểm 2022, tiền ngân hàng bị rút ồ ạt để đổ vào chứng khoán. Để đến sang đầu năm 2023, khi tất cả ngưng trệ, rất nhiều ca “đột tử” chứng trường, trái phiếu mới bắt đầu lộ diện. Cho nên, việc gỡ khó cho thị trường bất động sản, thị trường TPDN từng có lúc đã trở thành “điệp vụ bất khả thi” đối với Chính phủ và nền kinh tế!

“Nền kinh tế khát vốn nhưng không hấp thụ được vốn; nhiều doanh nghiệp “đói vốn” nhưng lâm vào tình thế “không thể, không dám và không cần” vay vốn, tùy theo hoàn cảnh mỗi doanh nghiệp. Đây thực sự là một nghịch cảnh phát triển”.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện kinh tế Việt Nam

Cảnh báo về rủi ro trên thị trường tài chính, TS Trương Văn Phước, nguyên Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cho rằng: “Các cơ quản quản lý nhà nước cần được tăng cường năng lực thanh tra và giám sát đặt trong tổng thể một hệ thống giám sát dựa trên rủi ro, cảnh báo sớm rủi ro, cơ chế xử lý khủng hoảng hệ thống và xử lý các định chế tài chính tiềm ẩn rủi ro cao nhằm bảo vệ sự an toàn của hệ thống tài chính”.

Chống chọi và hành động

Năm 2023 có thể xem là năm sóng gió của thị trường tiền tệ. Thời điểm đi qua quý đầu năm, giới tài chính am hiểu có lúc còn rỉ tai nhau bảo: cảm giác như tất cả đang “sống” lại bầu không khí căng thẳng hệt quãng hơn 10 năm về trước. Bên ngoài, sức ép lạm phát nhập khẩu, sức ép thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương các nước dội vào. Trong nội tại, ấy là câu chuyện sự đổ vỡ hệ lụy của TPDN, của việc phải tạm khoanh hoạt động của ngân hàng SCB, đi kèm quả bóng bất động sản xì hơi liên tục khiến NHNN phải “chiến đấu” với các cuộc họp khẩn từ sáng sớm, chiều muộn, tới tối khuya. Chia sẻ với Tiền Phong đúng chiều ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nói với tâm trạng vừa căng thẳng vừa lo âu. “Chưa bao giờ, điều hành chính sách tiền tệ lại khó như hiện tại, vừa phải chống đỡ với lạm phát bên ngoài, vừa lo nội tại bên trong cái yếu của thị trường”- Thống đốc Hồng cho biết.

Bệnh nan muốn cứu cũng phải có lộ trình và phác đồ chuẩn! Đầu tiên là ngành ngân hàng thực hiện chủ trương của Chính phủ cấp cứu hàng ngàn doanh nghiệp đang sắp ngạt vì đói vốn, khan vốn và tê liệt đơn hàng. Với bất động sản, hàng loạt biện pháp khẩn được đưa ra như hoãn giãn nợ qua thông tư 02,03 của NHNN, đàm phán với nhà đầu tư giãn thời gian trả lãi, nợ gốc TPDN cho các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành, tìm cách bơm vốn tín dụng cho các dự án đủ tính pháp lý nhưng đang dang dở để thúc bán hàng nhanh. Bên cạnh, cũng ép các nhà phát triển thị trường phải hạ giá, bớt lãi để tự cứu mình trước khi tự chết.

Cũng để cứu thị trường, đồng bộ các giải pháp được đưa ra như cho phép ngân hàng thương mại nới room mở rộng cho vay dự án nhà ở xã hội, tìm cách gỡ khó cho ngân hàng được mua lại nợ TPDN đã phát hành, thậm chí được mua cho vay lại nợ của ngân hàng này với ngân hàng khác với lãi suất cạnh tranh (Thông tư 06 của NHNN). Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2023, NHNN đã 4 lần hạ lãi suất điều hành, sử dụng các công cụ biện pháp tiền tệ mạnh tay (kể cả mệnh lệnh hành chính) để ép các NHTM buộc phải hạ lãi suất huy động tiến đến hạ lãi suất vay. Và không ai ngờ, sau một thời gian đứng ở mức huy động cao khủng khiếp lên tới 12,5-12,8% cho kỳ hạn 6 tháng, lãi suất sang đến quý 3/2023 đã dịu lại. Mức cho vay từ 15-16%/năm cũng được kéo xuống còn hơn nửa.

Theo báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2023, WB dự báo GDP của Việt Nam tăng 6,0% trong năm 2023. Mặc dù lĩnh vực du lịch tiếp tục phục hồi (nhờ du khách Trung Quốc dần quay lại với đóng góp khoảng 30% tổng lượt du khách đến Việt Nam trước đại dịch), tăng trưởng của khu vực dịch vụ sẽ chững lại do hiệu ứng xuất phát điểm thấp sau dịch Covid-19 yếu đi.

Dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á, tăng trưởng của Việt Nam bị hạn chế phần nào do suy thoái toàn cầu, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt và tác động lan tỏa từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Đầu tư công sẽ là động lực chính để phục hồi và tăng trưởng kinh tế vào năm 2023. Trong tương lai, Việt Nam cần tiếp tục cải cách để tài chính bền vững hơn, giảm đáng kể sự phụ thuộc vào các nguồn thu không bền vững như đất đai và dầu mỏ. Chính sách cắt giảm lãi suất khiến Việt Nam trở thành nền kinh tế đầu tiên ở Đông Nam Á nới lỏng chính sách tiền tệ…

“Bằng mọi giá các ngân hàng phải kéo lãi suất cho vay xuống, cấm đi đêm với khách, sẽ thanh tra, ngắt van room tín dụng nếu ngân hàng nào vi phạm”- Thông điệp được ban ra với quyết tâm từ Chính phủ, từ ngành. Thậm chí có lần trong cuộc họp có báo giới, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú còn phải dõng dạc điểm tên các ngân hàng vi phạm bị NHNN thanh tra ra đến mức truyền thông các nhà băng này phải cuống quýt liên hệ với phóng viên, cơ quan báo chí, xin gỡ tên.

