Kịch bản và cách kiềm chế lạm phát

Giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh tăng theo giá thế giới gây tác động lên lạm phát thời gian qua. Ảnh: Như Ý.
Giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh tăng theo giá thế giới gây tác động lên lạm phát thời gian qua. Ảnh: Như Ý.
TP - Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng vọt lên 0,55% đem lại nhiều quan ngại về điều hành kiểm soát lạm phát. Với diễn biến này, điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ “ứng phó” thế nào để kiểm soát CPI dưới 4% trong năm 2018 như Quốc hội và Chính phủ mong muốn.

CPI tháng 5 cao nhất 6 năm qua

Theo số liệu lạm phát vừa được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 năm 2018 tăng 0,55% so với tháng trước, tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 5 năm 2018 tăng 0,11% so với tháng trước, tăng 1,37% so với cùng kỳ.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 9 nhóm hàng tăng giá, trong đó nhóm giao thông có mức tăng cao nhất, tăng 1,72%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,88%; nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng tăng 0,34%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,1%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,08%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,08%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,08%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,02%. Nhóm giáo dục không đổi. Có 1 nhóm hàng giảm giá là bưu chính viễn thông (giảm 0,14%).

Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê chỉ ra nguyên nhân làm tăng CPI tháng 5 năm 2018 là do giá thịt lợn tăng cao sau một thời gian dài thua lỗ, nhiều hộ chăn nuôi phải ngừng nuôi. Cùng đó, là các tác động dây chuyền như giá xăng dầu điều chỉnh tăng vào ngày 8/5/2018 và ngày 23/5/2018, tổng cộng giá xăng A95 tăng 1.010 đồng/lít, giá xăng E5 tăng 1.010 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 960 đồng/lít nên bình quân tháng 5/2018 giá xăng dầu tăng 3,68% so với tháng trước, đóng góp làm tăng CPI chung 0,16%.

Ngày 1/6, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, vấn đề lõi của CPI tháng 5 tăng mạnh tập trung chủ yếu vào giá xăng dầu tăng cũng như giá thịt lợn tăng bất thường. “Về giá thị lợn có hay không hiện tượng làm giá thì hiện Bộ NN&PTNT đã vào cuộc, Cục giá cũng bám sát theo dõi”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, tại phiên họp Tổ điều hành vừa qua, Cục Quản lý giá đã báo cáo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về kịch bản lạm phát trong năm 2018 và các giải pháp từ nay đến hết năm. Theo đó, 3 mức lạm pháp được xây dựng tăng tương ứng CPI 3,72%- 3,92% và “xấu nhất” là 4,2% (tùy theo mức độ tăng giá tương ứng của một số mặt hàng, lĩnh vực gây tác động). “Tinh thần chung đều thống nhất với điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa nhất quán của Chính phủ, khả năng kiểm soát lạm phát dưới mức 4% là hoàn toàn có thể. Diễn biến khó lường nhất nếu có chỉ đến từ những tác động bên ngoài”, ông Tuấn nói.

Cách nào kiềm chế?

Nhằm kiểm soát lạm phát, đầu tiên cần cân đối cung cầu. Theo đó, Cục giá lưu ý các mặt hàng như thịt lợn, lúa gạo cần đảm bảo, tránh gây sức ép lên chỉ số giá. Cùng đó, trong tháng 7 này, Bộ Y tế đang rà soát lại và tới đây có thể giảm giá hàng chục đầu mục liên quan tới viện phí. “Điều này cũng sẽ làm giảm sức ép lên lạm phát”, ông Tuấn nói.

Vậy yếu tố nào đáng quan ngại nhất tác động lên CPI từ nay đến cuối năm?  Giả sử trường hợp xấu nhất giá dầu tăng tới 30% (như nhiều dự báo) thì sẽ thế nào? Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, “phác đồ” cho CPI nay đã có. Nếu giá dầu thô tăng vọt lên tới 30% thì sẽ sử dụng Quỹ bình ổn để hỗ trợ và cố gắng không tăng giá xăng dầu trong nước. “Còn trường hợp xấu nữa mà hết quỹ, khi đó sẽ không trích lập Quỹ nữa để tránh tăng giá xăng dầu gây tác động mạnh”, ông Tuấn nói.

Nhận định chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng đột biến, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cơ quan chức năng cần theo dõi sát diễn biến thị trường để có biện pháp thích hợp, đặc biệt là về cung tiền. Theo ông Hiếu, mục tiêu lạm phát năm 2018 ở mức dưới 4% như đã đề ra khó khả thi ngay và hiện tại còn quá sớm để dự báo chắc chắn. “Hiện lượng tiền lưu thông vẫn có thể được điều hòa bởi Ngân hàng Nhà nước. Để kiểm soát lạm phát cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm bảo đảm chỉ một lượng tiền vừa đủ được đưa ra thị trường”, ông Hiếu đề xuất.

Trong khi đó, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng, chỉ số CPI tháng 5 tăng lên đáng kể do giá xăng dầu tăng liên tục, nhiều khả năng không thể giữ ổn định trong thời gian tới sẽ gây khó khăn lớn cho nền kinh tế và mục tiêu kiềm chế lạm phát. Theo ông Doanh, những lo ngại về bất ổn kinh tế thế giới đã đẩy giá dầu thô tăng vọt từ 50 USD/thùng lên 70 USD/thùng rồi 80 USD/thùng và dự đoán sẽ lên trên 100 USD/thùng trong năm nay. Giá xăng dầu Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi giá dầu thế giới nên việc tăng giá là không tránh khỏi.

“Trong bối cảnh như vậy, cần phải xem xét hết sức thận trọng việc Bộ Tài chính tiếp tục muốn tăng thuế môi trường đối với xăng dầu. Bởi việc này càng tăng thêm gánh nặng cho người nghèo. Bộ Tài chính cần cân nhắc. Quốc hội cần xem xét thận trọng đề xuất này của Bộ Tài chính vì nếu tăng thuế môi trường sẽ tạo ra rất nhiều thách thức cho nền kinh tế”, TS Doanh nhấn mạnh.

Tại thị trường tiền tệ, tỷ giá trung tâm đã liên tục được điều chỉnh tăng từ mức 22.415 VND/USD vào ngày 31/12/2017 lên mức 22.605 VND/USD vào ngày 29/05/2018 vừa qua (tương đương mức tăng 0,8%). Chuyên gia tài chính Nguyễn Đức Độ lưu ý xu hướng tăng tỷ giá đã hình thành trong nhiều ngày qua. Nhưng mức tăng mạnh trong ngày 29/5 có thể một phần do những lo ngại về lạm phát sau khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu mới.

MỚI - NÓNG