Kiến nghị chỉ cho Formosa xả thải ra sông Quyền

 Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà kiểm tra các hạng mục trong công tác bảo vệ môi trường tại FHS sáng qua, 8/9.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà kiểm tra các hạng mục trong công tác bảo vệ môi trường tại FHS sáng qua, 8/9.
TP - Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh vào chiều qua, nhiều đại biểu của Hà Tĩnh kiến nghị với Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cần phải cho nước thải của Cty TNHH Hưng nghiệp Gang thép Formosa Hà Tĩnh (FHS) xả ra khu vực sông Quyền (nằm cạnh FHS) để dễ quản lý.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Nam Hồng, khi làm văn bản để xin xả thải ra biển, FHS cho rằng nếu xả ra sông Quyền không đảm bảo môi trường. “Rõ ràng có một cái gì ở đây. Cả biển và sông Quyền đều là tự nhiên. Trước khi xả thải ra hai khu vực này phải đảm bảo chứ. Theo tôi phải chọn phương án tối ưu nhất là sông Quyền”, ông Hồng nói.

Cũng theo giải thích của vị Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, dự án kéo dài đến 70 năm, sự cố vừa qua xảy ra trong vòng 10 ngày. Liệu có bao nhiêu lần xảy ra 10 ngày như vậy nữa. “FHS cam kết nếu tái phạm sẽ đóng cửa. Đây là điều cực khó. Vấn đề phải đảm bảo môi trường”, ông Trần Nam Hồng nói.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đề nghị Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng các nhà khoa học, quản lý sớm tổ chức khảo sát, đánh giá, phân tích thật khách quan việc xả chất thải của FHS ra sông Quyền. “Đây là trăn trở cho sự bền vững, cho sự giám sát một cách chắc chắn. Không ai nói trước được FHS sẽ không vi phạm nữa”, ông Lê Đình Sơn nhấn mạnh.

Khắc phục xong 58 lỗi, Formosa mới được vận hành

Đó là những chỉ đạo cụ thể của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khi làm việc với FHS và UBND tỉnh Hà Tĩnh trong ngày 8/9.

“Rõ ràng có một cái gì ở đây. Cả biển và sông Quyền đều là tự nhiên. Trước khi xả thải ra hai khu vực này phải đảm bảo chứ. Theo tôi phải chọn phương án tối ưu nhất là sông Quyền”.

Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Hà Tĩnh 

Trần Nam Hồng

Sáng 8/9, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác trực tiếp xuống kiểm tra cụ thể các hạng mục bảo vệ môi trường của FHS như trạm quan trắc tự động, kho lưu trữ tro bay… Tại đây, Bộ trưởng chất vấn từng thành viên của FHS về công tác lưu trữ, xử lý số chất thải này. Tại buổi làm việc, đoàn đã nghe phía FHS trình bày bản báo cáo về công tác khắc phục 58 hạng mục còn thiếu sót trong công tác bảo vệ môi trường. Theo đó, phía FHS cho rằng đến nay đã hoàn thành 37 hạng mục, dự kiến đến năm 2018 mới hoàn thiện đủ 58 hạng mục.

Sau khi nghe phía FHS báo cáo, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, tổ giám sát đã mời FHS làm việc cụ thể về việc triển khai 2 hồ chỉ thị sinh học. “Đây là hồ chỉ thị sinh học chứ không phải bồn sự cố như báo cáo. Đề nghị FHS bố trí quy hoạch 2 khu đất để xây dựng. Hồ sẽ có chức năng ứng phó nước thải khi không đạt chuẩn, sẽ nuôi thủy hải sản để chứng minh nước thải ra đạt tiêu chuẩn cho người dân yên tâm. Việc này đã làm việc nhiều lần nhưng chưa ra kết quả. Đề nghị FHS thực hiện nghiêm yêu cầu của đoàn giám sát, bắt buộc phải thực hiện theo chỉ đạo”, ông Hoàng Văn Thức nói.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cũng cho biết, số liệu phân tích trong báo cáo của FHS về quan trắc nước thải tại bồn chứa rất thấp. Tuy nhiên kết quả của tổ giám sát lại rất cao. “Việc này phải kiểm tra lại cho chắc chắn. Tổ giao nước không được tuần hoàn lưu mà phải dùng nước mới nhưng FHS vẫn cho nước tuần hoàn lưu”, ông Hoàng Văn Thức cho biết.

Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định, chỉ khi nào FHS khắc phục xong 58 lỗi mới cho vận hành chính thức. “Nước thải sau khi xử lý và trước khi thải ra biển phải được chứa trong hồ chỉ thị sinh học. Nước tại hồ này nuôi cá và tôm phải sống được. Yêu cầu FHS phải thiết kế, tính toán xây dựng ngay hồ chỉ thị sinh học. Hồ xây dựng phải để người dân dễ tiếp cận, chứng kiến kiểm soát được chất lượng nước trước khi thải ra môi trường. Đây là hình thức giám sát và cũng là mong muốn của người dân”, Bộ trưởng Bộ TN&MT khẳng định.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc nước thải trong quá trình sản xuất có tràn ra kênh như báo cáo của FHS phải nghiêm cấm không được cho chảy ra. “Nên có một cơ quan quản lý độc lập và toàn bộ về hoạt động môi trường của FHS.  FHS  phải xem xét có hệ thống theo quy định hoặc tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến vấn đề chất thải trong quá trình sản xuất và xử lý”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói. 

MỚI - NÓNG