Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm Việt Nam có trên 7.000 lễ hội, tính trung bình mỗi ngày cả nước có tới 20 lễ hội. Do vậy, nếu không quản lý tốt sẽ rất lãng phí tiền bạc của nhà nước, của nhân dân và xã hội. Một sự lãng phí nữa còn nguy hại hơn là những lộn xộn trong tổ chức, sự thương mại hóa, “chặt chém” tại lễ hội tất yếu sẽ không đem lại hiệu quả giáo dục truyền thống văn hóa của lễ hội một cách đúng đắn.
Do vậy, trong công điện mới phát đi, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh yêu cầu, giảm tần suất tổ chức lễ hội, ngày hội, nhất là những lễ hội có quy mô lớn, bảo đảm việc tổ chức lễ hội tiết kiệm, hiệu quả, tránh phô trương, lãng phí. Hạn chế tối đa sử dụng ngân sách nhà nước để tổ chức lễ hội, ngày hội. Không lạm dụng truyền hình trực tiếp để huy động tài trợ cho việc tổ chức lễ hội.
Tại buổi họp báo về công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2015 ngày 13/2, Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL Vũ Xuân Thành khẳng định, các cơ quan liên quan đã lên kế hoạch tập trung vào kiểm tra đột xuất, đến lễ hội quay phim, chụp ảnh để có bằng chứng sai phạm, sau đó mới làm việc với Ban Quản lý di tích, lãnh đạo Sở VH,TT&DL địa phương để chấn chỉnh. Đảm bảo xử lý kịp thời những bất cập còn tồn tại.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái cũng khẳng định, chế tài xử lý các hành vi vi phạm trong công tác tổ chức lễ hội đã có đủ. Ở địa phương, tùy theo mức độ hành vi vi phạm để xử lý, và trách nhiệm kiểm soát quan trọng nhất thuộc về các cấp chính quyền địa phương, cũng như Ban Tổ chức lễ hội, Ban Quản lý di tích.
Hy vọng với những động thái quyết liệt của Bộ VH,TT&DL công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2015 sẽ có chuyển biến tích cực để lễ hội thực sự khơi dậy được những giá trị tốt đẹp của truyền thống, văn hóa dân tộc.
Post by Báo Tiền Phong.