Kinh tế khó khăn, băn khoăn thu phí

Kinh tế khó khăn, băn khoăn thu phí
TPO – Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định trong phiên họp chiều nay (4-3), căn cứ tình hình kinh tế còn khó khăn, hai loại phí hạn chế phương tiện mới chỉ trình lên Chính phủ, chưa có lộ trình thực hiện.

Chiều nay (3-4), Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chủ trì phiên họp giao ban báo chí về tình hình giao thông vận tải tháng ba và quý một năm 2012. Hầu hết các ý kiến đều xoáy vào việc bộ GTVT đề xuất thu phí bảo trì đường bộ, phí hạn chế phương tiện cá nhân và phí phương tiện giao thông vào trung tâm thành phố giờ cao điểm.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, do việc cung cấp thông tin đến báo chí chưa đầy đủ, kịp thời, rõ ràng nên thông tin về phí và lệ phí khi đến với nhân dân không được đầy đủ như nội dung tờ trình mà Bộ GTVT gửi Chính phủ.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, trong Luật đường bộ đề cập đến việc xây dựng Quỹ bảo trì đường bộ nhằm có nguồn kinh phí để bảo trì, sửa chữa đường. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan chưa làm kịp.

"Vừa rồi đã xây dựng đề án thu phí bảo trì đường bộ, Chính phủ đồng ý và đã ra nghị định, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 – 6 tới. Rất tiếc là trong thời điểm này, cả nền kinh tế thế giới và trong nước rất khó khăn. Quỹ bảo trì đường bộ thu vào dịp này thì cũng không được thuận cho lắm" - Bộ trưởng Thăng nói.

Mùng 1 - 6 tới, phí bảo trì đường bộ sẽ có hiệu lực
Mùng 1 - 6 tới, phí bảo trì đường bộ sẽ có hiệu lực.

Về hai loại phí hạn chế phương tiện cá nhân và phí phương tiện vào trung tâm thành phố giờ cao điểm, ông Thăng cho rằng, đều được đề xuất dựa trên những chỉ đạo của Chính phủ, nghị quyết của Quốc hội.

Bộ trưởng Thăng cũng thông tin, nghị quyết của Trung ương 4 cũng nêu rõ, thu hút các thành phần kinh tế, kể cả nhà đầu tư nước ngoài tham gia phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm lợi ích thỏa đáng của nhà đầu tư, mở rộng hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm, sửa đổi bổ sung quy định về thuế, giá, phí, lệ phí để tăng tính thương mại của dự án và sức đóng góp của người sử dụng.

"Bộ GTVT phải thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, vì vậy, Bộ đề nghị hai loại phí hạn chế phương tiện cá nhân và phí phương tiện vào trung tâm thành phố giờ cao điểm" - Ông Thăng cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ GTVT, Quốc hội tán thành chủ trương, biện pháp của Chính phủ, Bộ GTVT nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn giao thông, tạo chuyển biến rõ nét trong quản lý người và phương tiện giao thông, trong đó, có hai loại phí nói trên.

"Các giải pháp đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ 92,4%" - Bộ trưởng Thăng nói - " Cho nên về chủ trương, có thể nói Quốc hội đã đồng ý với những giải pháp đề ra của Bộ GTVT, trong đó có hai giải pháp thu phí".

Ông Thăng nói, những người đi ô tô là những người đỡ nghèo hơn
Ông Thăng nói, những người đi ô tô là những người đỡ nghèo hơn.

Tuy nhiên, ông Thăng cũng cho biết, chưa xác định thời điểm cụ thể để thu hai loại phí trên.

"Trong đề án của chúng tôi trình thì chưa có lộ trình thực hiện, cũng như thời điểm để thực hiện các loại phí này. Chúng tôi tính, trên cơ sở tình hình kinh tế năm nay khó khăn, chỉ trình các loại phí đó để báo cáo Chính phủ, Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung phí, lệ phí này vào danh mục trong pháp lệnh phí, lệ phí. Sau đó, chúng tôi sẽ căn cứ vào tình hình thực tiễn của đất nước, sẽ báo cáo Chính phủ lộ trình cụ thể để thực hiện" - Ông Thăng nói. 

