> Nan giải bài toán quá tải bệnh viện
Kinh hoàng khi vào nhà vệ sinh ở BV Ung bướu TPHCM. |
Bước chân vào Khoa Nội 1 BV Ung bướu TPHCM thấy ngay mùi phảng phất bốc ra từ nhà vệ sinh. Lý do, nhà vệ sinh khoa này bị quá tải, sàn vệ sinh ngập nước, bồn cầu chứa rác, giấy tràn lan khiến những người nuôi bệnh muốn vào để giải quyết nỗi buồn phải... bịt mũi. Các khoa khác nằm tại khu B và khu C không chỉ mùi khai mà mùi xú uế thoát ra nồng nặc.
Một người nhà bệnh nhân ở khu ngoại 2 của bệnh viện này bức xúc: “Có những lúc phải nhịn đi vệ sinh bởi ở khu vệ sinh nơi đây thi thoảng bị vài “bãi mìn” phong tỏa nên tôi không dám vào”. Tại khu vệ sinh ở khoa Vi phẫu BV Chấn thương chỉnh hình, hay cạnh khoa cấp cứu BV Chợ Rẫy, mùi khai, xú uế khiến người bệnh và người ngồi chờ khám ở đây đều ngán ngẩm.
Khảo sát của Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Y tế mới đây cho thấy, chỉ có 50% số người dân nông thôn và 92% dân thành thị sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Vì vậy, mỗi năm trung bình mỗi người dân Việt Nam chịu tổn thất 9,3 USD, trong đó có 3,1 USD dành cho y tế do điều kiện vệ sinh kém gây ra. Mỗi năm ở Việt Nam có 5.000 người tử vong liên quan đến điều kiện vệ sinh kém. |
Không chỉ ở bệnh viện, tại nhiều trường học, nhà vệ sinh học sinh cũng rất hôi hám. Hầu như ai ngang qua nhà vệ sinh của trường THPT Nguyễn Thị Diệu ở quận 3, cũng bịt mũi vì mùi khai bốc lên nồng nặc từ hai nhà vệ sinh rất bẩn ở đây. “Vẫn biết nhà vệ sinh quá bẩn, dễ nhiễm vi khuẩn gây bệnh nhưng tụi em không thể nhịn đi tiểu cả buổi học nên nhắm mắt đi liều”- một học sinh nói.
Tại trường cấp 2 Phước Long ở quận 9, mùi khai từ các nhà vệ sinh cứ bốc lên sau mỗi lần gió thổi khiến không chỉ học sinh mà ngay cả giáo viên cũng phát khiếp. Một số nhà vệ sinh ở trường cấp 2 B.D ở quận Tân Bình, trường H.M ở quận 8, bồn cầu bám đầy phế phẩm, nước dội cầu cũng dơ dáy nên mỗi lần đi…, học sinh lãnh đủ. Nhiều học sinh cho biết có bạn “nhịn” không dám vào đến nỗi mắc bệnh tiết niệu phải nghỉ học và nhập viện.
Ông Trần Đắc Phu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý môi trường Bộ Y tế cho biết, có rất nhiều bệnh truyền nhiễm gây bệnh cho con người là lây truyền theo con đường tiêu hóa, hay nói cụ thể hơn là theo đường “phân - miệng”.
Bác sĩ Lê Văn Nhân - Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, những căn bệnh từ nhà vệ sinh có thể gây nên những biến chứng như viêm não, viêm cơ tim và thậm chí gây tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ, do những nơi này tồn tại vi khuẩn E.coli, Rota virut gây bệnh tiêu chảy; vi khuẩn Shigella, ký sinh trùng Amibe gây kiết lị hay vi khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn.?
Bác sĩ Trần Văn Ngọc - Khoa Nhiễm A BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, các nghiên cứu chỉ ra rằng nhà vệ sinh mất vệ sinh chính là nơi chứa gần 200 loại vi khuẩn gây ra hàng loạt bệnh về hô hấp, tiêu hóa, thương hàn, là nơi trú ẩn lý tưởng của các vi trùng gây bệnh.
Một khảo sát về thực trạng vệ sinh trường học tại 14 tỉnh thành trong cả nước mới đây cho thấy, 30% trường học ở các tỉnh thành không có nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh quá?mất vệ sinh. Theo quy định về nhà vệ sinh đạt chuẩn của Bộ Y tế thì có đến 70% nhà vệ sinh trường học ở nông thôn quá bẩn.