Cập bến GDP 6% và kỳ vọng

Năm 2023 những kiến nghị về thị trường, chính sách của các hiệp hội, ngành nghề với thông điệp “cứu khẩn” tới tấp gửi lên Chính phủ, Quốc hội, bộ ngành. Từ đó, kéo theo các cuộc họp, các đoàn kiểm tra thị sát tỉnh thành đi thực tế với tần suất dày đặc. Liên tiếp các đoàn “giải cứu” đổ bộ vào phía Nam, lắng nghe doanh nghiệp kiến nghị, xem xét thực trạng để rồi từ đó đem về mổ xẻ, xem xét giải pháp thực thi.

Cung tiền ra thị trường, bất động sản cựa quậy, chứng khoán hồi phục nhẹ. Nhưng hơn cả, mong muốn từ Chính phủ, đó là cần vốn đáp ứng cho nhu cầu sản xuất. Theo đó, hàng trăm gói vay cả trăm ngàn tỷ lãi suất thấp, hàng loạt cuộc đối thoại được mở ra tại các tỉnh thành, tất cả những cơ chế tốt nhất đều sẵn sàng dành cho doanh nghiệp. Nhưng cũng đáng tiếc khi sức hấp thụ vốn của nền kinh tế không đáp ứng ngay được, nhiều doanh nghiệp đang ngày một yếu.

Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê chỉ ra: Các doanh nghiệp Việt Nam đang đối diện với những thách thức to lớn. Trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường là 149,4 nghìn doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp thành lập mới đạt 103.658 doanh nghiệp. Đáng chú ý số doanh nghiệp ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường tăng đến 15,6% so với 8 tháng đầu năm 2022 lên tới 124,7 nghìn doanh nghiệp. Con số 8 tháng của năm 2023 đã cao hơn tổng số doanh nghiệp rời khỏi thị trường cả năm của các năm từ 2018 đến 2021, gần bằng giá trị của cả năm 2022. Đây là một chỉ báo quan trọng cho thấy “sức khỏe” của khu vực doanh nghiệp đáng báo động.

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam ngày 28/9 vừa qua, PGS.TS Trần Đình Thiên đã thốt lên: “Mức tăng trưởng tín dụng và giải ngân vốn đầu tư công thấp thực sự là điều gây bất ngờ trong bối cảnh đa số doanh nghiệp đang “đói vốn, khát vốn”. Nó càng khó ngờ khi trong mấy tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã nỗ lực đưa ra nhiều chính sách và giải pháp mạnh hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp thoát khỏi tình thế khó khăn”. Cộng lực với Chính phủ, theo ông Thiên hệ thống ngân hàng cũng làm điều “chưa từng thấy”: 4 lần hạ lãi suất, áp dụng nhiều giải pháp nới lỏng điều kiện vay vốn, cho dù áp lực nợ xấu, lạm phát, tỷ giá hối đoái và cả áp lực “phải đẩy mạnh cho vay tiếp tục tăng”.

Phải làm gì để chúng ta có thể tăng cường năng lực nội sinh?

TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XII và XIII cho rằng: điều Việt Nam cần làm ngay đó là phải kiến tạo các động lực thúc đẩy việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh về thể chế, hệ thống quản trị công; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. “Đặc biệt, phải xây dựng lực lượng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt lớn mạnh; khẳng định vai trò chủ đạo trong quá trình xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ”, Ông Lịch nói.

Cùng lúc này, tại nhiều lĩnh vực, ngành nghề kinh tế khác, các nỗ lực đang được chung tay. Với doanh nghiệp xuất khẩu ùn ứ hàng tồn kho, các hiệp hội ngành nghề phải tự đôn đáo, tìm cách gỡ khó bằng việc “đẩy” sang kênh nội địa tiêu thụ thị trường trong nước hoặc nữa, tìm kiếm mở rộng các thị trường xuất khẩu mới. Trong lúc đó, để hỗ trợ nền kinh tế, các chính sách tài khoá cũng phải hà hơi thổi ngạt thật mau bằng hỗ trợ giảm thuế VAT, hỗ trợ thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp.

Có hay không hy vọng về một nền kinh tế sẽ sớm khởi sắc trở lại và… bứt phá? Theo các chuyên gia, những tín hiệu giữa quý 3 như đơn hàng xuất khẩu đã bắt đầu quay trở lại, xuất khẩu gạo Việt Nam tăng đột biến, doanh nghiệp FDI lớn rục rịch tuyển lao động. Đi kèm các động lực tăng trưởng vốn luôn được kỳ vọng như giải ngân qua đầu tư công, du lịch, xuất khẩu đã hồi sinh mạnh mẽ và đạt những tín hiệu rất khả quan, kéo đoàn tàu tăng trưởng GDP 8 tháng vọt lên mức 5,33%. Từ đó, kéo theo khả năng con tàu kinh tế 2023 sẽ về bờ, cập bến an toàn - cán đích GDP khoảng 6% - mức tăng trưởng nằm trong kịch bản.

MỚI - NÓNG