Theo Reuters, bản dự thảo này đề ra việc Cuba tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng bỏ qua cụm từ “xây dựng chủ nghĩa cộng sản” đã có trong hiến pháp Cuba từ năm 1976.
Sau khi chuyển giao quyền lực cho ông Miguel Diaz-Canel, 58 tuổi, hồi tháng 4 năm nay, ông Raul Castro, 86 tuổi, tuy không giữ chức Chủ tịch nước, nhưng vẫn đang đứng đầu ủy ban soạn thảo những thay đổi của hiến pháp.
Truyền hình Cuba đưa tin, hiến pháp mới của Cuba vẫn nhắc lại rằng, hệ thống xã hội chủ nghĩa của Cuba không thể thay đổi, đảng Cộng sản Cuba là đảng hợp pháp duy nhất và đóng vai trò tiên phong trong các vấn đề của đất nước.
Nét nổi bật trong bản dự thảo hiến pháp lần này là giới hạn độ tuổi và nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, trong đó Chủ tịch nước không được quá 60 tuổi ở nhiệm kỳ đầu tiên và không được giữ chức này quá hai nhiệm kỳ liên tục. Hệ thống chính quyền mới cũng có sự phân chia quyền lực cấp cao. Chủ tịch nước sẽ không trực tiếp điều hành Hội đồng Bộ trưởng, mà công việc này do Thủ tướng đảm nhiệm. Chủ tịch Quốc hội sẽ chủ trì Hội đồng nhà nước, điều này cho phép người đảm nhận chức danh này có quyền lực rất lớn. Nếu dự thảo được thông qua, Quốc hội sẽ là cơ quan quyền lực cao nhất thực thi hiến pháp.
Ðối với vấn đề này, thư ký Hội đồng Nhà nước Cuba Homero Acosta đã dành nhiều thời gian giải thích trước quốc hội rằng, Chủ tịch nước sẽ không phải là một chức danh hình thức, bởi lẽ Chủ tịch nước là người sẽ bổ nhiệm Thủ tướng trước quốc hội. Ðiều không thay đổi là chức danh Chủ tịch nước sẽ vẫn do Quốc hội bầu ra.
Một sự thay đổi lớn của dự thảo hiến pháp là mang lại sự công nhận pháp lý lớn hơn cho các doanh nghiệp nhỏ của Cuba và công nhận tài sản tư nhân, nhưng vẫn “giữ nguyên các nguyên tắc cơ bản của quyền sở hữu xã hội chủ nghĩa”. Ngoài ra, theo Tribune News Service, hiến pháp sửa đổi này cũng xác định hôn nhân là “sự hợp nhất đông thuận giữa hai người, bất kể giới tính”, điều này đã mở đường cho hôn nhân đồng giới.