Kinh tế Anh ra sao hậu Brexit

Kinh tế Anh ra sao hậu Brexit
Sau khi người dân Anh bỏ phiếu đồng ý tách khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 24/6, các chuyên gia bắt đầu đánh giá những ảnh hưởng của sự kiện này tới nền kinh tế.

1. Thị trường tiền tệ - đồng bảng Anh


Bảng Anh được dự báo sẽ tiếp tục lao dốc, nhưng không phải vì người ta dự báo rời EU sẽ kéo cả nền kinh tế vào suy thoái đột ngột.

Lý do chính là phần lớn giới đầu tư đều đánh cược Anh ở lại EU, nhưng kết quả đã khiến họ trắng tay. Vì thế, họ phải bán tháo số đồng bảng Anh hiện có trước khi đồng tiền này giảm quá sâu. Hơn nữa, nếu việc ra đi gây tổn hại đến nền kinh tế Anh, bảng Anh đương nhiên sẽ kém hấp dẫn hơn đối với giới đầu tư.

Khi không còn nằm trong EU, không được hưởng những đặc quyền của khối, giới đầu tư cũng không còn hứng thú đổ tiền vào Anh nữa. Kết quả là, nhu cầu mua bảng sẽ giảm mạnh, vì ngày càng ít doanh nghiệp cần đồng tiền này để mua tài sản ở Anh, bất chấp khả năng ngân hàng trung ương tăng lãi để thu hút đầu tư.

Trong khi đó, Anh lại đang cần lượng lớn ngoại tệ để trả cho hoạt động nhập khẩu. Đây sẽ là một trong nhiều nguyên nhân đẩy kinh tế Anh vào suy thoái trong dài hạn, theo dự báo của nhiều chuyên gia.

2. Thị trường chứng khoán

Rất nhiều tập đoàn lớn ở Anh đã cảnh báo rời EU sẽ hủy hoại khả năng phát triển của họ và thị trường chứng khoán Anh sẽ chịu tác động đầu tiên. Làn sóng bán tháo sau đó sẽ nhanh chóng lan sang tất cả những nước còn lại ở EU. Bởi Anh là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới và việc rời EU sẽ tác động rất lớn đến niềm tin của giới đầu tư vào liên minh này. 

Trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - Mỹ và Trung Quốc đều tăng trưởng chậm chạm, cú sốc từ Anh lại càng khiến kinh tế toàn cầu trở nên mong manh. Khi đó, giới đầu tư cũng không đủ can đảm để tiếp tục rót tiền vào thị trường chứng khoán đang rất nhạy cảm nữa.

3. Lãi suất trái phiếu

Khi chứng khoán Anh lao dốc, nhiều nhà đầu tư đã có ý định chuyển vốn qua những tài sản an toàn hơn như trái phiếu. Nhu cầu trái phiếu càng cao, lãi suất càng xuống thấp. Lãi này đang ở mức thấp kỷ lục. Hậu Brexit, nó có thể sẽ còn xuống âm.

Theo BBC, lãi suất trái phiếu tại Đức, Nhật Bản, Mỹ và Anh có thể sẽ giảm. Ngược lại, đối với những nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn như, Hy Lạp, Tây Ban Nha hay Italy, nó có thể sẽ tăng.

Kinh tế Anh ra sao hậu Brexit ảnh 1

4. Thị trường nhà đất

Thị trường nhà đất, đặc biệt là ở London và đông nam nước Anh, bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt từ trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý. Nguyên nhân là người mua nhà, nhất là nhà giàu nước ngoài, muốn đợi kết quả cuối cùng.

Và khi kết quả được công bố, giới đầu tư nước ngoài lại càng lưỡng lự đổ vốn lớn vào thị trường bất động sản ở London, do lo ngại triển vọng kinh tế và chính trị tại đây

Đây không hẳn là tín hiệu xấu. Bởi giá nhà tại Anh gần đây luôn ở mức rất cao, gây trở ngại lớn cho người  mua nhà.

5. Đầu tư nước ngoài và thương mại

Sau khi Anh rời EU, đầu tư nước ngoài và hoạt động thương mại của Anh sẽ phụ thuộc lớn vào những thỏa thuận sau này giữa họ và những nước còn lại trong EU. Trong ngắn hạn, đầu tư vào nước Anh có thể giảm. Nhưng đồng bảng mất giá sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.

Tuy nhiên, trong dài hạn, nếu có thể thỏa thuận với EU, Anh có thể lại tiếp nhận một lượng đầu tư lớn từ nước ngoài. Do Anh là cửa ngõ để tiếp cận thị trường hơn 500 triệu dân của EU. Rất nhiều quốc gia chắc chắn sẽ không bỏ qua miếng bánh béo bở này.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG