Kiểm soát quyền lực để chống lạm quyền, vi phạm quyền dân chủ

GS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Ảnh: Duy Thông
GS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Ảnh: Duy Thông
TPO - “Lần đầu tiên chúng ta đưa vào Hiến pháp nguyên tắc về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực. Kiểm soát quyền lực đã trở thành một yếu tố quan trọng để hạn chế quyền và “giữ chân” không để cơ quan quyền lực trở thành đối tượng lạm quyền và vi phạm quyền dân chủ của nhân dân”, GS Hoàng Thế Liên chia sẻ.

Ngày 15/1, báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “5 năm thực hiện Hiến pháp 2013 và những thành tựu lập pháp". Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trương Minh Hoàng, sau khi Hiến pháp được thông qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các nghị quyết, triển khai thực thi Hiến pháp. Các văn bản quy phạm pháp luật khác ban hành trước ngày Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực cũng được rà soát lại để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp hơn.

Theo thống kê của ông Hoàng, nếu tính từ mốc thời điểm thông qua Hiến pháp 2013 đến nay, Quốc hội đã ban hành tổng số 101 luật. Bên cạnh những con số ấn tượng, về chất lượng lập pháp của Quốc hội cũng chuyên sâu hơn. Điều này được thể hiện qua việc ban hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, đây là bước phát triển mới trong quy trình lập pháp theo tinh thần Hiến pháp 2013.

“Luật đã bổ sung quy trình hoạch định, phân tích chính sách trước khi soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tách bạch với quy trình soạn thảo văn bản. Luật cũng quy định thủ tục bắt buộc lấy ý kiến góp ý và phản biện báo cáo đối với báo cáo đánh giá tác động của chính sách. Đây là quy định quan trọng, là một trong những cơ sở pháp lý để nhân dân thực hiện quyền của mình”, ông Hoàng cho hay.

Theo Phó Chủ nhiệm Trương Minh Hoàng, tới đây cần xác định tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, bền bỉ, bám sát các nhiệm vụ Chính phủ được giao tại Nghị quyết số 718 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đặc biệt, cần ưu tiên tập trung cho công tác soạn thảo trình các dự án luật, pháp lệnh thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm của Quốc hội Khóa XIV để bảo đảm tiến độ và chất lượng, vì số lượng các dự án rất lớn.

GS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhìn nhận, nhình lại 5 năm, có thể đánh giá việc triển khai thực hiện Hiến pháp rất bài bản, dư luận xã hội cũng như nhận thức xã hội về Hiến pháp được nâng lên.

Điển hình như việc tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng về Hiến pháp đã lan tỏa rộng trong xã hội. Đã có rất nhiều cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp, nhiều đề tài nghiên cứu, xuất bản, những cuốn sách có ích liên quan đến Hiến pháp được triển khai thực hiện, các trường đại học cũng rà soát lại hệ thống giáo trình.

Theo ông Liên, năm 2016, số liệu cả nước rà soát hơn 102.000 văn bản, trên cơ sở đó đề nghị sửa đổi 282 văn bản trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, Trung ương là 11.000 văn bản thì đã đề nghị sửa đổi, bổ sung 241 văn bản; ở địa phương có 90.000 văn bản thì chỉ sửa đổi bổ sung 41 văn bản. Còn riêng Quốc hội rà soát 170 luật, pháp lệnh, trong đó có 36 văn bản cần phải bổ sung, chưa kể những văn bản cần phải ban hành mới.

“Lần đầu tiên chúng ta đưa vào Hiến pháp nguyên tắc về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực. Kiểm soát quyền lực đã trở thành một yếu tố quan trọng để hạn chế quyền và “giữ chân” không để cơ quan quyền lực trở thành đối tượng lạm quyền và vi phạm quyền dân chủ của nhân dân.

Tuy nhiên cơ chế để thực thi rất khó khăn, ngoại trừ Quốc hội thực thi thông qua việc giám sát, còn lại các thiết chế khác trong xã hội vẫn trông chờ vào pháp luật, nhất là kiểm soát của tư pháp với hành pháp, kiểm soát của nhân dân. Quyền dân chủ trực tiếp đang được cố gắng thực hiện nhưng vẫn vương vấn bởi tư duy cũ, theo hướng quản lý nhiều hơn là tạo cơ sở pháp lý phát huy quyền đó”, ông Liên chia sẻ.

Từ phân tích trên, ông Liên cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh xây dựng pháp luật, cụ thể hóa tinh thần, nội dung mới của Hiến pháp thì phải coi trọng triển khai pháp luật thật nghiêm.

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.