Méo mó xã hội hóa bệnh viện công tại Hà Nội - Bài Cuối

Kiên quyết chấm dứt các hợp đồng bất hợp lý

Mâu thuẫn phát sinh từ việc ăn chia trong dịch vụ xe ô tô phục vụ nhà tang lễ BV Thanh Nhàn. Ảnh: Như Ý
Mâu thuẫn phát sinh từ việc ăn chia trong dịch vụ xe ô tô phục vụ nhà tang lễ BV Thanh Nhàn. Ảnh: Như Ý
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền khẳng định, thành phố đang rà soát lại toàn bộ các hợp đồng xã hội hóa, liên kết và kiên quyết chấm dứt các hợp đồng không còn phù hợp đồng thời tập trung hỗ trợ các bệnh viện vay vốn ưu đãi phát triển.

Ông Nguyễn Khắc Hiền cho biết: XHH các bệnh viện công lập tại Hà Nội đã đạt nhiều kết quả. Nhiều mô hình, điểm sáng đáng ghi nhận. Hệ thống các cơ sở y tế ngoài công lập cũng khá phát triển với 29 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa. 

Hà Nội có 2 đơn vị công lập tự chủ 100% kinh phí hoạt động. Nhiều mô hình tốt như Bệnh viện Hòe Nhai, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Ung bướu… 

XHH đã có tác dụng tốt trong thu hút đầu tư, tăng cường các thiết bị kỹ thuật cao đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ y tế trong phục vụ người bệnh. Năng lực quản lý của lãnh đạo nhiều bệnh viện cũng được nâng lên, sáng tạo và năng động hơn, trang thiết bị cũng được sử dụng hiệu quả hơn.

Thưa ông, đâu là hạn chế lớn nhất trong thực hiện XHH tại Hà Nội?

Do đây là vấn đề mới nên ban đầu đã thiếu sự sàng lọc đối với các nhà đầu tư. Nhà đầu tư quan tâm nhất là lợi nhuận trong khi cán bộ y tế lại chưa có kinh nghiệm trong các mối hợp tác này. Năng lực của các nhà đầu tư cũng chưa được thẩm định kỹ. 

Việc hướng dẫn từ cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa kịp thời. Theo Nghị định 43, cho phép các cơ sở y tế được tự chủ nên cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa sâu sát. Sự bắt tay vào cuộc chung của nhiều sở ngành đối với XHH còn hạn chế. Trước khi có Thông tư 15/2007, việc thực hiện một số hợp đồng XHH thiếu chặt chẽ, không hiệu quả.

Nhiều hợp đồng XHH liên quan đến Công ty ĐY 33 bộc lộ nhiều bất hợp lý. Sở Y tế sẽ chỉ đạo xử lý ra sao đối với trường hợp này?

Một số dự án XHH với Công ty ĐY 33 liên quan đến việc giải phóng mặt bằng xây dựng giai đoạn 2 của Bệnh viện Thanh Nhàn và chỉ đạo của thành phố là phải đúng tiến độ xây dựng. Đến nay dự án này không còn hiệu quả nữa. 

Chúng tôi đã trao đổi với đơn vị này và đã cơ bản thống nhất sẽ giải quyết về dân sự. Đối với hợp đồng XHH nhà ăn, Sở Y tế sẽ phối hợp Sở Tài chính, Sở KH&ĐT để thanh lý hợp đồng này vì cũng rơi vào khu vực phải giải phóng mặt bằng và không còn phù hợp.

Nhiều ý kiến cho rằng tỷ lệ ăn chia giữa bệnh viện và đối tác trong một số hợp đồng có biểu hiện bất thường. Liệu có lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm nào ở đây không?

  Nhiều thành viên đoàn giám sát của HĐND thành phố có đặt vấn đề về tỷ lệ ăn chia trong các hợp đồng và đặt vấn đề tại sao Sở Y tế không có chỉ đạo thống nhất. Tuy nhiên mỗi hợp đồng có tính chất khác nhau và các bên căn cứ vào tình hình, khả năng thu hồi vốn thực tế để tính toán. 

XHH đã có tác dụng tốt trong thu hút đầu tư, tăng cường các thiết bị kỹ thuật cao đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ y tế trong phục vụ người bệnh.   

                Ông Nguyễn Khắc Hiền

Về quy định thì tăng quyền tự chủ cho bệnh viện. Do vậy Sở không thể ấn định tỷ lệ chung cho các hợp đồng được. Vấn đề hạn chế là lẽ ra khi ký lại hợp đồng thì phải điều chỉnh lại tỷ lệ này nhưng thực tế là ít điều chỉnh. Rõ ràng là các bản hợp đồng trước đây đơn giản quá, thiếu chặt chẽ và không tính toán kỹ các điều khoản.

Đúng là nhiều đề án thời gian quá dài nhưng vấn đề là tại thời điểm ký kết có bệnh viện chỉ xác định là chỉ cần có dịch vụ, có kỹ thuật đó thôi còn lại thì xác định “hòa” cùng được. 

Khi đó bệnh viện còn đang khó khăn, chỉ cần có xét nghiệm đó thôi là đủ cho quy trình khám chữa bệnh, thực hiện đồng bộ quy trình điều trị. Đương nhiên sau này Sở đã xác định là không hiệu quả và đang chỉ đạo để xử lý.

Thưa ông, giải pháp nào của thành phố về XHH trong thời gian tới được ông kỳ vọng nhất?

Hà Nội đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để đẩy mạnh XHH đi đúng hướng, mang lại hiệu quả cao. Thành phố thúc đẩy, hỗ trợ các cơ sở y tế tiếp cận đến nguồn vốn vay ưu đãi là hướng đi khả thi nhất. Lãnh đạo các bệnh viện căn cứ vào nhu cầu để lập đề án vay vốn từ các tổ chức tín dụng và thành phố sẽ xem xét hỗ trợ lãi suất định mức cho các hợp đồng. 

Hiện nay Bệnh viện Tim Hà Nội đang đề xuất vay gần 100 tỷ đồng để đầu tư và nhiều cơ sở y tế khác cũng sẽ đi theo hướng này. Khi triển khai đồng bộ thì sẽ khắc phục được các hạn chế vừa qua.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.