Kinh tế khó khăn bởi dịch COVID-19, vì sao thu thuế vẫn tăng?

0:00 / 0:00
0:00
Hộ kinh doanh đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, khi phải đóng cửa suốt thời gian qua. Ảnh chụp tại Hà Nội.
Hộ kinh doanh đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, khi phải đóng cửa suốt thời gian qua. Ảnh chụp tại Hà Nội.
TPO - Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, số thu ngân sách nhà nước do cơ quan này quản lý tiếp tục đạt khá trong 7 tháng đầu năm, và tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước, bất chấp nền kinh tế đang ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Số tăng thu này được lý giải tới từ một số thị trường “bùng nổ” nửa đầu năm.

Theo Tổng cục Thuế, luỹ kế 7 tháng đầu năm nay, tổng thu ngân sách nhà nước do cơ quan này quản lý ước đạt trên 763.800 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu nội địa tăng trên 13%, thu từ thuế, phí nội địa tăng trên 18% so với cùng kỳ năm trước.

Cơ quan thuế lý giải, thu ngân sách 7 tháng đầu năm đạt khá chủ yếu do tăng thu đột biến từ một số nguồn như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ô tô...

Với khối ngân hàng, theo phân tích của thuế, tăng trưởng tín dụng và huy động vốn năm 2020 đạt khá, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi ở mức cao. Đồng thời, các ngân hàng tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ, như ngân hàng số, thanh toán, ngân quỹ, ủy thác, tư vấn… Trong khi đó các chi phí từ hoạt động, dự phòng rủi ro được cắt giảm. Qua đó lợi nhuận của khối ngân hàng thương mại tăng cao, tiền thuế theo đó cũng tăng. Lũy kế 7 tháng đầu năm, thu thuế từ ngân hàng tăng tới gần 73% so với cùng kỳ năm trước, tương đương tăng khoảng 6.000 tỷ đồng.

Với thị trường bất động sản, cuối năm 2020, đầu năm 2021 là đợt “sốt đất”, nhiều dự án bất động sản được chuyển nhượng, nên thuế chuyển nhượng tăng tới gần 62% so với cùng kỳ, tương đương tăng khoảng 9.500 tỷ đồng.

Ngoài ra, hoạt động sáp nhập, hợp nhất khá sôi động, đánh giá lại tài sản khi góp vốn, chuyển nhượng vốn tăng cao, nên thu thuế từ hoạt động này tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ, tương đương tăng khoảng 3.500 tỷ đồng.

Một điểm nổi bật, đó là công tác thu từ hoạt động kinh doanh chứng khoán tăng gấp 2,47 lần cùng kỳ, tương đương tăng khoảng 3.000 tỷ đồng.

Với ô tô, nhờ hiệu ứng giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước nửa cuối năm trước, đã kích thích thị trường, nay chính sách này không còn nhưng nhiều hãng xe vẫn khuyến mại giảm lệ phí trước bạ để kích cầu. Nhờ đó, thuế thu từ thị trường ô tô tăng trên 47% so với cùng kỳ, tương đương tăng khoảng 11.200 tỷ đồng...

Tuy nhiên, Tổng cục Thuế cũng nhận định, dù thu thuế vẫn tăng so với cùng kỳ, nhưng từ tháng 4 đến này, số thu tháng sau tăng thấp hơn tháng trước. Cụ thể, tháng 4 thu thuế, phí nội địa tăng gần 16% so với tháng trước đó, nhưng tháng 6 chỉ còn tăng hơn 5%, đặc biệt tháng 7 giảm trên 10%. “Điều đó cho thấy nền kinh tế đang chịu tác động mạnh từ đợt dịch COVID-19 bùng phát từ cuối tháng 4 tới nay”, cơ quan thuế nhận định, khó khăn có thể tiếp tục kéo dài tới hết năm.

Đề bù đắp hụt thu từ hoạt động kinh doanh khó khăn, Tổng cục Thuế cho biết, nửa cuối năm sẽ tập trung vào thanh kiểm tra hoạt động có nhiều rủi ro về thuế. Trong đó đặc biệt lưu tâm tới giao dịch liên quan đến thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, các giao dịch đáng ngờ… để truy thu thuế, đặc biệt là các tổ chức nước ngoài lớn như Facebook, Google, Youtube, Netflix...

MỚI - NÓNG