Liên quan đến mức thu phí, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, hoàn toàn đồng tình với nhận xét mức thu nhập ở Việt Nam còn thấp so với các nước khác. Tuy nhiên, ông Thăng lập luận: "Nhưng không thể nói rằng, nước ta thu nhập còn thấp để chất lượng công trình, hạ tầng giao thông phải kém hơn các nước khác. Chúng ta muốn trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì hạ tầng phải đồng bộ, tương đối hiện đại và hạ tầng giao thông cũng phải như thế".

Ông Thăng cũng cho biết, tiếp thu ý kiến của báo chí và nhân dân, Bộ đã giãn thêm mức thu với ô tô và xe máy.

"Đề xuất cụ thể về mức phí này thì Bộ GTVT, cá nhân tôi chịu trách nhiệm về vấn đề này. Mức phí đề xuất này cao hay thấp do các đồng chí đánh giá, còn theo cơ sở tính toán, chúng tôi cho rằng, mức thu phí như thế là hợp lý" - Bộ trưởng Thăng khẳng định. 

Ông Thăng cũng cho biết, đối với đề án thu hai loại phí trên, khi có hiệu lực, sẽ chỉ có khoảng 600.000 người sở hữu ô tô bị ảnh hưởng. Trong đề xuất cũng nói rõ, sau khi thu ô tô xong, xem xét cụ thể kết quả mới thu đến xe máy.

"Chúng tôi cũng chỉ đề xuất thu phí xe máy ở khu vực nội thành của năm thành phố là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Người nghèo không phải nộp phí".

"Tôi nghĩ là đa số những người đi xe ô tô sẽ ủng hộ việc này" - Ông Thăng nói. 

Những câu trả lời ấn tượng của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng

* Việc bỏ phiếu tín nhiệm thì theo luật định thôi. Không có chuyện là muốn hay không muốn. Khi mà Quốc hội đã yêu cầu bỏ phiếu tín nhiệm thì tất cả những ai được đưa ra bỏ phiếu phải chấp nhận.

Tôi sẵn sàng làm những việc này vì đất nước, vì mục tiêu chung. Quốc hội không tín nhiệm, tôi chấp nhận. Nếu Quốc hội không tín nhiệm thì không có cơ hội để làm. Nếu tín nhiệm thì tôi tiếp tục làm.

Nhưng tôi nghĩ, khi ở vị trí Bộ trưởng Bộ GTVT, tôi phải làm hết sức mình để cho đất nước này phát triển, để thực hiện bằng được nhiệm vụ của Nghị quyết Trung ương 4 đề ra, là đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Mà để trở thành nước công nghiệp thì hạ tầng giao thông vận tải phải đi trước. Và muốn đi trước được thì phải có sự đột phá trong sự phát triển hạ tầng giao thông vận tải thì mới làm được.

* Chúng tôi cho rằng, cao hay thấp chỉ là tương đối. Bởi vì, nếu chúng ta so sánh một người nông dân trên miền núi phải nộp tiền để làm đường thì còn lớn vô cùng so với người đi ô tô phải nộp. Tất nhiên, tôi không nói tất cả người đi ô tô đều giàu hết, nhưng những người đi ô tô là những người đỡ nghèo hơn những người không có ô tô.

* Tôi nghĩ, thực tế việc đóng góp này là thể hiện lòng yêu nước. Đúng là có thể nó chưa hoàn toàn khách quan, chưa hoàn toàn công bằng, nhưng tôi nghĩ, trong 600 nghìn người này, có xe ô tô. Để đóng góp cho đất nước, tôi nghĩ rằng, đây cũng là một sự tự hào, một hạnh phúc.

* Xin lỗi các nhà báo, có thấy nhà báo nào đi phỏng vấn người nông dân đâu, hỏi người ta phải nộp phí làm đường như nào đâu, hoặc người ta có ủng hộ việc thu phí cho tô tô hay không đâu. Toàn thấy đi phỏng vấn những đối tượng mà người ta phải chịu những cái khoản phải nộp thì tất nhiên người ta phải phản ứng.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.