Kiến nghị giảm thuế cho doanh nghiệp công nghệ thông tin

Kiến nghị giảm thuế cho doanh nghiệp công nghệ thông tin
TP - Hội Tư vấn thuế cho biết vừa hoàn thiện đề án ưu đãi thuế GTGT đối với doanh nghiệp thông tin (CNTT) với đề xuất giảm nhiều loại thuế cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này nhằm tạo thêm trên 1 triệu việc làm có thu nhập cao trong ngành CNTT và nhiều việc làm ở các ngành khác.

Tăng ưu đãi cho doanh nghiệp

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế, đã đến lúc cần có những ưu đãi thuế mới phù hợp với tình hình phát triển của ngành CNTT Việt Nam. Hiện các chính sách ưu đãi hiện hành thấp hơn giai đoạn 2001 – 2008 và không phù hợp với mục tiêu phát triển ngành CNTT.

Theo bà Cúc, hiện Hội Tư vấn thuế đã xây dựng xong Đề án Ưu đãi thuế CNTT. Theo đó, về ưu đãi thuế GTGT đối với doanh nghiệp CNTT, chuyển từ diện không chịu thuế (không nộp thuế đầu ra, không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào) thành không kê khai tính thuế (không phải nộp thuế đầu ra và được khấu trừ thuế GTGT đầu vào). Ngoài ra, sẽ đưa dịch vụ CNTT và phần mềm vào nhóm được hưởng ưu đãi thuế với mức ưu đãi là được hưởng thuế suất 10% trong vòng 15 năm. Trường hợp đặc biệt kéo dài thêm không quá 30 năm và miễn thuế 4 năm, mức giảm 50% không kéo dài quá 9 năm. Cùng đó, tăng thời hạn ưu đãi đối với hoạt động sản xuất và dịch vụ phần mềm thành 30 năm.

Về ưu đãi thuế thu nhập cá nhân (TNCN), để tạo điều kiện thu hút nhân lực công nghệ cao, có thể vận dụng, bổ sung quy định giảm thuế TNCN đối với nhân lực CNTT thuộc Danh mục được giảm thuế TNCN như đã giảm 50% thuế đối với cá nhân có thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công làm tại các khu kinh tế. Ngoài ra, theo quy định của Luật Thuế TNCN, một số khoản phụ cấp được loại trừ khỏi thu nhập tính thuế (như phụ cấp độc hại, nguy hiểm, phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực, phụ cấp đặc thù ngành nghề...). Với đặc thù ngành nghề CNTT có thời gian làm việc chủ yếu với máy tính, Hội Tư vấn thuế cũng đề xuất mức phụ cấp đặc thù ngành nghề là 25% lương.

Theo ước tính, đề án nếu được thông qua sẽ giúp tăng năng suất, năng lực cạnh tranh, đóng góp thêm 25% vào tăng trưởng GDP; thu hút nhân tài, tạo thêm trên 1 triệu việc làm có thu nhập cao trong ngành CNTT và nhiều việc làm ở các ngành khác; tiếp tục đưa Việt Nam thành địa điểm hấp dẫn thu hút đầu tư ngành CNTT của thế giới..

Cần ưu đãi thuế thu nhập cá nhân

Về chủ trương xây dựng những ưu đãi thuế mới cho doanh nghiệp CNTT, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông VCCorp cho rằng việc đưa ra ưu đãi mới phù hợp hơn sẽ giúp đảm bảo công bằng hơn cho doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài.

Trên thực tế, các doanh nghiệp nước ngoài như Uber, Facebook, Google đều trốn nộp thuế cho Chính phủ Việt Nam. Chỉ riêng việc các doanh nghiệp nước ngoài này không đóng thuế TNCN và bảo hiểm xã hội cũng đã là một khoản tiền khá lớn. Theo ông Tân, có thể nâng cao mức cạnh tranh, lợi thế sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp hay không chính là nằm ở thuế TNCN. Với doanh nghiệp CNTT Việt Nam, thuế TNCN là vấn đề trọng điểm. Đây là nguồn chi trọng yếu nhất, ảnh hưởng sức cạnh tranh lớn nhất. Với mức thuế TNCN 35%, một doanh nghiệp khi trả  lương 1.000 USD cho nhân sự tuyển dụng, phải phải trả thực tế số tiền hơn 1.500 USD, chưa kể phải đóng bảo hiểm xã hội.

Đại diện VCCorp cũng cho rằng, với doanh nghiệp CNTT, thường phải qua 8 năm kể từ khi bắt đầu hoạt động mới bắt đầu hòa vốn và có lãi. Nếu chỉ cho họ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm đầu thì cũng vô nghĩa. “Tôi cho rằng nên cho doanh nghiệp CNTT được miễn thuế TNDN trong vòng 10 năm đầu. Với doanh nghiệp CNTT mà sau 15 năm vẫn không tự sống được, vẫn cần hỗ trợ về thuế này thì cũng không ổn. Để thời gian ưu đãi thuế tới 30 năm là quá dài”, ông Tân nói.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.