Bộ Tài chính nghiên cứu gói miễn, giảm 20.000 tỷ thuế cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Hỗ trợ cho DN vượt qua khó khăn thời COVID cũng là nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài
Hỗ trợ cho DN vượt qua khó khăn thời COVID cũng là nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài
TP - Bộ Tài chính đang nghiên cứu gói hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thông qua giảm thuế, giảm tiền thuê đất. Tổng trị giá thuế miễn, giảm lên đến 20 nghìn tỷ đồng. Mức hỗ trợ DN được tính thông qua giảm 5 loại thuế, tiền thuê đất và tiền chậm nộp.

Giảm 30-50% tiền thuế

Ngày 2/8, ông Nguyễn Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho hay, dịch COVID-19 diễn ra đến nay đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, người dân, đặc biệt là DN nhỏ và vừa. Từ năm 2020 tới nay, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, DN. Do đó, Bộ Tài chính đang xây dựng một số giải pháp thu ngân sách nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành.

Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021, tổng số tiền thuế, phí, tiền thuê đất Chính phủ đã miễn, giảm, giãn nộp lên đến 147.300 tỷ đồng (riêng 6 tháng đầu năm nay đã miễn, giảm, gia hạn nộp khoảng 27.500 tỷ đồng). Trong đó, số tiền miễn, giảm khoảng 35.300 tỷ đồng tiền thuế, phí, tiền thuê đất.

Đại diện Bộ Tài chính cho hay, cách thức hỗ trợ DN lần này, gồm: Giảm 30% thuế thu nhập mà DN phải nộp của năm 2021 với đơn vị, tổ chức (như đã áp dụng cho thuế năm 2020); Giảm 50% số thuế phải nộp của các tháng nửa cuối năm 2021 với hộ gia đình và cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn; Giảm 30% thuế giá trị gia tăng với DN, tổ chức hoạt động trong một số nhóm lĩnh vực dịch vụ; Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong 2 năm 2020, 2021 với DN, tổ chức kinh doanh lỗ liên tục 3 năm gần nhất (2018-2020). Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng nghiên cứu trình Thủ tướng giảm tiền thuê đất năm 2021.

Theo ông Hưng, riêng gói giải pháp giảm thuế và tiền chậm nộp trên có trị giá khoảng 20 nghìn tỷ đồng (chưa bao gồm giảm tiền thuê đất). Tính chung các giải pháp về thuế, phí, tiền thuê đất đã, đang áp dụng và đề xuất trên, số tiền Chính phủ hỗ trợ kinh doanh trong năm nay khoảng 138 nghìn tỷ đồng. Trong đó, các gói chính sách đang áp dụng trị giá khoảng 118 nghìn tỷ đồng. “Số tiền thuế, tiền thuê đất, DN chậm nộp được giảm cũng gây áp lực lên cân đối ngân sách chung. Tuy nhiên, việc hỗ trợ này thể hiện sự đồng hành, quan tâm của nhà nước, nhằm hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra. Qua đó để người dân, DN tiếp tục hoạt động sản xuất và kinh doanh, đóng góp khôi phục kinh tế sau dịch bệnh, góp phần thực hiện an sinh xã hội”, ông Hưng nói.

Theo tờ trình của Bộ Tài chính về đề xuất gói hỗ trợ thuế với người dân, DN mới đây, bộ này tính toán: Nếu giảm 30% thuế thu nhập DN, Nhà nước sẽ giảm cho DN, hộ kinh doanh mức tương đương khoảng 6 nghìn tỷ đồng; Giảm 50% thuế trong nửa cuối năm cho hộ và cá nhân kinh doanh thì Chính phủ sẽ hỗ trợ họ khoảng 8,7 nghìn tỷ đồng; Giảm 30% thuế giá trị gia tăng với đơn vị hoạt động dịch vụ, DN, hộ kinh doanh sẽ được giảm mức khoảng 8,6 nghìn tỷ đồng; miễn tiền thuế chậm nộp khoảng 6 nghìn tỷ đồng; Giảm 30% tiền thuê đất sẽ giảm tương đương khoảng 700 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 30/7, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có văn bản đồng ý bổ sung các giải pháp tiếp theo để hỗ trợ người dân, DN chịu tác động của dịch COVID-19 theo đề xuất của Bộ Tài chính. Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện đề xuất các chính sách hỗ trợ, báo cáo Thủ tướng trước ngày 10/8.

Nên hỗ trợ DN chi phí chống dịch

Trao đổi với PV Tiền Phong về các đề xuất trên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, theo điều tra cuối năm trước, các nhóm giải pháp về thuế, phí, tiền thuê đất được DN đánh giá cao vì dễ tiếp cận. DN hưởng lợi từ giải pháp thuế, phí, tiền thuê đất nhiều hơn rất nhiều các giải pháp khác như giảm lãi vay, vay ưu đãi trả lương cho người lao động... “Đến thời điểm này, việc giảm thuế, phí và các khoản phải nộp cho DN là cực kỳ cần thiết, DN đang đặc biệt khó khăn. Do dịch bệnh, sản xuất bị gián đoạn, nhiều DN phải ngừng hoạt động, dẫn tới mất khách hàng, mất hợp đồng và thiệt hại kinh tế rất lớn. Nhiều DN đã ở bên bờ vực phá sản sau gần 2 năm chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng ghi nhận nỗ lực của Bộ Tài chính bổ sung giảm thuế để hỗ trợ hộ và cá nhân kinh doanh. Khu vực này hiện tại đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, khi chiếm 30% GDP, tạo ra nhiều việc làm đảm bảo an sinh xã hội, nhưng cũng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh.

Trưởng Ban pháp chế VCCI cũng đề xuất, Nhà nước nên bổ sung thêm chính sách hỗ trợ DN chi phí chống dịch, vốn rất tốn kém. Hiện, DN đang phải chi cho chống dịch như tiền xét nghiệm cho công nhân, tiền tổ chức sản xuất “3 tại chỗ”... Làm như vậy sẽ thể hiện rõ vai trò đồng hành của Nhà nước, trên nguyên tắc DN nào giữ được nhiều việc làm sẽ được hỗ trợ nhiều. “Từ kinh nghiệm đã triển khai, các chính sách hỗ trợ trước đây, các gói hỗ trợ mới cần thủ tục đơn giản, cho DN tự đối chiếu quy định để khai báo và tự thực hiện. Cơ quan Nhà nước chỉ hướng dẫn, hỗ trợ và quyết toán, tránh xin-cho”, ông Tuấn nói thêm.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cũng bày tỏ kỳ vọng trước giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng của Nhà nước. Vì theo ông Kỳ, giảm loại thuế này là hỗ trợ trực tiếp với DN đang hoạt động (đang hoạt động mới phát sinh thuế giá trị gia tăng). Đảm bảo DN còn hoạt động sẽ được nhận hỗ trợ. Tuy vậy, ông Kỳ vẫn hy vọng được giảm 50% thuế giá trị gia tăng thay vì chỉ 30% như đề xuất của Bộ Tài chính; số phải nộp còn lại Nhà nước cũng cho DN chậm nộp không tính lãi. Làm như vậy cũng giống như Nhà nước cho DN vay một khoản vay ưu đãi. “DN càng hoạt động nhiều càng được giảm nhiều thuế giá trị gia tăng và được hoãn nộp. Khoản hoãn nộp đó DN vẫn trả Nhà nước. Như vậy Nhà nước vừa không thất thu vừa nuôi dưỡng được nguồn thu”, ông Kỳ nói.

MỚI - NÓNG