Giấc mơ của 'Vua cá chẽm'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong khi mọi người đổ xô nuôi tôm và cá tra thì Võ Điền Trung Dũng lại đầu tư nuôi cá chẽm với diện tích lớn trong con mắt tò mò nghi hoặc của cả một vùng quê. Rồi dần dà, diện tích mở rộng và sản phẩm được xuất khẩu đi các nước, phong trào nuôi cá chẽm ở Trần Đề ngày một khởi sắc.

Thoát khỏi lối mòn

Võ Điền Trung Dũng là một chàng trai “dám nghĩ dám làm” ở xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, Sóc Trăng. Anh là người đầu tiên biến công việc nuôi cá chẽm mới mẻ thành một ngành mũi nhọn ở vùng đất Trần Đề.

Trung Dũng nói: “Trước tôi cũng có một số người nuôi cá chẽm, nhưng do diện tích nhỏ, thị trường tiêu thụ lại khó khăn nên ít ai theo đuổi tới cùng vì lợi nhuận không đáng kể. Cá chẽm, được đầu nậu mua để bán cho các nhà hàng tiệc cưới, nên lượng tiêu thụ không nhiều như tôm, cá tra”.

Trung Dũng chia sẻ: “Tôi thấy nuôi cá tra, nuôi tôm rất hấp dẫn và có lợi nhuận ổn định, song nếu ai cũng nuôi cá tra, nuôi tôm cả thì vùng quê tôi sẽ bỏ phí mất tiềm năng nuôi cá chẽm. Tôi đã mạnh dạn chuyển các ao nuôi tôm của mình sang nuôi cá chẽm công nghiệp”.

“Tiềm năng” theo Trung Dũng đó là “những khả năng chưa phát lộ mà chỉ khi nào mình thực sự lao động, làm việc thì nó mới phát lộ ra”.

Năm 2011, Trung Dũng đã chuyển 3,5 ha cánh đồng tôm của mình sang nuôi cá chẽm. Anh còn thuê thêm 10ha để mở rộng vùng nuôi.

Giấc mơ của 'Vua cá chẽm' ảnh 1

Thu hoạch cá chẽm tại Sóc Trăng Ảnh: Nguyên Anh

Sau 12 năm theo đuổi nghề nuôi cá chẽm, hiện nông trại của anh Trung Dũng là một trong những farm nuôi cá chẽm lớn nhất tỉnh Sóc Trăng và nổi tiếng trong giới nuôi cá chẽm trong cả nước. Anh được xem là một người tiên phong trong nghề nuôi cá biển và rất nhiều doanh nghiệp, ngư dân tới tham quan học tập mô hình của anh.

Chuyển đổi không khó

Anh Trung Dũng nói: “Cái khó trong chuyển đổi nuôi trồng từ tôm, cá tra sang nuôi cá chẽm chính là cái khó trong cách suy nghĩ, không dám thay đổi, ngại sự thay đổi. Còn thực tế, việc cải tạo ao nuôi tôm sang nuôi cá chẽm không có gì phức tạp. Các dây chuyền chế biến cá tra cũng dễ dàng chuyển sang chế biến cá chẽm”.

Một thói quen của người nuôi trồng thủy sản là việc cho rằng cá chẽm khó xuất khẩu hơn tôm và cá tra. Trung Dũng tiết lộ: “Thực ra cá chẽm cạnh tranh với cá Tuyết của Nga, cũng như cá tra phải cạnh tranh cá Minh Thái vậy thôi. Thị trường thế giới bao giờ cũng có sự cạnh tranh, phải chấp nhận điều đó, để đầu tư phát triển ngành cá chẽm. Cá chẽm được tiêu thụ rộng rãi trên toàn thế giới: Malaysia, Indonesia, Trung Đông, châu Âu, Mỹ, Canada… nơi nào người ta cũng ăn cá chẽm”.

Anh Trung Dũng đúc kết: “Giải quyết tốt khâu giống và nhận được sự ưu đãi về vốn nuôi cá chẽm, chắc chắn ngành nuôi và chế biến cá chẽm Việt Nam sẽ phát triển nhanh chóng, xuất khẩu tốt và dần tạo ra vị thế trên thị trường thế giới như ngành tôm và cá tra từng đạt được. Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới cá chẽm Việt Nam sẽ trở thành một thương hiệu mới của đất nước trên trường quốc tế”.

Nhờ đầu tư và đi tiên phong trong công nghệ nuôi cá chẽm, hiện trang trại của Võ Điền Trung Dũng đã nuôi và thu mua chế biến đạt 4.000 tấn cá chẽm/ năm. Trong đó, cá nuôi tại các ao trong farm đã đạt con số 2.000 tấn.

Nếu trước đây cá chẽm chủ yếu phục vụ thị trường nội địa thì khoảng 50% sản lượng cá chẽm nuôi tại farm của anh Trung Dũng đã được xuất khẩu.

Người được gọi là “ông vua cá chẽm” cho biết: “Mặc dù tiêu thụ cá chẽm trên thị trường thế giới vẫn còn khó khăn, nhưng sản phẩm của chúng tôi đã được xuất đi nhiều châu lục, đem đến những dấu hiệu lạc quan về tương lai một ngành nghề nuôi trồng mới”.

Phong trào và trăn trở

Theo “ông vua cá chẽm” thì chưa bao giờ sản phẩm cá chẽm được quan tâm như hiện nay.

Anh Trung Dũng cho biết: “Cá chẽm đang âm thầm vươn lên trở thành sản phẩm nuôi biển chủ lực của đất nước. Riêng tại tỉnh Sóc Trăng chúng tôi, sản lượng cá chẽm đã đạt khoảng 20.000 tấn/ năm, trở thành một trong địa phương dẫn đầu cả nước về nuôi cá chẽm”.

Giấc mơ của 'Vua cá chẽm' ảnh 2

Cá chẽm đang trở thành mặt hàng xuất khẩu mới Ảnh: Nguyên Anh

Tuy vậy, do ngành nuôi cá chẽm quá mới mẻ, nên chưa nhận được sự quan tâm và đầu tư tương xứng. Anh Trung Dũng nói: “Dù Sóc Trăng nuôi tới 20.000 tấn cá chẽm mỗi năm nhưng nhiều năm liền trong báo cáo tổng kết ngành thủy sản lại không có một chữ nào nhắc đến cá chẽm!”.

Theo “vua cá chẽm”, tiềm năng xuất khẩu cá chẽm rất lớn, nhiều đơn đặt hàng từ nước ngoài. Song ngành nuôi cá chẽm còn mới mẻ và phân tán nên chưa đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu số lượng lớn: “Hiện chưa có trang trại giống cá chẽm nào quy mô, hiện đại. Doanh nghiệp phải đi gom giống khắp cả nước, cá nuôi ra rất khó đồng đều về kích cỡ, sức đề kháng của cá cũng chưa tốt, do con giống chưa thuần hóa phù hợp với môi trường nuôi”.

MỚI - NÓNG