Kiến nghị xử lý tài chính trên 1.500 tỷ đồng

Kiến nghị xử lý tài chính trên 1.500 tỷ đồng
TP - “Qua thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và quản lý sử dụng đất tại TP HCM cho thấy còn nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập, có dấu hiệu buông lỏng dẫn đến khuyết điểm, sai phạm...”

Thông tin trên được ông Lê Sỹ Bảy, Phó Vụ trưởng Vụ I, Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra sáng 5-1.

Theo TTCP, từ 2001-2010, các Sở, ngành đã tham mưu cho UBND TPHCM ra quyết định giao, cho thuê, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho 758 dự án làm nhà ở, phúc lợi công cộng và sản xuất kinh doanh với tổng diện tích hơn 5.078 ha đất sai quy định.

Trong đó có nhiều dự án treo, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân vùng quy hoạch, dẫn đến khiếu nại, tố cáo.

Quá trình thanh tra phát hiện, quy hoạch chi tiết một số dự án chưa đúng quy hoạch xây dựng; một số quy hoạch do chủ đầu tư tự lập và phê duyệt dự án không đúng thẩm quyền, cụ thể: UBND huyện Bình Chánh đã ban hành 58 thông báo chấp nhận chủ trương đầu tư trái thẩm quyền.

Ban quản lý khu Nam cũng chấp thuận đầu tư cho 3 chủ đầu tư thực hiện các dự án dù không đủ năng lực để thực hiện với tổng diện tích trên 37 ha.

Giai đoạn 1998-2008, ban quản lý khu Nam TP đã ban hành các văn bản chấp thuận cho 108 dự án khu dân cư và chấp thuận địa điểm thực hiện các dự án công trình công cộng với mục đích kinh doanh trái thẩm quyền.

Xem xét tính khả thi của Đồ án quy hoạch chung thành phố đến năm 2020, TTCP nhận định: số liệu đánh giá hiện trạng thiếu độ tin cậy, định hướng không phù hợp với thực tế. Quy hoạch khu đô thị Nam TP phê duyệt từ năm 1994, qua 17 năm chưa được điều chỉnh.

Đến nay, Khu đô thị mới Nam TP chưa có thiết kế đô thị, quy hoạch tổng thể mạng lưới trường học, mạng lưới y tế, hệ thống thoát nước… Đoàn thanh tra cũng phát hiện 17 dự án của khu Nam TP chồng lấn vào phạm vi 20m an toàn công trình đường bộ và giới hạn hành lang bảo vệ cầu.

TTCP kiến nghị UBND TP HCM chỉ đạo các cơ quan có liên quan đến sai phạm tổ chức kiểm điểm, khắc phục tồn tại, đồng thời xử lý tài chính số tiền hơn 1.500 tỷ đồng.

Trong đó, thu hồi ngân sách các khoản do thực hiện tính toán và kê khai tiền sử dụng đất không đúng quy định số tiền 554,6 tỷ đồng; tiền sử dụng đất chưa thực hiện theo quy định 691,7 tỷ đồng; tiền phạt do chậm nộp tiền sử dụng đất 259,6 tỷ đồng; truy thu còn thiếu tiền sử dụng đất với tổng số tiền hơn 300 tỷ đồng và hàng trăm hecta đất.

Kiến nghị tạm dừng Khu đô thị Nam An Khánh

“Qua thanh tra việc quản lý sử dụng vốn tại Công ty cổ phần đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico), TTCP phát hiện những vi phạm trong việc triển khai dự án khu Đô thị Nam An Khánh nên đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị tạm dừng dự án này để tránh những vướng mắc, khó khăn khi xử lý về sau.

Dự án khu đô thị Nam An Khánh được Thủ tướng quyết định giao cho Tổng Cty Sông Đà làm chủ đầu tư. Sau đó, Tổng Cty này đã ký hợp đồng chuyển nhượng dự án cho Cty Sudico mà không báo cáo Thủ tướng và UBND Hà Tây (cũ) cấp quyền sử dụng đất cho Cty Sudico mà chưa có ý kiến của Thủ tướng.

Tuy nhiên đến nay Thủ tướng chưa có ý kiến về văn bản đề nghị tạm dừng dự án Nam An Khánh của TTCP”- Phó Tổng TTCP Nguyễn Văn Sản cho biết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.