Tăng trưởng cao nhất
Trong nhiệm kỳ qua, kinh tế tỉnh Bắc Ninh đã có những bước phát triển chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng cao, bình quân đạt 15,7%/năm. Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ khi tái lập tỉnh đến nay (vượt mục tiêu đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII đề ra). Quy mô tổng sản phẩm GRDP đứng thứ 6 toàn quốc, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm 2015, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng chiếm 76,6%; GRDP bình quân đầu người đạt 5.192 USD (giá hiện hành), gấp hơn 1,5 lần mục tiêu Đại hội đề ra. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 42 triệu đồng, bình quân 2011-2015 tăng 16,3%/năm, trong đó khu vực nông thôn đạt 31,6 triệu đồng, tăng 15,8%/năm.
Cùng với việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỉnh đã quan tâm, chú trọng đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn được ban hành, đi vào cuộc sống, góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Quy mô công nghiệp cũng tăng nhanh với công nghệ ngày càng hiện đại; nền công nghiệp hỗ trợ cũng dần hình thành và có bước phát triển mạnh. Các khu, cụm công nghiệp và cụm công nghiệp làng nghề được quy hoạch, tiếp tục phát triển, trở thành động lực phát triển kinh tế. Đến nay toàn tỉnh có 9/15 khu công nghiệp tập trung của tỉnh đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy trên diện tích thu hồi đạt 79,66%.
Công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng và đô thị, quy hoạch các ngành, lĩnh vực, địa phương được quan tâm xây dựng và triển khai đồng bộ theo hướng tổ chức không gian kinh tế đô thị và phát triển đô thị theo hướng hiện đại, gắn với sinh thái, môi trường bền vững trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mặc dù chịu tác động của suy thoái kinh tế nhưng tỉnh vẫn huy động được khối lượng vốn đầu tư khá lớn cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn 5 năm 2011-2015, toàn tỉnh đã huy động được 194,3 nghìn tỷ đồng để cho phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp như: thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, tín dụng, đất đai, xây dựng, thành lập và giải thể doanh nghiệp, thủ tục đầu tư, tiếp cận điện năng, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp được Bắc Ninh đặc biệt coi trọng. Nhờ đó môi trường kinh doanh được cải thiện. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh, phát triển mạnh, đóng góp nhiều vào ngân sách của tỉnh. Bắc Ninh được đánh giá là một trong 12 tỉnh, thành phố có số thu ngân sách lớn nhất cả nước.
Bí thư Tỉnh ủy cùng Bộ trưởng cao cấp Singapore Goh Chok Tong thị sát quy hoạch KCN VSIP.
Lĩnh vực giáo dục, đào tạo cũng có sự chuyển biến về chất lượng khi Bắc Ninh luôn nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước với nhiều điểm sáng tiêu biểu. Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên của cả nước đạt chuẩn phổ cập cho trẻ mầm non 5 tuổi, là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2. Mạng lưới y tế được củng cố, phát triển và hoạt động hiệu quả hơn, chất lượng công tác khám và điều trị bệnh được nâng lên. Tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác an sinh xã hội, có một số chính sách đi trước, một số chính sách thực hiện ở mức cao hơn so với quy định của Trung ương như: hỗ trợ dạy và học nghề cho người lao động trong các doanh nghiệp và lao động đi xuất khẩu, xóa nhà tạm, nhà cấp 4 dột nát cho hộ nghèo, các gia đình có công với cách mạng.
Xây dựng đội ngũ cán bộ gương mẫu, gần dân
Từ thành công của nhiệm kỳ XVIII, Bắc Ninh đã rút ra được nhiều bài học sâu sắc cả về những tồn tại, hạn chế cũng như thế mạnh của mình để phát triển mạnh hơn nữa trong nhiệm kỳ tới. Theo đó, đảng bộ Bắc Ninh xác định, muốn phát triển trước hết phải quán triệt sâu sắc chủ trương, nghị quyết của Đảng cũng như chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời vận dụng đúng đắn, sáng tạo vào điều kiện cụ thể của địa phương. Tạo đột phá trong đổi mới tư duy lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là trong quy hoạch và xây dựng chính sách. Khi chính sách đã được ban hành thì phải thực hiện với quyết tâm chính trị cao nhất…
Trong 5 năm tới, Bắc Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân hàng năm đạt 10,5%-11,5%; trong đó công nghiệp và xây dựng tăng bình quân 11,3% - 12,6%, dịch vụ tăng 9,0% - 9,1%, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,8%... Tỉnh sẽ tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao theo hướng hiện đại, tăng hàm lượng khoa học công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa hóa trong sản phẩm. Đồng thời phát triển các khu, cụm công nghiệp hiện có theo chiều sâu và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động gắn với phát triển đô thị, nhà ở cho công nhân, công trình hạ tầng xã hội như trường học, y tế...
KCN Quế Võ.
Nhiệm kỳ tới, Bắc Ninh cũng chú trọng tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò người đứng đầu cấp ủy, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Trong đó, công tác đổi mới cán bộ được Bắc Ninh xác định là khâu đột phá trong công tác xây dựng đảng. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, gần dân, có trách nhiệm với công việc được giao, có phẩm chất đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật và năng lực hoàn thành nhiệm vụ, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức. Đồng thời, phấn đấu thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh không phải người địa phương theo quy định của Trung ương. Từng cấp ủy phải có kế hoạch cụ thể thực hiện chế độ mỗi cấp ủy viên định kỳ đi cơ sở dự sinh hoạt chi bộ, lắng nghe ý kiến của nhân dân, thực sự gần dân, hiểu dân và trọng dân...
Mặt khác, Bắc Ninh cũng tập trung đổi mới toàn diện, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Qua đó tỉnh sẽ đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng về công tác kiểm tra, giám sát để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.