Kiến nghị xử lý một số nguyên lãnh đạo Vietinbank TPHCM

 Các bị cáo trong vụ án Huyền Như và đồng phạm nghe HĐXX tuyên án. Ảnh: Việt Văn
Các bị cáo trong vụ án Huyền Như và đồng phạm nghe HĐXX tuyên án. Ảnh: Việt Văn
TP - Sau hơn nửa tháng xét xử phúc thẩm và dành 1 tuần để nghị án, sáng 7/1, HĐXX đã tuyên án vụ “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm trong việc lừa đảo chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng.

Theo đó, HĐXX đã tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm, điều tra lại theo hướng Huyền Như tham ô tài sản đối với 5 công ty với số tiền gần 1.085 tỷ đồng và bác kháng cáo của hai ngân hàng ACB, Navibank. Đồng thời tuyên giảm nhẹ hình phạt cho một số bị cáo, kiến nghị khởi tố một số cá nhân có liên quan đến vụ án.

Hủy một phần bản án, điều tra lại

Trong suốt quá trình xét xử tại phiên tòa phúc thẩm cũng như hồ sơ vụ án, HĐXX xét thấy việc mở tài khoản và chuyển tiền của 5 công ty An Lộc, Hưng Yên, Phương Đông, Bảo hiểm Toàn Cầu và SBBS vào hệ thống Ngân hàng Vietinbank là hợp pháp. 

HĐXX xét thấy bị cáo Huyền Như đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình tại Phòng giao dịch Điện Biên Phủ (Vietinbank chi nhánh TPHCM) để chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng của 5 công ty trên. 

Tuy nhiên, bản án sơ thẩm đã xác định sai tội danh, sai tư cách tham gia tố tụng. Tòa phúc thẩm không thể sửa chữa được bản án sơ thẩm nên tuyên hủy một phần bản án này, giao lại cho VKSND Tối cao để chuyển Cơ quan điều tra, Bộ Công an điều tra, truy tố, xét xử lại.

HĐXX chỉ ra việc bị cáo Huyền Như nhận chức vụ quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ theo quyết định của lãnh đạo Vietinbank, được quyền kiểm soát, ký xác nhận trên các chứng từ giao dịch, có quyền ký duyệt hồ sơ vay vốn với mức phán quyết tín dụng trong từng thời kỳ. 

Đặc biệt, trong công văn của Vietinbank gửi Tòa phúc thẩm trong giai đoạn xét xử có làm rõ nội dung: Đối với nghiệp vụ chuyển tiền và rút tiền, kiểm soát viên được phê duyệt mức giao dịch lên đến 50 tỷ đồng. 

“Với các chứng cứ đó, HĐXX thấy rằng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, bị cáo Huyền Như đã làm trái quy trình, thực hiện toàn bộ giao dịch rồi mệnh lệnh cho các bộ phận khác thực hiện theo yêu cầu của mình. Bị cáo Huyền Như là người có chức vụ, quyền hạn và đã lợi dụng điều này để chiếm đoạt tiền của 5 công ty. Do đó, đề nghị của VKS là có cơ sở, đúng pháp luật”, HĐXX nhận định.

Ngoài ra, HĐXX cũng tuyên hủy một phần bản án hình sự sơ thẩm đã xử bị cáo Võ Anh Tuấn (nguyên Phó giám đốc Vietinbank Nhà Bè) tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Công ty Hưng Yên để điều tra lại.

Kiến nghị khởi tố các nguyên lãnh đạo Vietinbank TPHCM

Trong phần tuyên án, HĐXX đã kiến nghị VKSND Tối cao khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với Trương Minh Hoàng và Nguyễn Thị Minh Hương (cả hai nguyên là Phó Giám đốc Vietinbank chi nhánh TPHCM) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến trách nhiệm trong việc ký các hợp đồng tiền gửi với ngân hàng ACB, Navibank, Công ty Phương Đông, An Lộc để bị cáo Huyền Như giả chủ tài khoản lập chứng từ chiếm đoạt tiền. 

HĐXX cũng kiến nghị làm rõ trách nhiệm của ông Nguyễn Văn Sẻ, nguyên Giám đốc Vietinbank chi nhánh TPHCM để xử lý theo quy định của pháp luật.

HĐXX kiến nghị Cơ quan điều tra, Bộ Công an làm rõ trách nhiệm của bà Vũ Hồng Hạnh, nguyên Tổng giám đốc Công ty Phương Đông vì đã có hành vi ký 7 lệnh chi khống cho Huyền Như hợp thức hóa hành vi chiếm đoạt 380 tỷ đồng trên tài khoản của công ty này tại Vietinbank; khởi tố bổ sung đối với Trần Thị Tố Quyên hành vi giúp sức cho bị cáo Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt của Ngân hàng VIB 15 tỷ đồng (đã xử hành vi giúp sức Như chiếm đoạt 50 tỷ đồng thông qua việc mở tài khoản của Dương Thị Nguyệt và Nguyễn Thị Bé Năm) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ngoài ra, 8 đối tượng có hành vi giúp bị cáo Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt 180 tỷ đồng của Ngân hàng VIB gồm: Âu Thanh Hòa, Nguyễn Thanh Nhã, Đỗ Quốc Thái, Nguyễn Đình Út, Dương Thanh Tâm, Nguyễn Thị Thủy, Bùi Minh Hải, Hùng Vạn Đức cũng bị HĐXX kiến nghị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

HĐXX cũng kiến nghị Thanh tra Chính phủ, Cơ quan điều tra Bộ Công an làm rõ nguyên nhân để xảy ra tình trạng vi phạm kéo dài, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do các cá nhân, tập thể thuộc hệ thống Ngân hàng Vietinbank gây ra để xử lý thỏa đáng. Làm rõ trách nhiệm hình sự của những người có thẩm quyền tại Ngân hàng Navibank đã ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các ngân hàng khác hưởng lãi suất vượt trần gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Nhiều bị cáo được giảm án

HĐXX đã giảm án cho một số bị cáo trong vụ án này vì có nhiều tình tiết giảm nhẹ, gồm: Lê Thị Ngọc Lợi giảm xuống còn 3 năm tù treo, Hồ Hải Sỹ và Tống Nguyên Dũng cùng 5 năm tù, Lương Thị Việt Yên 6 năm, Huỳnh Trung Chí 7 năm, Vũ Nguyễn Xuân Tiên và Trần Thanh Thanh cùng 9 năm, Nguyễn Thị Phúc Ngân 10 năm tù, Huỳnh Hữu Danh 14 năm, Phạm Anh Tuấn 11 năm, Bùi Ngọc Quyên 13 năm.

Chỉ có bị cáo Đào Thị Tuyết Dung bị tăng hình phạt lên 15 năm tù. Bị cáo Huyền Như không kháng cáo nên giữ nguyên mức án tù chung thân, riêng việc xin lại căn biệt thự 43 tỷ đồng cho mẹ, HĐXX xét thấy không có căn cứ nên không chấp nhận lời thỉnh cầu của Huyền Như.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.